Tuy nhiên, mối nguy hiểm của căn bệnh này lại không phải là ở mức độ “tàn phá” các tế bào gan của khối u ác tính, mà chính là ở cách mà giai đoạn khối u đang luôn âm thầm tiến triển, nhưng vì lý do nào đó mà người bệnh lại không nhận biết. Do vậy, hầu hết các trường hợp sau khi phát hiện đều đã ở vào giai đoạn nặng, với mức độ nguy hiểm cao và khả năng đáp ứng thuốc đặc trị với các phác đồ gần như không còn hiệu quả. Chính vì thế, việc nhận biết các dấu hiệu của ung thư gan giai đoạn đầu là cực kỳ quan trọng. Bởi nó sẽ có tác dụng trong việc phát hiện và điều trị kịp thời, khi cơ thể bắt đầu có những biểu hiện bất thường.
Ông T.M.T, thị trấn Trần Văn Thời ung thư giai đoạn muộn đang được chăm sóc giảm nhẹ tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời.
Bác sĩ Phan Văn Tam, Phó trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, cho biết: “Các triệu chứng của căn bệnh ung thư gan ở vào giai đoạn sớm, thường có các biểu hiện rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Vì tế bào gan không có dây thần kinh cảm giác, nên ngay cả khi khối u đã lớn lên gây ra sự chèn ép hoặc đau tức nhưng lại cũng không rõ ràng như những cơ quan khác. Do đó, nhiều người đã chủ quan, người bệnh và kể cả là bác sĩ không chuyên khoa sẽ đánh giá sai về bệnh lý trong quá trình thăm khám. Về lâu dài, càng khiến cho bệnh nặng hơn vì đã ở vào giai đoạn cuối”.
Theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, các dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh ung thư gan là hiện tượng sụt cân thất thường, không rõ nguyên nhân; người bệnh bổng nhiên bị vàng da, vàng mắt; nước tiểu có màu vàng sậm; chán ăn (ngay cả với các món ăn mà mình vẫn thường yêu thích hằng ngày); bị rối loạn hệ tiêu hoá; nổi mẫn ngứa ngoài da; đau tức bên hạ sườn bên phải… Trong một số trường hợp bệnh nhân còn có thể bị sụt cân rất nhanh, cho dù họ không theo chế độ ăn kiêng hoặc tập luyện môn thể thao giảm cân nào. Thường dấu hiệu này sẽ cảnh báo rất nhiều về một số bệnh lý khác nhau, trong đó có ung thư gan giai đoạn khởi phát. Qua đó cho thấy, ung thư gan thường phát triển âm thầm và biểu hiện rất dễ bị lầm tưởng với một số bệnh lý khác.
Điều dưỡng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, chăm sóc cho bệnh nhân ung thư đang được điều trị khoa.
Trong nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến ung thư gan, thì viêm gan B, C là một trong những yếu tố cơ bản có thể trở thành nguy cơ cao. Do vậy, theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, khoảng từ 3-6 tháng nên đi kiểm tra bằng phương pháp sàng lọc một lần. Mục đích là để kiểm tra xem vi rút có hoạt động không, hay chúng vẫn nằm im. Mặc dù không phải ai cũng phải xét nghiệm viêm gan B, C. Tuy nhiên, ở một số trường hợp rất cần phải thực hiện phương pháp này. Trước tiên là những người có triệu chứng chán ăn, vàng da, vàng mắt và khiến cho men gan có thể tăng cao bất thường. Song, việc xét nghiệm khi thấy men gan tăng cũng chỉ là bước đầu, căn bản vẫn là tìm ra nguyên nhân của quá trình viêm gan thật sự là gì. Nếu đó là do vi rút B, thì trong quá trình điều trị phải cần đến các phương pháp đặc thù, như sử dụng kháng vi rút Tenofovir chẳng hạn. Ngoài ra, đối với các trường hợp phun xăm cũng có nguy cơ cao, do sự lây nhiễm từ kim xăm hoặc các dụng cụ khác chưa được vô trùng tốt. Bên cạnh đó, trong một gia đình, nếu có người bị nhiễm vi rút gan B, C nhất là người mẹ, thì tỷ lệ lây nhiễm cho con rất cao, thậm chí là các trường hợp trước khi kết hôn nhưng lại thiếu sự sàng lọc cẩn thận bước đầu để có phương án dự phòng. Do đó, thường sau giai đoạn kết hôn, thế hệ con cái cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bởi viêm gan vi rút B lây qua đường máu, qua đường mẹ truyền cho con và thậm chí là cả mối quan hệ vợ chồng.
Chị N.H.K, 25 tuổi, ngụ ấp Bảy Ghe, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời là một những trường hợp điển hình như vậy. Chị K cho biết: “Trước đây khi kết hôn, do chủ quan tôi không đi tầm soát viêm gan B để có phác đồ điều trị và giải pháp phòng tránh cho bé. Do vậy sau khi sinh, khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết để tiêm phòng cho bé, tôi mới được bác sĩ thông báo bé đã bị nhiễm vi rút gan B từ mẹ truyền sang”.
Được biết, ung thư gan ở giai đoạn đầu, nếu kịp thời tầm soát để phát hiện các dấu hiệu sớm và có phác đồ điều trị đúng cách, thì bệnh nhân hoàn toàn có thể chữa khỏi lên tới 80 %. Ngược lại, khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn, nhất là khi khối u đã xâm lấn vào khu vực hạch bạch huyết và di căn đến các tế bào khác. Lúc này việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém và thời gian sống của bệnh nhân là vô cùng thấp.
Phương Vũ
Nguồn: https://baocamau.vn/cac-dau-hieu-giai-doan-dau-cua-ung-thu-gan-a39258.html
Bình luận (0)