Lặn biển Côn Đảo: Chạm vào lịch sử qua xác tàu đắm LCM-8
Trải nghiệm lặn biển tại Côn Đảo tiếp cận xác tàu chiến LCM-8 dưới lòng biển sâu. (Ảnh: Lê Hồ Uy Di)
Nếu có ai đó hỏi mình rằng du lịch Côn Đảo có gì khiến mình nhớ mãi, thì câu trả lời sẽ không phải là hoàng hôn hay bình minh, mà là cảm giác được lặn giữa làn nước xanh thẳm và đối diện với một phần ký ức lịch sử – xác tàu đắm LCM-8.
Chiếc LCM-8 từng là tàu chiến của Mỹ, bị đánh chìm bởi một cơn giông dữ dội từ thiên nhiên. Giờ đây, con tàu ấy nằm lại vĩnh viễn dưới đáy biển Côn Đảo, như một biểu tượng về quá khứ không thể lãng quên. Khi mình lặn xuống gần xác tàu, cảm giác thật khó tả: xúc động, tò mò và có phần kính nể. Tàu phủ đầy san hô và cá bơi lượn quanh khung sắt cũ kỹ – một khung cảnh vừa hoang sơ vừa ma mị.
Mình từng học lặn ở Nha Trang và Phú Quốc, nhưng chính trải nghiệm Côn Đảo lại cho mình cảm giác “lặn bằng cảm xúc”. Không đơn thuần là lặn biển, mà là khám phá một câu chuyện đã nằm yên dưới lòng đại dương.
Xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh – Chứng kiến kỳ tích của thiên nhiên
Rùa mẹ đang đẻ trứng trên bãi cát ở Hòn Bảy Cạnh – Một trong những điểm đến sinh thái đặc sắc của du lịch Côn Đảo. (Ảnh: Vườn quốc gia Côn Đảo)
Mình vẫn nhớ như in đêm hôm đó – một đêm đặc biệt ở Hòn Bảy Cạnh, nơi được xem là khu bảo tồn rùa biển lớn nhất Việt Nam. Nhờ “ăn may”, mình đã được chứng kiến cả hai quá trình: rùa mẹ đẻ trứng và rùa con về biển. Ký ức về Hòn Bảy Cạnh với mình là một đêm mát rượi, tiếng sóng nhẹ và ánh đèn pin len lỏi dẫn đường đến nơi thiên nhiên vẽ nên một điều kỳ diệu là bắt gặp rùa mẹ đẻ trứng.
Hòn Bảy Cạnh là đảo lớn thứ 2 ở Côn Đảo, với diện tích khoảng 683 ha. Tên gọi “Bảy Cạnh” bắt nguồn từ hình dáng của hòn đảo – giống một hình đa giác với bảy bãi cát bao quanh. Đây là nơi có khu bảo tồn rùa biển lớn nhất Việt Nam, thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo. Du khách muốn tham gia phải xin giấy phép trước (không mất phí, hiệu lực đến 17h ngày hôm sau).
Chuyến đi bắt đầu bằng hành trình tàu cao tốc 45 phút, sau đó mình đi bộ khoảng 700m theo đường mòn xuyên rừng ngập mặn, qua những loài cây độc đáo như đước đôi, vẹt trụ, dà vôi, su ổi… Đến trạm kiểm lâm, mình đăng ký ở lại một đêm duy nhất – vì theo quy định, tối đa chỉ 24 người/đêm được lưu trú để không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của rùa.
Khi rùa mẹ bắt đầu đào tổ, ánh sáng chỉ được dùng hạn chế qua đèn pin đỏ. Rùa dùng hai chân sau đào một lỗ sâu khoảng 60cm, rồi nhẹ nhàng đẻ từng quả trứng trắng muốt. Sau khi lấp tổ, rùa còn “ngụy trang” bằng cách đào thêm hố giả, xóa dấu vết. Khi rùa rời đi, mình cùng kiểm lâm thu gom trứng đem về tổ ấp.
Có một chi tiết thú vị: để cân bằng giới tính cho rùa con, một nửa số trứng được ấp nơi có ánh sáng nhiều, nửa còn lại ủ trong bóng râm. Sau 45–60 ngày, rùa nở và được thả về biển. Mỗi đợt thả rùa được thực hiện vào sáng sớm, khi thủy triều cao và chưa có nắng gắt – bởi ánh sáng sẽ làm rùa con lạc phương hướng.
Khoảnh khắc mình thấy từng con rùa bé xíu, gắng sức bò về phía biển, tim mình chùng xuống vì xúc động. Nghe nói chỉ 1/1000 con sống sót tới tuổi trưởng thành, và nếu sống, chúng sẽ quay lại đúng nơi chào đời để đẻ trứng sau 30 năm. Một vòng đời đầy bản năng và kỳ diệu.
Trekking Côn Đảo – Một tiếng đi bộ, ngàn sắc xanh trong mắt
Đường mòn xuyên rừng tại Côn Đảo xanh mát, nguyên sơ và dễ đi cho cả người mới trekking. (Ảnh: Lê Hồ Uy Di)
Côn Đảo không chỉ có biển. Mình phát hiện ra điều đó khi thử trekking xuyên rừng trong Vườn quốc gia Côn Đảo – một cung đường ngắn, chỉ khoảng một tiếng đi bộ nhưng quá đỗi ấn tượng. Và không phải ai cũng biết cung đường trekking cực kỳ lý tưởng này, đặc biệt thích hợp cho người mới bắt đầu. Mình từng dành một buổi sáng để thử cung đường ngắn trong khu vực núi Chúa, thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo và hoàn toàn bất ngờ.
Hành trình bắt đầu với con đường rợp bóng cây, không quá dốc, dẫn xuyên qua rừng ngập mặn - nơi bạn sẽ thấy rõ từng tầng thực vật đặc trưng như su ổi, bàng phi, vẹt dù… Một tiếng đi bộ không mệt mà rất thư thái. Mình đi đúng mùa khô, trời không mưa, lá khô lạo xạo dưới chân, không khí mát và trong lành đến mức cảm thấy… không muốn thở mạnh vì sợ làm xáo động thiên nhiên. Đích đến là một khu vịnh nhỏ - khu vực cho phép bạn ngắm toàn cảnh bờ vịnh phía đông bắc Côn Đảo - nơi sắc xanh trời, biển và rừng hòa quyện vào nhau, tạo thành một bức tranh không cần filter khiến mình chỉ muốn ngồi lặng thật lâu.
Trekking xong, mình tiếp tục ngồi thuyền dọc ven đảo, vừa thư giãn, vừa ngắm hoàng hôn tím rực trên mặt biển kết thúc một ngày với tất cả các cung bậc cảm xúc: khám phá, yên bình và biết ơn. Du lịch Côn Đảo không quá ồn ào, không nhộn nhịp như những điểm đến khác. Nhưng bù lại, từng nhịp thở của nơi này đều mang theo sự nguyên sơ, tinh khiết và chân thành.
Mình từng đến nhiều nơi, nhưng Côn Đảo để lại một dấu ấn lạ. Có lẽ vì nơi đây dung hòa được cả vẻ đẹp thiên nhiên lẫn chiều sâu lịch sử, sự tĩnh lặng và những phút giây “chạm” vào đời sống thật sự của một hòn đảo.
Dù bạn là người ưa khám phá như mình, hay chỉ muốn tìm một chốn nghỉ yên, thì những trải nghiệm Côn Đảo sẽ luôn có cách riêng để chạm đến cảm xúc của bạn – qua làn nước xanh, một chiếc tàu đắm, bước chân rùa con, hay chỉ đơn giản là hoàng hôn nhìn từ mạn thuyền. Hơn cả một hòn đảo du lịch, Côn Đảo là một miền cảm xúc để mỗi người tự viết nên câu chuyện riêng của mình.
P/S: Từ ngày 1/7/2025, Bà Rịa – Vũng Tàu chính thức sáp nhập vào TP.HCM. Điều này khiến hành trình du lịch Côn Đảo trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết. Nếu bạn còn chần chừ chưa lên lịch, thì bây giờ là lúc lý tưởng để xách balo và khám phá một Côn Đảo thật khác, ngay trong lòng “siêu thành phố” mới!
Nguồn: https://www.vietravel.com/vn/am-thuc-kham-pha/trai-nghiem-con-dao-it-nguoi-biet-v17481.aspx
Bình luận (0)