Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Bệ đỡ” giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Nắm bắt được nhu cầu người dân, bám sát điều kiện thực tế của từng vùng miền, thời gian qua, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại khu vực miền núi đã trở thành “bệ đỡ”, là cầu nối giúp nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị thoát nghèo.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị10/07/2025

“Bệ đỡ” giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Các sản phẩm trà của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh được người tiêu dùng ưa chuộng. -Ảnh: L.A

Ra đời năm 2023 từ sự liên kết sản xuất chăn nuôi, trồng trọt và xây dựng dân dụng của anh Đỗ Văn Ánh và 6 người bạn là đồng bào Vân Kiều, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hướng Hiệp, xã Hướng Hiệp hiện đã có đàn vật nuôi hàng trăm con, chủ yếu là lợn bản địa và dê núi. Đây là những giống vật nuôi quen thuộc với điều kiện khí hậu của địa phương.

Bên cạnh đó, HTX còn là nơi cung cấp nguồn dược liệu bản địa tương đối lớn cho các cơ sở chế biến trên địa bàn. Giám đốc HTX Hướng Hiệp Đỗ Văn Ánh cho biết, để HTX hoạt động bền vững, bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, HTX luôn đồng hành với người dân trong quá trình chăn nuôi từ cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc thú y và bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Theo đó, không đơn thuần chỉ là đơn vị đứng ra cung ứng giống cây trồng, vật nuôi cho người dân, mà thông qua các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các thành viên HTX đã về tận hộ gia đình, theo dõi đàn vật nuôi và hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn người dân cách chăm sóc vật nuôi theo đúng tiêu chuẩn doanh nghiệp yêu cầu để có thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá cao và ổn định từ đầu đến cuối chu kỳ chăn nuôi.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp đã hoàn thành chuỗi giá trị sản phẩm từ cung ứng đến đồng hành, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân địa phương. Trong đó nổi bật là các sản phẩm lợn bản địa, dê núi được nuôi theo hướng tự nhiên, hữu cơ, chăn thả có chất lượng thịt thơm ngon, giá trị sản phẩm cao, rất được thị trường ưa chuộng.

Là một trong những hộ chăn nuôi của HTX, bà Hồ Thị Chài ở thôn Làng Cát, xã Hướng Hiệp chia sẻ, từ khi được HTX hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ lợn giống, người dân rất phấn khởi. Hiện tại, bà con đang tập trung theo hướng chăn nuôi sạch, tự nhiên, không sử dụng các loại bột tăng trọng.

Trong quá trình chăn nuôi, nếu đàn lợn bị ốm hoặc có vấn đề gì thì chỉ cần điện thoại là có cán bộ của HTX về xử lý ngay. Do vậy, bà con rất tin tưởng vì vừa có con giống bảo đảm, vừa được hỗ trợ chăm sóc thú y miễn phí. Nhờ đó, trong thôn đã có gia đình bán được 20 con lợn, mang lại thu nhập hơn 20 triệu đồng.

Anh Hồ Văn Công, ở thôn Làng Cát cho biết, không chỉ được hỗ trợ lợn giống, hướng dẫn kỹ thuật, khi đàn lợn giống đẻ HTX sẽ thu mua toàn bộ với giá từ 100.000-130.000 đồng/kg. Đối với những gia đình khó khăn thuộc diện hộ nghèo thiếu vốn , HTX còn cho nợ chi phí con giống, sau khi chăn nuôi thành công sẽ trả lại vốn cho HTX, vì thế nên bà con rất vui và yên tâm.

“Bệ đỡ” giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Khu vực chăn nuôi của Hợp tác xã Nông nghiệp Hướng Hiệp được xây dựng quy mô. -Ảnh: Q.L

Năm 2020, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh được thành lập với mục tiêu đồng hành với người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, sản xuất, chế biến các loại thảo dược quý hiếm của địa phương thành các loại trà thơm ngon, bảo quản được lâu ngày, có tính thương mại cao.

Giám đốc HTX Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện tại mỗi năm đơn vị thu mua từ người dân trên địa bàn khoảng 60 tấn nguyên liệu. Trong đó khoảng 50 tấn các loại cây gia vị như gừng, sả và các loại cây dược liệu đặc trưng của địa phương; còn lại khoảng 10 tấn là các loại cây lương thực có hạt như lạc, đậu xanh, đậu đen xanh lòng. Từ các nguyên liệu đó, HTX đã chế biến, đóng gói và tiêu thụ theo đúng quy định về chất lượng hàng hóa.

Đặc biệt, HTX đã có 4 sản phẩm trà dược liệu được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, như: Trà thạch thiên thảo, trà tía tô, trà trinh nữ, trà diệp thảo đan. “Hiện, HTX đang xúc tiến mở rộng nhà máy, liên kết với người dân để mở rộng vùng nguyên liệu; đồng thời nghiên cứu để đưa ra thị trường các sản phẩm mới”, anh Hùng cho biết thêm.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và vùng miền núi Quảng Trị nói chung có nhiều lợi thế về chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Tuy nhiên, do quy mô đất đai nhỏ hẹp, chia cắt nên việc phát triển thành quy mô lớn không khả thi.

Chính vì vậy, mô hình HTX, tổ sản xuất là cách lựa chọn phù hợp để phát triển kinh tế tập thể. Tuy nhiên, để mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất phát triển bền vững, trở thành “bệ đỡ” cho đồng bào thoát nghèo, các địa phương cần định hình việc phát triển HTX, tổ liên kết sản xuất rõ ràng hơn. Trong đó ưu tiên ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay để tạo động lực cho HTX, tổ hợp tác sản xuất phát triển bền vững.

Về phía các HTX cần chủ động, linh hoạt, nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân và thị trường, từ đó điều hành đơn vị tạo ra sản phẩm chất lượng. Các HTX và tổ hợp tác cần có các phương án đồng hành, hỗ trợ thành viên và người dân để tạo ra chuỗi cung ứng hoàn thiện, tạo dựng niềm tin và uy tín của đơn vị. Qua đó góp phần cải thiện đời sống của người dân, đồng thời giúp đơn vị hoạt động hiệu quả và bền vững.

Lê An - Quách Long

Nguồn: https://baoquangtri.vn/be-do-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-thoat-ngheo-195655.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm