GS. TS. Phạm Tất Dong cho rằng: “Bình dân học vụ số” phải góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai và nhân lực tại chỗ. (Ảnh NVCC) |
Công nghệ là công cụ để tiến xa
“Bình dân học vụ số” là thuật ngữ nói đến phong trào học tập suốt đời của toàn dân hiện nay, trong điều kiện một xã hội đã hiện đại hóa, đi vào kinh tế tri thức. Phong trào này sẽ tiến hành các hoạt động huấn luyện, đào tạo, học tập suốt đời trong môi trường giáo dục số, tạo ra hệ sinh thái giáo dục chuyển đổi số một cách triệt để.
Lấy cảm hứng từ phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1945 nhằm xóa mù chữ và nâng cao dân trí, phong trào "Bình dân học vụ số" mang trong mình sứ mệnh mới, đó là phổ cập kỹ năng số, giúp mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ một cách hiệu quả.
Là người phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ kế thừa di sản quý báu của lịch sử, mà còn phải biết ứng dụng nó vào thực tiễn hiện nay. Việc trang bị tri thức số sẽ giúp người dân tự tin hơn, chủ động nắm bắt cơ hội và thích nghi với sự phát triển của công nghệ”.
Với phương châm “Kiến thức là nền tảng, công nghệ là công cụ để tiến xa”, phong trào này không chỉ dựa vào chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, mà còn chú trọng nâng cao nhận thức, khuyến khích từng cá nhân tự học, chủ động tham gia vào không gian số, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, việc phổ cập tri thức số cho toàn dân đóng vai trò quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Phong trào “Bình dân học vụ số” ra đời với mục tiêu giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số. Việc phổ cập kỹ năng số không chỉ giúp người dân khai thác tốt lợi ích của công nghệ, mà còn góp phần nâng cao hiệu suất lao động, thúc đẩy sáng tạo và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.
Phong trào này coi mọi người trong xã hội, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, trình độ học vấn, thành phần dân tộc, tôn giáo và tín ngưỡng, tất cả đều là học trò. Ai thiếu hụt kiến thức nào, kỹ năng nào thì có trách nhiệm học tập để khỏa lấp sự thiếu hụt đó.
Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân sử dụng máy tính. (Nguồn: VGP) |
Coi học tập là hành trình suốt đời
Dưới lăng kính xã hội học tập, “Bình dân học vụ số” thực chất là phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phong trào được khơi dậy từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001) khi Đảng chủ trương chuyển mô hình giáo dục truyền thống sang mô hình giáo dục mở, tức là sang mô hình xã hội học tập.
Xã hội học tập là môi trường giáo dục mà trong đó, việc học tập suốt đời không chỉ là quyền lợi, mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân. Trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức dưới tác động thúc đẩy của CMCN 4.0, xã hội học tập được coi như một hệ sinh thái giáo dục vĩ mô.
Bình dân học vụ thời nào cũng yêu cầu người dân phải học mọi lúc, mọi nơi, học kịp thời những gì mình thấy cần, bổ sung ngay kiến thức khi phát hiện giữa hiểu biết của mình với điều mới mẻ cần phải biết ở thế giới bên ngoài đang có khoảng cách, gọi là khoảng cách tri thức.
Ưu thế của phong trào là xu hướng tự học và học trực tuyến; đòi hỏi con người coi học tập là một hành trình theo suốt đời. Ở xã hội số, với nền kinh tế số, người dân không chỉ học để xong giáo dục phổ thông, mà còn phải tiếp tục học ở trình độ cao hơn. Khác với “Bình dân học vụ” truyền thống, “Bình dân học vụ số” sẽ tiến hành các hoạt động huấn luyện, đào tạo, học tập suốt đời trong môi trường giáo dục số.
Công việc đầu tiên là số hoá thông tin, bước thứ hai trong số hoá là số hoá quy trình. Nhưng để khoa học và công nghệ đạt tới mức đột phá, tạo ra những thay đổi đột ngột và sự khác biệt lớn thì cần phải thực hiện đầy đủ yêu cầu chuyển đổi số. Đó là số hoá tổng thể và toàn diện các hoạt động của một hệ thống. Đây là cấp độ cao nhất của số hóa. Trong chuyển đổi số, vấn đề cơ bản là luôn đổi mới công nghệ trên cơ sở xác định rõ mục tiêu chiến lược của hoạt động nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trên quy mô lớn.
Đổi mới và sáng tạo là lẽ sống của mọi hoạt động. Không làm được hai điều này thì con người và tổ chức sẽ tụt hậu, suy thoái và bị gạt ra khỏi dòng chảy của văn hóa và văn minh trong kỷ nguyên mới. Sản phẩm cuối cùng của “Bình dân học vụ số” là công dân học tập – người lao động học tập suốt đời để trở thành lao động tri thức hoá, những người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng, trước Nhà nước. Hành trình học tập suốt đời sẽ giúp đủ năng lực và phẩm chất, góp phần vào sự vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Để tạo ra những đột phá, các nhà lãnh đạo buộc phải học tập, nâng cao trình độ của người đứng đầu mà một yêu cầu hàng đầu đối với họ là tư duy chiến lược. Kiểu tư duy này thể hiện ở lối suy nghĩ một cách có định hướng và hợp lý, phân tích có hiệu quả các yếu tố, các biến số quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài của tổ chức, doanh nghiệp…
“Bình dân học vụ số” phải góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai và nhân lực tại chỗ, tạo năng lực nội sinh của khoa học và công nghệ. Đồng thời, cần đổi mới triệt để về nội dung và phương pháp giáo dục, đào tạo, đoạn tuyệt với cách học chỉ thiên về lý thuyết, không thoát ra khỏi kinh nghiệm của người đi trước, từ đó xây dựng cho người học những lối tư duy sáng tạo.
Kim Thoa (ghi)
Nguồn: https://baoquocte.vn/binh-dan-hoc-vu-so-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-313385.html
Bình luận (0)