Bà Fiona Loud, chuyên gia tại Anh đã nêu lên 3 vấn đề về thận thường gặp ở người lớn tuổi, đồng thời đưa ra lời khuyên thực tế về cách bảo vệ sức khỏe thận khi già đi, theo tờ The Irish News US (Anh).
Bệnh thận mạn tính (CKD)
Mặc dù bệnh thận mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh phổ biến hơn ở người trên 60 tuổi. Điều này một phần do chức năng thận có xu hướng suy giảm theo tuổi tác. Sự suy giảm này là quá trình lão hóa bình thường, với tốc độ khác nhau ở mỗi người.
“Thận lọc máu suốt cả ngày, giúp điều hòa huyết áp, hỗ trợ sức khỏe xương và giúp tạo ra các tế bào hồng cầu. Song, giống như hầu hết các chức năng khác của cơ thể, chức năng thận cũng sẽ dần suy giảm khi chúng ta già đi”, bà Loud giải thích.
Càng lớn tuổi, chức năng thận càng suy giảm
ẢNH: AI
Theo đó, bệnh tiểu đường và huyết áp cao là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh thận mạn tính. Nếu bạn mắc một trong 2 tình trạng này, theo thời gian, chúng có thể gây thêm áp lực lên các mạch máu trong thận, làm suy giảm chức năng thận.
“Bệnh thận thường được gọi là tình trạng thầm lặng, vì các triệu chứng thường không rõ rệt ở giai đoạn đầu. Hai triệu chứng phổ biến dần biểu hiện ra bên ngoài là mệt mỏi và khó thở, nhưng chúng cũng có thể là triệu chứng của những bệnh khác”, Loud nhấn mạnh.
Tổn thương thận cấp tính
Theo chuyên gia Loud, người lớn tuổi dễ bị tổn thương thận cấp tính và mạn tính hơn người trẻ.
Theo đó, tổn thương thận cấp tính là khi chức năng thận suy giảm nhanh chóng. Điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng phổ biến hơn ở những nhóm dễ bị tổn thương như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hoặc người trên 65 tuổi, thường đi kèm với các biến chứng khác.
“Nhiễm trùng hoặc đau dạ dày dai dẳng cũng có khả năng gây ra tổn thương thận cấp tính”, bà Loud cho hay.
Thận bị ảnh hưởng do thuốc
Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thận.
Liều lượng NSAID cao có thể gây hại cho thận. Những người bị suy giảm chức năng thận, mắc bệnh tim hoặc huyết áp cao nên tránh sử dụng NSAID trừ khi có khuyến cáo cụ thể của bác sĩ.
Mẹo giữ thận khỏe mạnh khi lớn tuổi
Sau đây là một số mẹo hàng đầu về cách giữ cho thận khỏe mạnh khi già đi:
Giữ đủ nước: Nước giúp thận đào thải các chất thải, ngăn ngừa sự hình thành các tinh thể và sỏi có hại cho thận. “Giữ đủ nước và chú ý đến màu nước tiểu. Nếu nước tiểu có màu nhạt thì tốt, còn nếu sẫm màu thì thường là dấu hiệu cho thấy bạn chưa uống đủ nước”, bà Loud cho biết.
Nước giúp thận đào thải các chất thải, ngăn ngừa sự hình thành các tinh thể và sỏi có hại cho thận
Ảnh: AI
Kiểm tra thận định kỳ: Người bị tiểu đường hoặc huyết áp cao nên kiểm tra thận hằng năm. Ngay cả khi không mắc 2 bệnh lý trên, nếu lo lắng về sức khỏe thận, bạn cũng có thể đến gặp bác sĩ và làm các xét nghiệm liên quan.
Trao đổi với bác sĩ về thuốc men: Ngoài các loại thuốc không chứa steroid, có một số loại kháng sinh cũng không tốt cho thận. Vì vậy những người bị thận mạn tính nên xin ý kiến bác sĩ để đảm bảo các loại thuốc được kê đơn là phù hợp.
Ăn uống cân bằng: Chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp duy trì huyết áp và cholesterol ở mức khỏe mạnh.
Mọi người nên ăn nhiều rau và các thực phẩm tốt cho hệ tim mạch, bởi vì “chăm sóc sức khỏe tim cũng là đang chăm sóc sức khỏe thận”, theo chuyên gia Loud.
Ngoài ra, muối khiến thận phải làm việc nhiều hơn và áp lực lên thận có thể tăng dần. Do đó, chế độ ăn ít muối cũng được khuyến nghị.
Vận động cơ thể: Giữ cơ thể hoạt động rất quan trọng để duy trì sức khỏe thận, giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh thận, chẳng hạn như bệnh tim, huyết áp cao, cholesterol cao và tiểu đường.
Nguồn: https://thanhnien.vn/3-nguy-co-ve-than-ma-nguoi-lon-tuoi-can-dac-biet-luu-y-185250705233426045.htm
Bình luận (0)