Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gợi mở tại phiên họp rà soát, góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; tham vấn chính sách đối với dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) do Bộ GD&ĐT phối hợp với Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội (VHXH) của Quốc hội tổ chức ngày 25/5.
Buông cái cần buông, nắm chắc cái cần nắm để quản lý hiệu quả
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc sửa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp phải hướng đến đổi mới toàn bộ hệ thống, đảm bảo sự nhịp nhàng, thông suốt, đồng bộ để vận hành hiệu quả hơn, mạch lạc, hiện đại, dễ triển khai.
Từ khóa quan trọng nhất được Bộ trưởng nhấn mạnh khi thực hiện sửa 3 luật này là "gia tăng chất lượng".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định mục tiêu chung của việc sửa 3 luật nhằm gia tăng chất lượng giáo dục (Ảnh: MOET).
"Sửa luật để buông cái cần buông, nắm cái cần nắm. Buông ra nhiều nhưng một số cái phải nắm chắc để hệ thống quản lý phải đơn giản hơn nhưng phải hiệu lực, hiệu quả hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đề cập đến quy định về hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ trưởng cho rằng cần chấp nhận một hệ thống đa dạng hơn trước.
"Trong Đại học Quốc gia có trường mầm non, tại sao không?", đặt ra vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng điều quan trọng hơn là từng "thực thể" trong một cơ sở giáo dục phải đạt yêu cầu về chất lượng.
Bên cạnh đó, các dự án Luật cũng phải hướng tới phi địa giới hành chính trong tuyển sinh, đào tạo. Theo đó, ngay từ năm học 2026-2027, ngành giáo dục sẽ thực hiện tuyển sinh đầu cấp ở bậc học phổ thông không theo địa giới hành chính.
Đề cập đến một nội dung thu hút nhiều ý kiến thảo luận trong dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) là mô hình trường trung học nghề, Bộ trưởng khẳng định, đây là sự tích hợp sâu giữa bậc trung học về văn hóa và kỹ năng nghề.
Đối với giáo dục đại học, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, định hướng trong 10 năm sắp tới, giáo dục đại học Việt Nam phải phát triển nhanh, đầu tư mạnh, có tính chỉ huy cao.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp rà soát, góp ý về 3 dự thảo luật. (Ảnh: MOET).
Về mô hình đại học Quốc gia, đại học vùng, Bộ trưởng lấy ví dụ về hiệu quả, tính dẫn dắt vùng của Đại học Thái Nguyên để khẳng định sự tồn tại hợp lý của mô hình này nhưng cũng nhấn mạnh yêu cầu "mô hình quản trị bên trong cần phải thay đổi".
Tại phiên họp, các Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Hoàng Minh Sơn, Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Trương Anh Dũng đã báo cáo, trao đổi, làm rõ các ý kiến liên quan đến các quy định còn nhiều ý kiến khác nhau trong 3 dự án luật như quy định về loại hình trường trung học nghề; hội đồng trường; tự chủ đại học; phân luồng trong giáo dục nghề nghiệp…
Bộ GD&ĐT phải "quản" đào tạo tiến sĩ
Liên quan đến quy định về hệ thống giáo dục quốc dân trong Luật Giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban VHXH Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần tách bạch rõ giữa "hai trục" gồm bậc trình độ về kiến thức và kỹ năng nghề, tương ứng với đó là hệ thống văn bằng, chứng chỉ.
Ông Vinh đề nghị làm rõ nội hàm các quy định phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc; có quy định phù hợp về sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương.
Về các chính sách trong dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT dứt khoát phải "quản" việc đào tạo trình độ tiến sĩ và đào tạo các ngành sư phạm, y tế, luật. Đồng thời, dự án luật phải có cơ chế để đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học.
"Tự chủ là trao quyền về đào tạo, tổ chức bộ máy, tài chính, tự chủ không phải là không nhận đầu tư từ ngân sách", ông Vinh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban VHXH Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp (Ảnh: MOET).
Khẳng định việc "làm 3 luật trong một kỳ họp Quốc hội là một kỳ tích", Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHXH Nguyễn Thị Mai Hoa lưu ý việc sửa đổi 3 dự án luật cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với một số dự án luật sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đang diễn ra.
Bà Hoa cũng đề nghị việc sửa các luật cần tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong đào tạo một số ngành nghề đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe, nghệ thuật, thể thao; vấn đề liên thông trong giáo dục; tính tương đương về bằng cấp giữa các chương trình đạo tạo (đào tạo bác sỹ chuyên khoa I, II với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ)...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHXH Đinh Công Sỹ cho rằng các dự án luật cần thể hiện rõ hơn những yêu cầu liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ; có chính sách thu hút đối với các ngành đào tạo then chốt, trọng điểm và những ngành "kén" người học.
Ông Sỹ đề nghị cần có các quy định cụ thể để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong huy động tài chính, tổ chức cơ sở nghiên cứu khoa học, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ... trong các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-truong-gddt-trong-dai-hoc-quoc-gia-co-truong-mam-non-tai-sao-khong-20250525223907443.htm
Bình luận (0)