Đầu tháng 3 vừa qua, Khoa Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện E Trung ương tiếp nhận một bệnh nhân là nữ sinh 14 tuổi trong tình trạng suy nhược tinh thần nghiêm trọng. Em có biểu hiện suy giảm trí nhớ, khó tập trung, thường xuyên chán nản, tự trách bản thân và xuất hiện hành vi tự hại.
Qua quá trình thăm khám và trò chuyện, bệnh nhân cho biết, em chịu áp lực lớn vì phải giữ vị trí đứng đầu lớp trong thời gian dài. Điều này khiến em căng thẳng kéo dài, mất ngủ và dần rơi vào trạng thái chán nản. Sự kỳ vọng quá mức từ gia đình, đặc biệt là cảm giác không được gia đình công nhận, khiến em cảm thấy mình vô dụng và không thể chịu nổi áp lực học tập. Em chia sẻ rằng, nếu không đạt thành tích tốt, em sẽ bị mẹ và ông mắng mỏ, dẫn đến suy nghĩ mình không còn giá trị để sống.
Kết quả chẩn đoán của bác sĩ xác định, nữ sinh mắc hội chứng trầm cảm với ý tưởng tự sát, bắt nguồn từ những sang chấn tâm lý nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng, không nên đặt kỳ vọng quá lớn và tạo áp lực nặng nề lên "đôi vai" con trẻ.
Không chỉ trường hợp này, áp lực từ phụ huynh và xã hội đang đè nặng lên vai học sinh. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2024, có đến 67% học sinh THPT từng trải qua cảm giác căng thẳng cực độ trước các kỳ thi quan trọng; trong đó, 25% có dấu hiệu trầm cảm từ nhẹ đến trung bình.
Tại Việt Nam, sức khỏe tâm thần vẫn là vấn đề nhạy cảm và chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều phụ huynh chưa nhận diện được mức độ nghiêm trọng của các biểu hiện như mất ngủ, rối loạn ăn uống hay thay đổi cảm xúc bất thường ở con em mình. Nhiều trường hợp chỉ được phát hiện khi tình trạng đã trở nên trầm trọng, thậm chí dẫn đến tự tử.
Theo các chuyên gia giáo dục, tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh là mong muốn con cái phải giỏi giang, thành công, thậm chí vượt qua chính mình theo quan niệm "con hơn cha là nhà có phúc". Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, điểm số cao hay sự ngoan ngoãn chưa đủ để đảm bảo một tương lai thành công. Trẻ em cần được phát triển toàn diện, trong đó sức khỏe tinh thần đóng vai trò cốt lõi.
“Học sinh đang sống trong một thế giới dễ vỡ và đầy bất định”
PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết, học sinh hiện nay đang sống trong một thế giới đầy rẫy áp lực và bất định. Đây là một thế giới "dễ vỡ", biến động nhanh, khiến người trẻ cảm thấy hoang mang, mất phương hướng. Những thay đổi chóng mặt của xã hội, cùng sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) khiến khối lượng tri thức nhân loại vượt xa khả năng tiếp thu của con người, làm gia tăng nỗi lo và áp lực thành công.
PGS.TS.Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội)
“Học sinh ngày nay không chỉ học để “thắng” AI, mà còn học để chiến thắng chính mình trong một cuộc đua không hồi kết. Nhiều em không biết học để làm gì, học đến bao giờ mới đủ”.
Ông Nam cũng chỉ ra rằng, trong thời đại mạng xã hội, áp lực thành tích không chỉ đến từ nhà trường hay gia đình mà xuất phát từ chính sự so sánh xã hội khốc liệt. Sự kết nối ảo ngày càng lớn tạo nên những kỳ vọng phi thực tế, khiến nhiều người trẻ tự tạo áp lực cho bản thân. Không chỉ học sinh, cả phụ huynh và giáo viên cũng đang bị cuốn vào vòng xoáy áp lực. Giáo viên chịu sức ép nghề nghiệp, nhiều người tìm cách giải tỏa bằng cách áp đặt lên học sinh. Trong khi đó, phụ huynh kỳ vọng quá mức, góp phần làm gia tăng căng thẳng cho con cái. Hệ quả là học sinh trở thành nạn nhân cuối cùng.
Theo ông Nam, nếu không từ bỏ bệnh thành tích trong giáo dục, từ học sinh, phụ huynh đến giáo viên, thì áp lực học tập sẽ không bao giờ được gỡ bỏ. Chỉ khi người lớn chấp nhận để học sinh phát triển theo thế mạnh và hứng thú riêng, khi việc học trở thành hành trình tự khám phá và khơi dậy nội lực, thì người học mới có thể tạo động lực từ bên trong.
Thực tế, giáo dục hiện nay vẫn nặng về nội dung, chưa thực sự chuyển sang phát triển năng lực. Nhiều giáo viên lúng túng không biết "dạy theo năng lực" là như thế nào. Đã đến lúc cần một triết lý giáo dục mới, phù hợp với kỷ nguyên công nghệ: “Phải chuyển sang mô hình sư phạm tự quyết, nơi học sinh tự đặt mục tiêu, tự học theo thế mạnh, sở thích và sự tò mò của mình. Giáo viên đóng vai trò định hướng và khơi gợi, còn học sinh sẽ dùng công nghệ, đặc biệt là AI, để khuếch đại tư duy, khám phá năng lực bản thân”.
Người thông minh trong thời đại mới, theo ông Nam, không phải là người học nhiều, bằng cấp cao, mà là người tạo ra giá trị mới cho xã hội. Giá trị lao động chân tay có trình độ cũng cần được đề cao. Tinh thần học tập suốt đời, đào sâu tri thức hơn là chạy theo thành tích và bằng cấp, cần được đặt lên hàng đầu.
Theo PGS. Trần Thành Nam, để giảm áp lực cho học sinh, điều tiên quyết là hệ thống giáo dục phải được chuẩn hóa. “Trường học, giáo viên phải đủ về số lượng và chất lượng. Mọi trường đều phải là trường tốt chứ không thể có nơi tốt, nơi kém. Nếu trường không đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông thì là chưa hoàn thành nhiệm vụ”.
Ông cũng cảnh báo, sau mỗi kỳ thi, lại có học sinh tự làm hại bản thân. Nhiều em có hành vi cực đoan không phải chỉ vì điểm thi mà do sự tích tụ tổn thương tinh thần kéo dài. Đến kỳ thi chỉ là "giọt nước làm tràn ly".
Theo ông, giải pháp là phải giúp học sinh có kỹ năng chăm sóc sức khỏe tinh thần. Điều này không chỉ dành cho học sinh mà cả phụ huynh, giáo viên cũng cần được trang bị kiến thức để sớm nhận diện dấu hiệu bất ổn.
“Trong thế giới ngày càng bất định và khắc nghiệt, điều quan trọng không phải là tránh áp lực, mà là chuẩn bị cho người trẻ khả năng đương đầu với áp lực và vượt qua nó một cách bền vững”, PGS.TS. Trần Thành Nam khẳng định.
Áp lực thi cử: Kỳ vọng của cha mẹ là nguyên nhân sâu xa
TS. Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục chia sẻ quan điểm: Nhiều người cho rằng, áp lực tinh thần của học sinh đến từ kỳ thi với tỷ lệ đỗ trượt rõ ràng và tính cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn áp lực lại bắt nguồn từ kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái.
TS. Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục
Khi cha mẹ đặt kỳ vọng quá cao, họ không chỉ tạo áp lực cho con mà còn tự đẩy mình vào trạng thái căng thẳng theo từng giờ phút thi cử. Thực tế, kỳ thi nên là một trải nghiệm giúp con trưởng thành, học được kỹ năng đối mặt với thử thách, chứ không phải là “thước đo” giá trị hay định đoạt tương lai. Một học sinh thi trượt không có nghĩa là thất bại, thất bại chỉ là một phần tự nhiên trong hành trình học hỏi và phát triển.
“Tôi từng chứng kiến nhiều học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần do áp lực học tập. Có em bị mộng du, mê sảng trong thời gian ôn thi, có em chỉ cần gặp một bài toán khó là bật khóc. Các triệu chứng như rối loạn trí nhớ, mất ngủ, rụng tóc, đau dạ dày... đều là biểu hiện của stress học đường. Cá biệt có những trường hợp học sinh tự kết liễu cuộc đời khi không vượt qua được kỳ vọng và áp lực. Tình trạng này càng trầm trọng khi giáo viên, vì quá lo lắng, cũng góp phần lan truyền áp lực sang phụ huynh và học sinh. Nhiều giáo viên bày tỏ sự hoài nghi về năng lực của học sinh một cách thiếu tinh tế, hoặc dự đoán mức điểm, khả năng đỗ khiến phụ huynh hoang mang và lập tức đẩy con vào guồng học thêm không nghỉ”, bà Vũ Thu Hương chia sẻ.
Cũng theo bà Hương, không chỉ học sinh, mà chính phụ huynh cũng rất cần được tư vấn tâm lý khi con bước vào các kỳ thi. Nhiều gia đình chuẩn bị cho con thi từ khi học lớp 8, lớp học thêm kín cả hè. Bố mẹ thay đổi cả lịch sinh hoạt gia đình, không đi nghỉ mát, không để con làm việc nhà, dồn mọi nguồn lực vào con. Tuy nhiên, khi con không đạt được kỳ vọng, cảm giác “phụ lòng gia đình” có thể khiến con suy sụp tinh thần.
Thậm chí, trong mùa thi, có những gia đình gần như dừng mọi sinh hoạt thường ngày để chăm sóc một “thí sinh”. Từ ông bà, bố mẹ, anh chị em… tất cả tập trung lo cho con đi thi như một “sự kiện trọng đại”. Trong khi đó, điều các con mong muốn nhất chỉ là được đi thi trong tâm thế nhẹ nhàng, như một kỳ kiểm tra học kỳ bình thường.
Chuyên gia Vũ Thu Hương kể lại một câu chuyện mà bà đã được chứng kiến: “Một học sinh ở châu Âu đi thi đại học nhưng nhầm địa điểm, về nhà sớm. Cả nhà chỉ bật cười, không trách móc. Họ coi đó là một trải nghiệm đáng nhớ và cho con một năm chuẩn bị lại. Dù kỳ thi đại học ở châu Âu cũng áp lực, nhưng tinh thần đối diện của phụ huynh ở đây đáng để chúng ta suy ngẫm. Họ nhìn sai sót của con với sự bao dung, biến nó thành bài học tích cực thay vì áp lực. Từ đó, tôi muốn đặt câu hỏi với các bậc cha mẹ Việt Nam: liệu chúng ta có đang kỳ vọng và nâng tầm các kỳ thi lên quá mức cần thiết? Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò thật sự của các kỳ thi, như là cơ hội học hỏi, rèn luyện và trưởng thành, thay vì là “trận chiến sống còn” định đoạt tương lai con cái?”.
Kỳ thi là cột mốc, không phải vạch đích. Thành công thực sự của mỗi học sinh không chỉ nằm ở điểm số, mà còn ở khả năng vượt qua thử thách và trưởng thành sau mỗi thất bại. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại, điều chỉnh và đồng hành cùng các em bằng sự thấu hiểu thay vì kỳ vọng, áp đặt.
vov.vn
Nguồn: https://baolaocai.vn/ap-luc-hoc-tap-sat-thu-vo-hinh-cua-suc-khoe-tinh-than-hoc-sinh-post648457.html
Bình luận (0)