Nếu không kiểm soát kịp thời, tăng huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Người bị cao huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng và chỉ phát hiện khi bệnh đã diễn tiến nặng. Vì vậy, việc kiểm tra huyết áp định kỳ là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), huyết áp được thể hiện bằng hai con số như 120/80 mmHg. Số đầu tiên là huyết áp tâm thu, số thứ hai là huyết áp tâm trương. Khi chỉ số này vượt ngưỡng cho phép, cơ thể đã bước vào trạng thái cảnh báo.
Một trong những cách hiệu quả để kiểm soát huyết áp là sống lành mạnh, theo trang sức khỏe TheHealthSite (Ấn Độ).
Việc giảm lượng muối trong khẩu phần ăn đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và phòng ngừa tăng huyết áp
Ảnh: AI
Giảm muối, tăng kali
Việc giảm lượng muối trong khẩu phần ăn đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và phòng ngừa tăng huyết áp. Mỗi người nên giới hạn lượng natri tiêu thụ dưới 1,5 gram mỗi ngày.
Bên cạnh đó, mọi người nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu kali như chuối, bơ, khoai tây, khoai lang và dưa lưới. Những thực phẩm này giúp cân bằng điện giải và hỗ trợ làm giảm huyết áp. Tổng lượng kali tiêu thụ mỗi ngày nên dao động từ 3,5 đến 5 gram.
Tập thể dục
Vận động đều đặn là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm huyết áp. Tập thể dục với cường độ vừa phải từ 150 phút mỗi tuần, hoặc tập cường độ cao trong 75 phút mỗi tuần đều có tác dụng rõ rệt.
Ngừng hút thuốc
Hút thuốc trực tiếp hay thụ động đều khiến mạch máu bị tổn thương, dẫn đến tăng huyết áp.
Việc ngừng hút thuốc trong vòng một năm giúp giảm gần một nửa nguy cơ tim mạch. Sau 5 năm không hút thuốc, mức nguy cơ tương đương người chưa từng hút.
Ăn socola đen
Socola đen giàu flavonoid, giúp giãn mạch máu và hạ huyết áp. Tuy không nên tiêu thụ quá nhiều, nhưng một lượng nhỏ socola đen nguyên chất mỗi ngày có thể mang lại lợi ích đáng kể cho tim mạch.
Socola đen giàu flavonoid, giúp giãn mạch máu và hạ huyết áp
Ảnh: AI
Quản lý cân nặng
Giảm 5-10% trọng lượng cơ thể mang lại cải thiện rõ rệt về huyết áp. Việc duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 24,9 được xem là lý tưởng cho sức khỏe tim mạch.
Hạn chế rượu
Cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn rượu bia là lựa chọn đúng đắn để giảm áp lực lên tim mạch. Cạnh đó, việc tránh rượu đồng thời giúp cải thiện giấc ngủ và giảm căng thẳng.
Tránh căng thẳng kéo dài
Căng thẳng mãn tính là một yếu tố làm tăng huyết áp nhưng thường bị bỏ qua. Thiền, yoga, hít thở sâu và dành thời gian bên người thân là những biện pháp giúp giảm stress hiệu quả.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ có vai trò quan trọng không chỉ với tâm trí mà còn với huyết áp. Việc ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm giúp hệ thần kinh và tim mạch được nghỉ ngơi, tái tạo. Thiếu ngủ kéo dài dễ làm huyết áp tăng cao và gây rối loạn hormone.
Theo dõi huyết áp thường xuyên
Việc theo dõi chỉ số huyết áp tại nhà bằng máy đo là cần thiết đối với người có nguy cơ cao. Ghi nhận các chỉ số mỗi ngày giúp phát hiện sớm sự thay đổi và tránh được biến chứng. Khi có dấu hiệu bất thường, cần gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cach-ha-huyet-ap-tu-nhien-ma-khong-can-dung-thuoc-185250719112952227.htm
Bình luận (0)