Gan là cơ quan đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển hóa, thải độc và điều hòa năng lượng.
Tuy nhiên, gan cũng dễ bị tổn thương do các yếu tố như rượu, thực phẩm giàu chất béo, thuốc, hóa chất và bệnh lý chuyển hóa. Việc bổ sung rau xanh hàng ngày, đặc biệt là các loại rau có đặc tính chống oxy hóa và kháng viêm, được xem là một trong những biện pháp tự nhiên hỗ trợ gan hoạt động hiệu quả hơn.
Cải xanh

Rau cải xanh chứa nhiều hoạt chất quý (Ảnh: Getty).
Rau cải xanh chứa sulforaphane, một hợp chất thực vật có khả năng kích hoạt enzym giải độc giai đoạn 2 tại gan, giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.
Theo một nghiên cứu được công bố trên World Journal of Gastroenterology, sulforaphane giúp giảm viêm gan, tăng độ nhạy insulin và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư gan trong các mô hình thực nghiệm.
Bên cạnh đó, cải xanh cũng giàu vitamin C, E, beta-carotene và chất xơ. Các thành phần góp phần duy trì men gan ổn định, giảm tích tụ mỡ trong gan và tăng cường hệ miễn dịch.
Diếp cá
Diếp cá chứa nhiều chất chống oxy hóa như quercitrin, rutin và axit caffeoylquinic có tác dụng làm giảm stress oxy hóa, một trong những nguyên nhân chính gây tổn thương tế bào gan.
Một nghiên cứu trên Journal of Medicinal Food chỉ ra rằng chiết xuất diếp cá có khả năng cải thiện chỉ số gan trong các mô hình tổn thương gan do hóa chất gây ra.
Ngoài ra, đặc tính kháng viêm và lợi tiểu của diếp cá còn giúp tăng cường quá trình bài tiết, giảm gánh nặng chuyển hóa cho gan.
Rau má

Rau má giúp mát gan, giải độc (Ảnh: Getty).
Rau má có khả năng hỗ trợ gan trong việc chống lại tác hại của rượu và độc tố. Rau má kích thích sản xuất mật, giúp cải thiện tiêu hóa và tăng khả năng chuyển hóa lipid tại gan.
Đặc tính chống viêm của rau má cũng giúp làm dịu các phản ứng viêm cấp và mạn tính trong mô gan.
Một nghiên cứu cho thấy, chiết xuất rau má giúp cải thiện men gan và làm giảm tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) trong các thử nghiệm trên động vật.
Atisô
Atisô chứa cynarin và silymarin. Hai hoạt chất nổi bật với tác dụng bảo vệ gan và tăng khả năng phục hồi tổn thương mô gan.
Theo nghiên cứu đăng trên Phytotherapy Research, việc sử dụng chiết xuất atisô giúp giảm nồng độ men gan ALT, AST và GGT ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu.
Bên cạnh khả năng bảo vệ gan, atisô còn giúp tăng tiết mật hỗ trợ tiêu hóa chất béo và loại bỏ độc tố tan trong chất béo ra khỏi cơ thể. Atisô có thể được chế biến dưới dạng luộc, nấu canh với nấm, thịt hoặc dùng dưới dạng trà.
Tía tô

Tía tô làm giảm biểu hiện các gen liên quan đến tổng hợp lipid và thúc đẩy sản xuất ty thể (Ảnh: Getty).
Tía tô chứa hợp chất perillartine, giúp điều hòa chuyển hóa lipid, giảm tích tụ chất béo trong gan và hỗ trợ kiểm soát đường huyết.
Một nghiên cứu từ Đại học Kyungpook (Hàn Quốc) cho thấy, chiết xuất từ lá tía tô làm giảm biểu hiện các gen liên quan đến tổng hợp lipid và thúc đẩy sản xuất ty thể – giúp tăng hiệu suất hoạt động của tế bào gan.
Việc tăng cường chức năng gan cần kết hợp nhiều yếu tố, không chỉ dừng ở thực phẩm. Người dân nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia, tăng cường vận động, kiểm tra sức khỏe định kỳ và tiêm vaccine đầy đủ để phòng ngừa viêm gan A, B.
Trường hợp có dấu hiệu men gan cao, vàng da, mệt mỏi kéo dài hoặc tiền sử bệnh lý gan, người bệnh nên thăm khám chuyên khoa gan mật để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/5-loai-rau-binh-dan-giup-tang-cuong-chuc-nang-gan-20250719094339572.htm
Bình luận (0)