Tại điểm cầu Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và môi trường Trần Lâm Sinh chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ NNMT |
Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản có tốc độ tăng trưởng nhanh và giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Vươn lên đầu danh sách trái cây tươi xuất khẩu
Tính đến cuối năm 2024, diện tích sầu riêng trên cả nước đạt gần 180 ngàn hécta, sản lượng ước đạt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Riêng trên địa bàn Đồng Nai, hiện diện tích sầu riêng đạt hơn 12,6 ngàn hécta, tăng gần gấp đôi so với vài năm trước đó.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 12,9 ngàn tấn, với khoảng 58,7 triệu USD, giảm 71,3% về sống lượng, giảm 74% về kim ngạch. Nguyên nhân xuất khẩu mặt hàng này sụt giảm mạnh do nhiều quốc gia đã áp dụng một số biện pháp kiểm soát bổ sung đối với sầu riêng xuất khẩu.
Vùng trồng sầu riêng xuất khẩu tại xã Đak Lua, huyện Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên |
Theo Bộ Nông nghiệp và môi trường, việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức công nhận thêm các mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam là kết quả của cả một quá trình nỗ lực chủ động từ phía Việt Nam. Trong suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, Bộ Nông nghiệp và môi trường cùng các cơ quan chuyên ngành đã tích cực xây dựng quy trình, hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt từ phía bạn hàng Trung Quốc. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam luôn chủ động và cầu thị trong hợp tác quốc tế.
Phát triển ngành hàng minh bạch, bền vững
Hội nghị đã thu hút đông đảo ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành hàng sầu riêng, tập trung vào các giải pháp gỡ vướng trong tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực chế biến và kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, mục tiêu của hội thảo lần này nhằm tìm được tiếng nói chung để phát triển ngành sầu riêng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, từng bước xác lập vị trí trên thị trường quốc tế. Trong những năm gần đây, ngành sầu riêng đã có những bước phát triển đột phá, trở thành một trong những ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Nhiều mô hình chế biến, thu mua, xuất khẩu sầu riêng đã phát huy hiệu quả, xây dựng ngành sầu riêng theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, ngành sầu riêng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức mang tính hệ thống, đòi hỏi phải được xử lý, giải quyết đồng bộ như: tăng trưởng về diện tích và sản lượng quá nhanh, vượt kế hoạch định hướng và năng lực kiểm soát, mất cân đối cung - cầu tại một số thời điểm; liên kết theo chuỗi sản xuất theo chuỗi mua, chế biến, tiêu thụ chưa chặt chẽ, thiếu ràng buộc pháp lý giữa các chủ thể tham gia khiến việc kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm gặp nhiều khó khăn...
Nhằm đưa ngành hàng sầu riêng phát triển lành mạnh, bền vững, Bộ Nông nghiệp và môi trường đề ra một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, các địa phương cần chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại vùng nguyên liệu, tạo môi trường minh bạch cho liên kết chuỗi được hình thành và vận hành hiệu quả. Tăng cường chỉ đạo, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng quy định.
Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân xây dựng chuỗi liên kết sầu riêng an toàn, bền vững. Trong đó, cần sự tham gia tích cực và tính tuân thủ của các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và môi trường Đỗ Đức Duy, về định hướng dài hạn cần có nghiên cứu bài bản để hình thành chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững, từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến xây dựng thương hiệu quốc gia. Ở đây cần "đặt hàng" các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp phối hợp thực hiện các dự án khoa học - công nghệ nhằm phát triển những ngành hàng nông sản chủ lực.
Bình Nguyên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/ban-giai-phap-de-sau-rieng-phat-trien-on-dinh-a2f2aec/
Bình luận (0)