Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài 3: "Số hóa" nông nghiệp

Bài 1: Nhìn từ thực tiễn

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang28/05/2025

Bài 2: Xây dựng hình ảnh

Ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ ngày càng được áp dụng một cách sâu rộng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhằm mang lại nhiều tiện ích, nâng cao thu nhập cho nông dân.

BƯỚC TIẾN DÀI

Nhìn từ thực tiễn, ngành Nông nghiệp cả nước nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng, đã xoay chuyển tình thế từ chỗ lúng túng, bị động, bất ngờ sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo để tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, thách thức.

Giới thiệu các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Giới thiệu các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Một trong những khía cạnh là ngành đã chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang tấn công, đột phá trong một số ngành, như: Gạo, rau củ quả. Vì thế, vai trò, vị thế “trụ đỡ” của nông nghiệp càng ngày càng được khẳng định, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Chưa kể đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu là ngành hàng rau quả, với con số kỷ lục 7,2 tỷ USD vào năm 2024, cao gần gấp đôi so với kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 2018 là 3,81 tỷ USD. Thật ra, đây là kết quả của một quá trình chuyển đổi với rất nhiều nỗ lực của ngành. Có lẽ một trong những thành công rõ nét của ngành Nông nghiệp đó là kích hoạt được tư duy kinh tế, tư duy thị trường và “số hóa” trong nhiều lĩnh vực.

Những bài học về “được mùa mất giá” đã giúp hiểu ra rằng sản xuất có thể ít hơn, tốt hơn thì lợi ích thu về từ thị trường sẽ lớn hơn. Và lẽ đương nhiên, trong thành công chung đó, đổi mới công nghệ, ứng dụng thiết bị hiện đại vào sản xuất góp phần rất lớn.

Trong thành công chung của ngành Nông nghiệp Tiền Giang trong thời gian qua, việc ứng dụng các thành tựu khoa học vào lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò rất lớn để thúc đẩy Tiền Giang phát triển, nhất là sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 06 ngày 20-9-2011 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học từ nay đến năm 2015, định hướng năm 2020.

Trên tinh thần chung đó, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức triển khai hơn 100 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn, vườn cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, thủy sản và phát triển tiểu thủ công nghiệp; đặc biệt hình thành nhiều Chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện cây ăn trái đặc sản của tỉnh gồm: Sơ ri Gò Công, vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim, khóm Tân Lập, xoài cát Hòa Lộc, thanh long Chợ Gạo. 

Song song với việc thực hiện nghiên cứu khoa học phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời gian qua ngành cũng đã chú trọng vào các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Theo đó, ngành đã hỗ trợ vốn vay từ nguồn Quỹ Phát triển khoa học công nghệ cho nhiều doanh nghiệp, để thực hiện các dự án đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, đổi mới hệ thống máy móc, đầu tư kho bảo quản và dây chuyền đóng gói sản phẩm xuất khẩu; đầu tư trang bị thiết bị cơ giới hóa khâu làm đất để sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP...

Chưa kể, hoạt động khoa học công nghệ hỗ trợ bảo hộ và quảng bá thương hiệu cũng được chú trọng, như: Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu tập thể các đặc sản nông nghiệp của tỉnh như: Vú sữa Vĩnh Kim; Khóm Tân Lập; Sơ ri Gò Công; Bưởi lông Cổ Cò; Thanh long Chợ Gạo; Sầu riêng Ngũ Hiệp; Nếp bè Chợ Gạo; Dưa Gò Công; Gạo an toàn Mỹ Thành Nam; Rau an toàn Thân Cửu Nghĩa; Mắm tôm chà Gò Công; Gà, Lươn Gò Công; Nghêu Gò Công; Sa pô Mặc Bắc Kim Sơn....

CHẠM ĐỂ KẾT NỐI

Ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã được chú trọng, thực hiện trong nhiều khâu, mang lại tiện ích đáng kể. Chưa kể, việc ứng dụng IoT (Internet of Things - IoT) trong sản xuất nông nghiệp cũng đã và đang trở thành một nhu cầu cấp thiết; bởi không chỉ ở tính tiện dụng, mà còn phù hợp với xu thế phát triển, nhất là trước tác động của cuộc cách mạng 4.0. 

Trình diễn thiết bị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại Festival Lúa gạo - Hậu Giang 2023.
Trình diễn thiết bị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại Festival Lúa gạo - Hậu Giang 2023.

Thực tế cho thấy, hiện có rất nhiều mô hình ứng dụng IoT trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai thực hiện kể cả trong và ngoài nước. Chẳng hạn như mô hình ứng dụng IoT vào trồng cây trong nhà lưới, nhà kính thông qua hệ thống giám sát thông số môi trường như: Độ pH, độ dẫn điện EC của dung dịch thủy canh, nhiệt độ, độ ẩm không khí hay mô hình điều khiển thông minh cho vườn cây thông qua việc giám sát nhiệt độ và độ ẩm không khí; thông tin về độ ẩm đất được theo dõi và ghi nhận; giảm chi phí nhân công, tăng năng suất và giảm lượng nước tiêu thụ. 

Thực tế cũng xuất hiện mô hình tăng năng suất bằng kỹ thuật chiếu sáng hiệu quả nhằm rút ngắn thời gian canh tác, tăng sản lượng đến 2 lần, cải thiện chất lượng rau quả (màu sắc, chất dinh dưỡng). Công nghệ IoT trong nuôi ong lấy mật cũng được ứng dụng thông qua hệ thống cảm biến cho phép theo dõi: Nhiệt độ tổ ong, trọng lượng mật, hoạt động của đàn ong từ 5 - 10 phút/lần. 

Hay mô hình Ứng dụng công nghệ IoT để theo dõi tình trạng sức khỏe của bò sữa liên quan đến chu kỳ sinh sản, thân nhiệt. Chưa kể, mô hình ứng dụng công nghệ IoT trong nuôi cá, tôm thông qua việc lắp đặt hệ thống cảm biến để đo thông số môi trường nuôi thủy sản, cho phép theo dõi thường xuyên: Nhiệt độ nước, Oxy hòa tan DO, độ pH, chỉ số ORP… nhằm giám sát chất lượng nước, giúp làm giảm 40% - 50% lượng cá hao hụt, giảm chi phí nhân công…

Còn trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, một số mô hình ứng dụng IoT vào sản xuất nông nghiệp cũng được thực hiện. Cách đây vài năm, Đề tài Kiểm tra độ mặn tự động tại các trạm lấy nước cho vùng Ngọt hóa Gò Công dựa trên nền tảng vạn vật kết nối và điện toán đám mây cũng được triển khai. 

Mục tiêu của đề tài là xây dựng mô hình kiểm tra độ mặn một cách tự động tại các điểm lấy nước cho vùng Ngọt hóa Gò Công dựa vào nền tảng vạn vật kết nối và điện toán đám mây (Cloud computing). 

Mô hình đo độ mặn tự động trong nghiên cứu này cho phép đo độ mặn chính xác hơn vì tại mỗi điểm lấy nước sẽ thực hiện đo tại nhiều vị trí và đo trực tiếp nguồn nước. Đề tài tiếp cận theo hướng sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây giúp cho việc chia sẻ dữ liệu và phát triển ứng dụng sử dụng dữ liệu này dễ dàng hơn. 

Ngoài ra, chi phí vận hành cũng giảm đáng kể so với việc tự xây dựng các máy chủ chứa dữ liệu. Đây được xem là nghiên cứu đầu tiên áp dụng nền tảng vạn vật kết nối và điện toán đám mây vào giám sát độ mặn tự động cho các nguồn nước ở Việt Nam…

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung, còn nhiều việc để làm do tác động của thị trường, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, kể cả xu hướng chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng… 

Theo đó, ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục thực hiện Đề án điều chỉnh Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 gắn với xây dựng nông thôn mới; công tác phòng, chống dịch bệnh; phát triển kinh tế nông thôn… Tất nhiên, số hóa trong ngành Nông nghiệp cũng là một trong những mục tiêu được đặt ra.

Còn nhìn trên bức tranh tổng thể hơn, ngành Nông nghiệp cả nước cũng đã mạnh dạn tiếp cận xu thế “chạm để kết nối”. Đó là việc kích hoạt tư duy “số hóa” trong quản trị ngành, điều hành ngành, từng bước làm quen với việc thu thập, xử lý dữ liệu, phân tích thông tin trên các thiết bị thông minh. 

“Chạm để kết nối” đến ngay diện tích, sản lượng những vùng nguyên liệu, gắn với mã vùng trồng, vùng nuôi. “Chạm để kết nối” đến ngay biểu đồ đo lường tiến độ thực hiện “Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”… 

Nông nghiệp thời 4.0 dần được định hình nên tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy về thị trường tiêu thụ cũng liên tục được thay đổi. Có như thế ngành Nông nghiệp mới xứng đáng là “trụ đỡ” vững chắc cho nền kinh tế.

Thật ra, chuyển đổi số, đổi mới công nghệ đã và đang là yếu tố rất quan trọng, trở thành động lực lớn cho phát triển. Đây không còn là xu hướng chung, mà trở thành “chìa khóa” quyết định thành công ở nhiều lĩnh vực trong thời gian tới. Và Tiền Giang cũng đang quyết tâm theo đuổi mục tiêu này.

THẾ ANH

(còn tiếp)

Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202505/doi-moi-cong-nghe-thuc-tien-va-hanh-dong-bai-3-so-hoa-nong-nghiep-1043770/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm