Sáng 28/4, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Thứ trưởng, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà, chủ trì họp báo.
Thành lập khoảng 12 đến 13 đặc khu
Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết: hiện tại, Bộ Nội vụ mới nhận được đề án của 20 địa phương, cho nên chưa có thông tin chính xác về số lượng xã, phường mới sau sắp xếp. Tuy nhiên, Bộ cũng đã định hướng các địa phương bảo đảm theo tinh thần của Trung ương đã nêu, tức là giảm khoảng 60-70% tổng số đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước, còn nếu xét từng địa phương thì có thể địa bàn này cao hoặc thấp hơn địa phương kia. Như vậy, tổng số xã hình thành mới sau sắp xếp là khoảng 3.300 đơn vị.
Theo ông Phan Trung Tuấn, dự kiến trước ngày 10/5, Bộ Nội vụ trình Chính phủ Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của cả nước và trước ngày 15/5, Bộ Nội vụ sẽ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Về việc thực hiện Kết luận số 150, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị, ông Phan Trung Tuấn cho biết: không chỉ giám đốc sở, tỉnh ủy viên hay thành ủy viên, thậm chí các địa bàn quan trọng có thể bố trí ủy viên ban thường vụ cấp tỉnh hiện nay làm người đứng đầu cấp ủy của địa phương. Còn lại tất cả nội dung liên quan đến bố trí nhân sự như ai làm bí thư, ai làm chủ tịch, phó chủ tịch, các cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức ra sao thì địa phương sẽ quyết định và chịu trách nhiệm theo các quy định hiện hành.
Trước câu hỏi về việc khi bỏ cấp huyện, thì trong 696 đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay có 87 thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương sẽ không còn. Một số ý kiến cho rằng nên giữ lại tên gọi các thành phố và xem các thành phố này là cấp chính quyền cơ sở (gồm: thành phố, xã, phường, đặc khu).
Ông Phan Trung Tuấn cho biết, đề xuất ban đầu của Bộ Nội vụ vẫn có mô hình thành phố, thị xã và xác định đây là một đơn vị cấp cơ sở, khi đó sẽ không còn xã, phường ở dưới nữa, như vậy vẫn bảo đảm việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm xã, phường, đặc khu, thành phố, thị xã.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã 3 lần xem xét, cho ý kiến về đề án, sau khi cân nhắc rất kỹ, Bộ Chính trị, Trung ương thống nhất tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ cấp huyện. Chúng ta đã thống nhất chủ trương bỏ hoàn toàn cấp huyện, cấp cơ sở chỉ còn xã, phường, đặc khu, không có vương vấn gì tên gọi đối với đơn vị hành chính cấp huyện nữa. Nếu giữ lại tên gọi có thể tác động đến tâm lý nhiều người dân, họ sẽ băn khoăn, vì sao chủ trương bỏ cấp huyện mà vẫn giữ lại thành phố, thị xã hiện đang là cấp huyện.
Cấp cơ sở khi hình thành sẽ có mô hình tổ chức gọn nhẹ, bảo đảm hướng tới phục vụ người dân tốt nhất, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, chính quyền cấp cơ sở gần dân, sát dân…Cấp xã chỉ còn xã, phường, đặc khu (tổ chức ở các địa bàn hải đảo), theo phương án trình của các địa phương, tới đây sẽ có khoảng 12-13 đặc khu.
Đề xuất sửa đổi chính sách tiền lương bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong khu vực công và khu vực tư
Thông tin tại họp báo về nhiệm vụ trọng tâm quý II/2025, Phó Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Đặng Đức Thuận cho biết, bộ sẽ tập trung hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng tờ trình, đề án về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời khẩn trương hoàn thành dự thảo các văn bản hướng dẫn để giải quyết phát sinh khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp để trình Ban Chấp hành Trung ương. Hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Bộ cũng tập trung hoàn thiện 3 hồ sơ luật để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, gồm: Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi).
Tập trung triển khai đánh giá công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được bộ tập trung triển khai hiệu quả, đó là xây dựng các biện pháp nhằm duy trì, ổn định các thị trường lao động ngoài nước truyền thống; phát triển, mở rộng các thị trường lao động có thu nhập bảo đảm phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam; tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp trong và sau khi về nước.
Trong đó, tập trung nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động nhiều chiều của thị trường lao động nước ngoài để nghiên cứu, xây dựng Chiến lược người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, hài hòa lao động trong và ngoài nước nâng cao đời sống người lao động.
Đáng chú ý, sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan tại Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội bảo đảm đồng bộ, thống nhất các nội dung về tiền lương trong khu vực công và khu vực tư.
NDO
Nguồn: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/ca-nuoc-du-kien-co-khoang-3-300-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-sau-sap-xep-160410.html
Bình luận (0)