Cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) giờ đây không còn là một cuộc chạy nước rút nữa mà đã biến thành một cuộc chạy đua vũ trang mang quy mô địa chính trị toàn cầu. Thứ từng là một lĩnh vực cởi mở và đậm chất học thuật giờ đây đang trở thành một cuộc chơi tàn khốc, bí ẩn và cực kỳ tốn kém.
Giữa bối cảnh đó, tuyên bố của Mark Cuban giống như một quả bom hẹn giờ, buộc cả thế giới công nghệ phải nhìn lại chiến lược của mình.
Cuộc đua AI nghìn tỷ USD
Thế giới đang chứng kiến một làn sóng chi tiêu chưa từng có tiền lệ từ các gã khổng lồ công nghệ. Họ không chỉ tham gia cuộc chơi AI mà còn đang đặt cược cả tương lai của mình vào đó.
4 ông lớn Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon và Meta đã cam kết chi một con số đáng kinh ngạc: hơn 320 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng AI chỉ riêng trong năm nay. Để dễ hình dung, con số này lớn hơn GDP của nhiều quốc gia. Phần lớn khoản đầu tư khổng lồ này được đổ vào việc xây dựng các siêu trung tâm dữ liệu và nâng cấp năng lực xử lý cho các mô hình AI thế hệ mới.
Lý do đằng sau rất đơn giản. Trong thế giới AI, quyền lực được đo bằng số lượng chip và dung lượng dữ liệu. Ai có nhiều hơn, người đó sẽ mạnh hơn.
Microsoft, với cú bắt tay chiến lược cùng OpenAI, đã sớm có được "chìa khóa" tiếp cận các mô hình ngôn ngữ tiên tiến nhất. Không dừng lại ở đó, họ công bố kế hoạch chi 80 tỷ USD trong năm nay để xây dựng các trung tâm dữ liệu phục vụ cho việc đào tạo và triển khai AI trên nền tảng đám mây Azure.
Google không chịu kém cạnh, đã rót khoảng 75 tỷ USD vào AI và vừa công bố kế hoạch chi thêm 25 tỷ USD để mở rộng mạng lưới trung tâm dữ liệu. Con át chủ bài của họ là chip TPU (Tensor Processing Unit) thế hệ thứ 7, được thiết kế chuyên biệt để xử lý các mạng nơ-ron sâu và phức tạp hơn.
Amazon Web Services (AWS) cũng tự phát triển chip riêng mang tên Trainium và Inferentia, nhằm tối ưu hóa chi phí và hiệu năng cho các doanh nghiệp triển khai AI trên nền tảng của mình.
Cơn sốt này đã biến Nvidia thành một đế chế. Từ một công ty sản xuất card đồ họa, Nvidia trở thành nhà cung cấp vũ khí tối thượng cho cuộc chiến AI, với vốn hóa thị trường vượt mốc 4.000 tỷ USD, một con số không tưởng chỉ vài năm trước.
Các tập đoàn công nghệ lớn đang lao vào cuộc đua khốc liệt giành vị thế dẫn đầu AI, đổ hàng chục tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và tung ra các gói đãi ngộ siêu khủng để giành giật nhân tài (Ảnh: FT).
Nếu phần cứng là "cơ bắp", thì nhân tài chính là "bộ não" của AI. Và cuộc chiến giành giật những bộ não xuất sắc nhất đang diễn ra với tốc độ và mức độ khốc liệt chưa từng thấy.
Các gói lương thưởng và đãi ngộ đã vượt xa mọi giới hạn thông thường. Theo các nguồn tin uy tín, những chuyên gia AI hàng đầu tại Meta có thể nhận được gói đãi ngộ lên tới 300 triệu USD trong vòng 4 năm, với thu nhập năm đầu tiên vượt ngưỡng 100 triệu USD. Một ví dụ điển hình là Ruoming Pang, cựu lãnh đạo Apple, người được cho là đã gia nhập đội "Siêu trí tuệ" của Meta với một gói hợp đồng trị giá 200 triệu USD.
Mức lương trung bình cũng ở "trên trời". Một nhà nghiên cứu AI tại Microsoft có thể kiếm được khoảng 431.000 USD/năm, trong khi một số nhà khoa học nghiên cứu tại Nvidia nhận mức lương hơn 600.000 USD/năm. Con số này cao gấp nhiều lần so với mức lương của một kỹ sư phần mềm cao cấp - một trong những nghề có thu nhập cao nhất Thung lũng Silicon.
Các công ty đang dùng những khoản tiền khổng lồ để chiêu mộ nhân tài từ đối thủ, làm chao đảo toàn bộ thị trường lao động công nghệ. Đây không còn là tuyển dụng, đây là một cuộc "cướp nhân tài" đúng nghĩa.
"Quả bom sự thật" của Mark Cuban: IP là vua
Giữa lúc các nhà đầu tư say sưa với những con số tăng trưởng và các công ty mải mê "đốt tiền", tỷ phú đầu tư Mark Cuban, với sự nhạy bén của một người luôn đi trước thời đại, đã tung ra một lời cảnh báo ngắn gọn nhưng mang sức nặng của một định luật mới.
Trên mạng xã hội X, ông tuyên bố: “IP is king in an AI world” - IP là vua trong thế giới AI. 8 từ này không chỉ là một nhận định mà đó là lời tiên tri về giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến AI.
Cuban nói rõ hơn: “Theo tôi, điều mà nhiều người chưa nhìn ra là không có công ty nào chịu chi hơn 1.000 tỷ USD mà lại chấp nhận đứng ngoài cuộc chơi. Họ sẽ làm mọi cách để giành quyền thống trị. Tôi không biết cụ thể họ sẽ làm gì, nhưng tôi đoán mọi thứ sẽ trở nên rất khốc liệt”.
Theo ông, việc chi hàng trăm tỷ USD vào phần cứng và nhân tài mới chỉ là màn khởi đầu. Giai đoạn tiếp theo, các ông lớn sẽ chi thêm những khoản tiền khổng lồ để "khóa chặt" (lock down) các tài sản trí tuệ (IP) mà họ cho là cốt lõi. Kỷ nguyên của những bức tường thành, những con hào sâu và những hệ sinh thái đóng kín đang đến. Mục tiêu không chỉ là chiến thắng, mà là độc quyền.
Lời cảnh báo của Cuban gióng lên hồi chuông báo tử cho văn hóa "công bố hay là chết" (publish or perish) vốn đã thống trị giới học thuật và nghiên cứu công nghệ trong nhiều thập kỷ.
“Thời kỳ "công bố hay là biến mất" có lẽ đã qua rồi,” Cuban nhận định. “Giờ thì "càng công bố càng mất giá" vì các mô hình nền tảng hiện nay sẽ ngay lập tức nuốt trọn mọi thứ bạn chia sẻ”.
Bất kỳ nghiên cứu, đoạn mã hay bộ dữ liệu nào được công khai đều có thể ngay lập tức bị các mô hình AI của đối thủ "hấp thụ", khiến lợi thế cạnh tranh của người tạo ra nó bị xói mòn. Vì thế, lời khuyên của Mark Cuban dành cho các nhà sáng tạo, nhà nghiên cứu và kỹ sư AI cũng lạnh lùng không kém: “Hãy mã hóa công trình của bạn, giữ mã lệnh trong kho riêng, hoặc đặt nó sau một bức tường tính phí”.
Thay đổi tư duy này mang tính cách mạng. Sự cởi mở, chia sẻ kiến thức từng là động lực phát triển của AI, nay lại có thể trở thành điểm yếu chí mạng.
Tỷ phú đầu tư Mark Cuban cho rằng trong cuộc đua AI đang ngày càng khốc liệt, công ty nào kiểm soát được nhân tài và sở hữu trí tuệ sẽ chiến thắng (Ảnh: Getty).
Cẩm nang cho nhà đầu tư trong kỷ nguyên mới
Sự dịch chuyển chiến lược này mang lại những hệ quả sâu sắc đối với thị trường chứng khoán và các nhà đầu tư. Áp lực phải tạo ra doanh thu từ những khoản đầu tư khổng lồ đang ngày càng lớn. Nếu không thể thương mại hóa thành công, những con số chi tiêu ấn tư hôm nay sẽ trở thành những "vết mực đỏ" khổng lồ trong sổ sách ngày mai.
Dưới lăng kính của Mark Cuban, bản đồ đầu tư vào AI trở nên rõ ràng hơn:
Tìm kiếm những "pháo đài IP": Thay vì chỉ nhìn vào các công ty chi tiêu mạnh nhất, hãy tìm những doanh nghiệp sở hữu danh mục bằng sáng chế (patent) vững chắc, các bộ dữ liệu độc quyền không thể sao chép, và những quan hệ đối tác chiến lược khan hiếm. Nvidia là một ví dụ điển hình cho thành công của chiến lược này.
Đầu tư vào "vũ khí" và "cơ sở hạ tầng": Các công ty cung cấp công cụ và nền tảng cho cuộc đua AI, như Nvidia (chip), và các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn, sẽ tiếp tục hưởng lợi bất kể ai là người chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến mô hình.
Đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro: Nếu không muốn đặt cược tất cả vào một "chiến mã", các quỹ ETF chuyên về AI là một lựa chọn thông minh. Chúng cung cấp một rổ cổ phiếu đa dạng, giúp giảm thiểu rủi ro khi một công ty cụ thể nào đó hụt hơi trong cuộc đua.
Cuối cùng, thông điệp của Mark Cuban là một lời cảnh tỉnh đanh thép. Cuộc chiến AI đã bước vào một giai đoạn mới, tàn khốc và không khoan nhượng hơn. Trong ván cờ nghìn tỷ USD này, chiến thắng sẽ không thuộc về người có thuật toán thông minh nhất, mà thuộc về người sở hữu những "chìa khóa" của vương quốc, đó chính là tài sản trí tuệ.
"Thời thế đang thay đổi" và những ai không thích ứng kịp sẽ bị bỏ lại phía sau.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/8-tu-cua-ty-phu-mark-cuban-khien-gioi-ai-chao-dao-20250723215606456.htm
Bình luận (0)