Một trong những lý do khiến giá nhà đất liên tục leo thang là tình trạng nguồn cung khan hiếm. Và một trong những nguyên nhân dẫn tới sự khan hiếm trên chính là vướng mắc ở khâu pháp lý - thực trạng đã từng diễn ra trước đây, khi nguồn cung hạn chế sẽ dẫn tới sốt đất.
Tuy nhiên, những vướng mắc nói trên đang được kỳ vọng sẽ sớm tháo gỡ khi các địa phương thực hiện các chính sách thí điểm theo Nghị quyết số 171/2024/QH15 ngày 30-11-2024 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (Nghị quyết 171). Có thể dẫn chứng, HĐND TP Hà Nội vừa thông qua danh mục 150 khu đất với tổng diện tích 690,04ha để thí điểm làm dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, theo Nghị quyết số 171.
Trong khi đó, tại TPHCM, các sở ngành đang triển khai thủ tục để xem xét 442 khu đất làm dự án nhà ở với cơ chế tương tự. Trong văn bản gửi Sở NN-MT TPHCM, Sở Xây dựng TPHCM đã nêu rõ các nội dung xem xét là: “Điều kiện, tiêu chí phạm vi vị trí, khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm phát triển nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất theo Nghị quyết số 171”.
Tất nhiên, số lượng khu đất được đưa vào danh sách thí điểm sẽ được các cơ quan chức năng xem xét kỹ lưỡng, nhưng giới kinh doanh bất động sản mong muốn thành phố sớm hoàn tất các thủ tục này, qua đó tháo gỡ pháp lý cho hàng trăm dự án bị mắc kẹt thời gian qua. Khi pháp lý được khơi thông, nguồn cung nhà ở sẽ dồi dào, nhiều phân khúc nhà ở được đưa ra thị trường giúp người mua có thêm nhiều lựa chọn và góp phần hạ nhiệt giá nhà đất.
Nhìn ở góc cạnh khác, sự đình trệ kéo dài của các dự án nhà ở chính là sự lãng phí lớn. Bởi lẽ, dự án nhà ở chủ yếu hình thành từ nguồn vốn vay, kết hợp vốn tự có của chủ đầu tư. Dự án càng chậm triển khai, lãi vay càng sinh sôi nảy nở, khiến chủ đầu tư bị đẩy vào tình trạng kiệt quệ dòng tiền. Nếu như những dự án đó sớm được tháo gỡ các vướng mắc, nguồn cung nhà ở được tung ra đúng thời điểm, sẽ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, đồng thời giúp chủ đầu tư giải tỏa áp lực tài chính, dòng vốn được quay vòng nhanh hơn.
Do đó, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đã được cộng đồng doanh nghiệp hết sức hoan nghênh và kỳ vọng.
Bên cạnh đó, nhà ở xã hội (NOXH) cũng là một nguồn cung cực kỳ quan trọng, rất cần triển khai nhanh chóng. Nghị quyết 171 được kỳ vọng có thể thúc đẩy sự xuất hiện của hàng loạt dự án NOXH, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội - nơi mà giá nhà đất liên tục “nhảy múa”, vượt xa thu nhập của đại bộ phận người dân.
Rất nhiều cơ chế chính sách từ Nghị quyết này sẽ tạo ra đột phá, chẳng hạn như: hình thành Quỹ nhà ở quốc gia từ nguồn ngân sách nhà nước, từ tiền trích tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NOXH theo quy định của pháp luật về nhà ở, từ tiền bán nhà thuộc tài sản công, từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, chính sự phức tạp của nhiều thủ tục pháp lý là nguyên cớ dẫn tới nguồn cung NOXH trở nên khan hiếm trong thời gian qua.
Như vậy, với hai mũi đột phá quan trọng là thí điểm đối với nhà ở thương mại và NOXH, hành lang pháp lý đã từng bước được tháo gỡ. Vấn đề còn lại là chính quyền cần sớm chuyển hóa chính sách thành hành động cụ thể, quyết liệt và đồng bộ. Khi trên những khu đất trống bắt đầu xuất hiện các dàn cần cẩu, khi công trường thi công sôi động trở lại, đó sẽ là tín hiệu cho thấy chính sách đang đi vào cuộc sống và là cơ sở để củng cố niềm tin rằng giá nhà đất sẽ dần trở lại mặt đất, thay vì tiếp tục “bay xa” ngoài tầm với của người dân.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/bung-nguon-cung-de-ha-nhiet-gia-nha-dat-post804977.html
Bình luận (0)