Những quyết sách quan trọng cho hành trình “xanh”
Bằng những cam kết mạnh mẽ tại các diễn đàn quốc tế đến các chủ trương và chính sách nội địa, Việt Nam đang thể hiện quyết tâm chính trị cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và tiến tới nền kinh tế carbon thấp.
Với cam kết toàn cầu vì tương lai bền vững, đây là bước ngoặt lớn trong lộ trình phát triển xanh của Việt Nam được đánh dấu tại Hội nghị COP26 năm 2021 tại Glasgow, nơi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đây là cam kết đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia tích cực hưởng ứng sáng kiến toàn cầu về khí hậu. Đồng thời, Việt Nam tham gia nhiều cam kết quan trọng như chấm dứt phá rừng vào năm 2030, giảm 30% khí mê-tan toàn cầu và chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững.
Năm 2022, Việt Nam ký kết Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với Nhóm các nước G7 và các đối tác phát triển. Theo đó, Việt Nam sẽ được hỗ trợ 15,5 tỷ USD để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng từ nay đến năm 2030, mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy tài chính và tín dụng xanh.
Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng rõ ràng trong các văn kiện chiến lược như Nghị quyết Đại hội XIII xác định phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon thấp là một trong những định hướng trọng tâm trong giai đoạn tới. Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng cũng nhấn mạnh phát triển xanh như một cấu phần tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Không chỉ dừng ở định hướng mà Việt Nam đã xây dựng hàng loạt chương trình hành động cụ thể. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 (ban hành theo Quyết định 1658/QĐ-TTg) đề ra mục tiêu giảm ít nhất 15% cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP vào năm 2030 và 30% vào năm 2050. Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định 882/QĐ-TTg) cũng xác định 134 nhiệm vụ cụ thể theo 4 nhóm trụ cột: xanh hóa kinh tế, xanh hóa lối sống, xanh hóa hạ tầng và đảm bảo công bằng xã hội.
“Đòn bẩy” hiện thực hóa cam kết “xanh”
Để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh, tài chính – tín dụng xanh là một mắt xích then chốt. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển ngân hàng xanh, sản phẩm tín dụng xanh và nghiên cứu xây dựng khung phân loại tài sản xanh (green taxonomy).
Dù vậy, một số ngân hàng thương mại đã chủ động tiên phong phát triển sản phẩm tín dụng xanh, tài trợ cho các dự án điện gió, điện mặt trời, giao thông sạch, nông nghiệp tuần hoàn… như BIDV, HDBank, VPBank, VIB, Vietcombank, Agribank,… đã tiên phong cung cấp sản phẩm tài chính xanh, hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo, sản xuất sạch, nông nghiệp tuần hoàn.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, nhận định: “Tín dụng xanh không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng mà còn là cơ hội để ngân hàng định vị chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, để thúc đẩy dòng vốn xanh cần có sự vào cuộc đồng bộ từ chính sách, đặc biệt là cơ chế lãi suất ưu đãi và bảo lãnh rủi ro cho các dự án đầu tư xanh.”
Hiện nay, nhiều ngân hàng đang bước đầu xây dựng danh mục cho vay xanh, kết hợp đánh giá rủi ro môi trường – xã hội trong thẩm định tín dụng. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng xanh trong hệ thống vẫn còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn.
Bên cạnh đó, thực tiễn triển khai còn đối mặt với nhiều rào cản: thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính cụ thể, doanh nghiệp xanh còn hạn chế về năng lực hồ sơ, và thị trường tài chính xanh vẫn trong giai đoạn sơ khai.
Phân tích về vấn đề này, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết: “Muốn thị trường tài chính xanh phát triển, Việt Nam cần nhanh chóng thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn ESG quốc gia rõ ràng, minh bạch, để nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể xác định đúng chuẩn mực và lộ trình phát triển.”
Đồng thời, nhận thức của một bộ phận ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư về giá trị lâu dài của tài chính xanh vẫn chưa thật sự sâu sắc. Thiếu cơ chế ưu đãi cụ thể, thiếu hệ thống tiêu chuẩn ESG quốc gia và năng lực lập dự án xanh của doanh nghiệp còn hạn chế là những thách thức cần sớm được tháo gỡ.
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng Việt Nam đã và đang chủ động hòa mình vào làn sóng chuyển đổi xanh toàn cầu bằng những bước đi chính sách rõ ràng và cam kết mạnh mẽ.
Nhưng để các định hướng ấy thực sự đi vào cuộc sống, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và người dân. Chỉ khi dòng vốn xanh được huy động và phân bổ hiệu quả, các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững mới có thể trở thành hiện thực.
Để tài chính – tín dụng xanh phát triển thực chất và bền vững, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, thiết lập hệ sinh thái đồng bộ, từ hệ thống phân loại tín dụng xanh, chuẩn báo cáo ESG, đến cơ chế khuyến khích – hỗ trợ phù hợp.
Nhà nước, ngân hàng trung ương, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và nhà đầu tư cần cùng đồng hành, bởi chỉ khi dòng vốn “xanh” hóa, sự chuyển đổi sang mô hình kinh tế bền vững mới có thể đi vào thực tế, chứ không chỉ dừng lại ở những cam kết.
Tài chính xanh sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi dòng vốn được phân bổ đúng nơi – đúng nhu cầu và thực chất. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh hóa, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều cần những giải pháp tài chính đặc thù. Trong kỳ tiếp theo, chúng tôi sẽ đi sâu vào từng ngành, từng lĩnh vực như: ngành năng lượng, lĩnh vực có vai trò then chốt trong quá trình giảm phát thải và đạt mục tiêu phát triển bền vững hay công nghiệp, nông nghiệp,…
Từ câu chuyện vốn cho điện gió, điện mặt trời đến các thách thức trong thực hiện cam kết JETP, dòng vốn tín dụng xanh liệu đã thực sự sẵn sàng đồng hành cùng quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam?
Theo tìm hiểu, hiện nay tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) tại Việt Nam đạt khoảng 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4% trong tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống là 79.250 MW.
Trong đó, điện mặt trời có khoảng hơn 145 dự án điện mặt trời trang trại với tổng công suất 8.908 MW. Các địa phương có quy mô công suất lớn bao gồm Ninh Thuận, Bình Thuận và Đắk Lắk. Điện mặt trời mái nhà có hơn 100.000 hệ thống với tổng công suất 9.608 MWp, sản lượng phát lên lưới đạt gần 13 tỷ kWh. Các địa phương nổi bật là Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước và Long An. Về điện gió dự kiến đến năm 2025, tổng công suất nguồn điện gió đạt 6.030 MW và đến năm 2030 là 10.090 MW. Hiện tại, đã bổ sung vào quy hoạch 4.800 MW, cần bổ sung thêm khoảng 1.200 MW trong giai đoạn 2021-2025.
Nguồn: https://baodaknong.vn/bai-1-tin-dung-xanh-tu-chu-truong-den-hanh-dong-de-phat-trien-ben-vung-253854.html
Bình luận (0)