Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

16 năm biến gian nan thành trái ngọt nơi đại ngàn Lai Châu

Hành trình đến với Nậm Chà, một xã vùng cao thuộc huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, là một thử thách thực sự. Con đường đèo dốc dài gần 60 km luôn ẩn chứa hiểm nguy: vực thẳm chênh vênh khi trời nắng, sạt lở và lầy lội khi mưa xuống.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên28/07/2025

Được biết, năm 2012, Nậm Chà mới có đường xe máy để đi, năm 2014 mới có sóng điện thoại, có chuyến xe ô tô đầu tiên lên với xã, và đến năm 2016 mới có điện để thắp sáng. Thế nhưng trước đó, vẫn có những con người không quản ngại gian khó để mang ánh sáng tri thức đến nơi đây.

16 năm biến gian nan thành trái ngọt nơi đại ngàn Lai Châu  - Ảnh 1.

Cô Lại Thị Tình trong buổi đón đoàn từ thiện lên trao tặng thư viện cho trường Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Nậm Chà, tháng 9.2019

ẢNH: LƯƠNG ĐÌNH KHOA


Khởi đầu "thắp lửa" với những gian nan

Sinh ra và lớn lên tại Nam Định, cô gái trẻ Lại Thị Tình ấp ủ ước mơ gieo chữ. Chị quyết định nộp hồ sơ và trúng tuyển vào Trường cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, và ra trường vào năm 1989. Giữa lúc bạn bè đồng khóa, 40 con người cùng xuất phát điểm, đều tìm về những miền đất hứa hẹn sự nghiệp thênh thang, Lại Thị Tình lại quyết định tìm đến những xã vùng cao heo hút của Lai Châu.

Cô Tình bồi hồi kể lại những ngày đầu "vỡ lòng" với vùng cao, đó là những thước phim sống động của gian nan và thử thách. "Ngày đó, đường giao thông chưa có, giáo viên phải đi bộ gần 100 km trên những con đường mòn heo hút, xuyên qua rừng sâu núi thẳm. Chân tôi phồng rộp, sưng tấy, đau buốt từng bước. Đêm đến, giữa cái lạnh căm của núi rừng, chúng tôi phải ngủ vạ vật ngay dọc đường. Lúc đó, tôi vừa đi vừa khóc, cố gắng bám theo gót chân các anh chị cùng đoàn để không bị bỏ lại phía sau".

16 năm biến gian nan thành trái ngọt nơi đại ngàn Lai Châu  - Ảnh 2.

Không gian phòng ở đơn sơ, ngày mưa mưa hắt, ngày nắng nắng xiên của giáo viên ở xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu

ẢNH: NVCC

Phải đến ngày thứ ba, đoàn người mới đặt chân được đến trung tâm huyện. Nhưng hành trình chưa dừng lại ở đó. Từ trung tâm huyện vào xã còn cả một chặng đường dài hun hút, không hề có lối đi cho xe cộ. Cách duy nhất là đi xuồng, len lỏi qua những dòng nước xiết, đầy nguy hiểm. "Có đoạn nước chảy mạnh quá, tôi không dám ngồi trên xuồng mà phải men theo bìa rừng mà đi, bám víu vào từng thân cây, tảng đá để không bị cuốn trôi", cô Tình nhớ lại, giọng đầy cảm xúc.

Lớp học đơn sơ nơi xứ lạ

Đến được vùng đất của người Thái, cô giáo miền xuôi như một tờ giấy trắng, bắt đầu hành trình học tiếng Thái, từng câu từng chữ để có thể trò chuyện, giao tiếp với người dân bản địa, đặc biệt là với những đứa trẻ còn ngọng nghịu tiếng Kinh. Lớp học của cô Tình đơn sơ đến xiêu lòng, được dựng lên từ những vật liệu sẵn có của núi rừng: mái lợp tranh, vách che bằng tre nứa. Ba gian phòng nhỏ bé, một gian dành cho cô giáo, hai gian còn lại là không gian học tập của lũ trẻ. Bàn học được ghép từ những mảnh gỗ tự tạo, mộc mạc và chân chất. Còn ghế ngồi là những cây tre đập dập thành những tấm phên.

Những kỷ niệm về buổi đầu đứng lớp, về những bài học vỡ lòng nơi vùng cao đã trở thành một phần không thể phai mờ trong tâm trí cô Tình. "Thời điểm đó, học sinh đi học muộn là chuyện thường ngày, nhiều em mới học lớp 1 nhưng trông đã phổng phao như người lớn", cô Tình nhớ lại với nụ cười hiền hậu. Điều đặc biệt khiến cô vừa thương vừa buồn cười là cách các em phát âm. "Các bạn nói ngọng rất nhiều, đặc biệt là những âm tiết tiếng Kinh mà các em ít được tiếp xúc".

16 năm biến gian nan thành trái ngọt nơi đại ngàn Lai Châu  - Ảnh 3.

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Nậm Chà tại khu vực nhà nội trú

ẢNH: LƯƠNG ĐÌNH KHOA


Có một kỷ niệm mà đến giờ cô vẫn không thể quên. Đó là khi các em học sinh hồn nhiên cất giọng hát một bài đã được các cô giáo khóa trước dạy. Các em hát: "Giờ học ta, chúa e cồ cơ sách, cơ sách cho mau đà kết cho mau. Cầm bố mờ khô được kê thứ gì...". Cô Tình kể lại, ánh mắt vẫn ánh lên vẻ ngạc nhiên của ngày đó.

Cô giáo trẻ trăn trở, cố gắng xâu chuỗi từng âm tiết, từng câu chữ mà các em phát ra. Mất gần nửa ngày trời vắt óc suy luận, cô Tình chợt vỡ òa khi dịch được lời bài hát: "Giờ học tan, chúng em cùng cất sách, cất sách cho mau, đoàn kết cho mau. Cầm bút mực không được quên thứ gì…". Đó là cánh cửa đầu tiên giúp cô giáo miền xuôi bước vào thế giới nội tâm của những học trò vùng cao, mở ra một hành trình gieo chữ đầy ý nghĩa.

Cuộc sống nơi vùng cao còn thách thức cô giáo Tình bởi những con đường hiểm trở. Việc tiếp cận hàng hóa, thực phẩm gần như là điều xa xỉ, biến những nhu yếu phẩm trở thành gánh nặng thường trực. "Từ huyện vào xã đã hơn 50 km, việc đi xuồng qua những dòng nước xiết không hề đảm bảo an toàn tính mạng, nói gì đến chuyện cõng vác lương thực theo. Vậy nên, giáo viên phải cố gắng làm tốt công tác dân vận mới có cơm ăn", cô Tình chia sẻ.

Đến mùa hè, vào tháng 5 mưa dầm, thay vì thảnh thơi nghỉ ngơi, cô Tình lại cuốc bộ ra tận thị xã Mường Lay để bắt xe về quê. Không phải để nghỉ dưỡng hoàn toàn, mà là để chuẩn bị cho một cuộc "trao đổi" đặc biệt. Cô cẩn thận sắm sửa những món đồ nhỏ gọn mà dân bản cần như kẹp tóc, dây buộc tóc, mang theo lên trường để đổi lấy trứng, gạo từ bà con. Cả xã chỉ có vỏn vẹn một quán nhỏ cung cấp nhu yếu phẩm nên mọi thứ đều đắt đỏ. Với đồng lương giáo viên ít ỏi, mỗi dịp hè về, cô Tình vẫn phải ngậm ngùi xin tiền bố mẹ để mang lên trường, tiếp tục hành trình gieo chữ đầy gian nan và tình nghĩa của mình.

16 năm biến gian nan thành trái ngọt nơi đại ngàn Lai Châu  - Ảnh 4.

Cô Lại Thị Tình (bìa phải) trong buổi trao quà cho học sinh khó khăn Trường THPT Nậm Nhùn, tháng 11.2023

ẢNH: NVCC

"Trái ngọt" yêu thương miền biên viễn

16 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, 4 năm dạy nghề và gần chục năm làm công tác chữ thập đỏ giúp cô Lại Thị Tình thấu hiểu sâu sắc hơn cuộc sống, con người Lai Châu, đồng thời tự tôi luyện bản thân trở nên rắn rỏi và trưởng thành vượt bậc.

Cô Tình cho biết, hạnh phúc không chỉ thấy sự trưởng thành của học trò mà còn là tình cảm, sự gắn bó của bà con dân bản dành cho các thầy cô. "Học sinh và bà con dân bản ở đây hiền lành, sống thật thà và tình cảm lắm, khi cần hỗ trợ về nhân lực để xây dựng, dọn dẹp, vệ sinh, bắc cầu tạm qua sông… hay bất cứ công việc gì là tham gia rất nhiệt tình. Có bí, ngô, khoai, sắn nhà trồng, hay con cua con cá thi thoảng bắt được, dù ít dù nhiều cũng mang đến góp chung với thầy cô để cùng chăm sóc cho các con", cô hào hứng kể lại.

Nhìn lại chặng đường đã qua, điều khiến cô Tình cảm thấy mãn nguyện và tự hào nhất chính là sự trưởng thành của những lứa học trò năm xưa. Từ mái trường đơn sơ ấy, biết bao thế hệ đã vươn lên, trở thành những công dân ưu tú, góp sức xây dựng quê hương. Cô Tình không giấu nổi xúc động khi kể tên những học trò tiêu biểu: Lò Văn Vượng - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nậm Nhùn. Pờ Pí Von - Trưởng phòng Tư pháp huyện Nậm Nhùn, Lỳ Mỹ Ly - Trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Tè, Phùng Hà Cà - Phó phòng Công thương huyện Mường Tè…

"Không chỉ có vậy, các em làm bí thư Đảng ủy, chủ tịch xã hay công tác ở các đồn biên phòng cũng nhiều lắm", cô Tình hào hứng kể tiếp và cho biết thêm: "Đa số các em đều đã trưởng thành, chỉ có một số ít không theo được con đường học vấn thì về quê lập gia đình. Tất cả những điều ấy thực sự là rất tự hào. Làm giáo viên dù khó khăn đấy nhưng không nghề nào có thể kể được về niềm tự hào của mình như thế".

Giờ đây, con đường lên Nậm Chà đã bớt đi phần nào gian nan, hiểm trở so với trước. Tuy nhiên, hành trình gieo chữ nơi vùng cao Tây Bắc vẫn còn nhiều thử thách. Thế nhưng, những ngọn lửa nhiệt tình, sự cống hiến thầm lặng của các thầy cô giáo từ miền xuôi vẫn đang tiếp nối, mang ánh sáng tri thức đến với các em học sinh, chắp cánh cho một tương lai tươi sáng hơn.

16 năm biến gian nan thành trái ngọt nơi đại ngàn Lai Châu  - Ảnh 5.

 

Nguồn: https://thanhnien.vn/16-nam-bien-gian-nan-thanh-trai-ngot-noi-dai-ngan-lai-chau-185250715140943885.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm