Cận cảnh hàng nghìn ha lúa xuân sắp thu hoạch ngập sâu trong nước lũ
(Baohatinh.vn) - Mưa lớn diễn ra trong chiều tối 24/5 đến rạng sáng 25/5 đã làm hàng nghìn ha lúa xuân đang kỳ thu hoạch ở Hà Tĩnh bị đổ ngã và ngập sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất cuối vụ.
Báo Hà Tĩnh•25/05/2025
Tại huyện Vũ Quang, các xã vùng hạ du như: Đức Liên, Đức Hương, Đức Lĩnh, Đức Giang… bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo ghi nhận, hơn 200 ha lúa đã bị ngập sâu trong nước. Ngay sau khi nắm bắt tình hình, chính quyền địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo các ngành chuyên môn triển khai công tác ứng phó, hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả. (Ảnh: Cánh đồng lúa xã Đức Hương bị ngập sâu trong nước).
Cánh đồng lúa ở xã Đức Giang (Vũ Quang) ngập sâu. Đây là khu vực thấp, trũng, thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa lớn xảy ra.
Được biết, vụ xuân năm nay, toàn huyện Vũ Quang sản xuất hơn hơn 1.260 ha. Tới thời điểm này, bà con đã thu hoạch được gần 300 ha. Các diện tích lúa bị ngập sâu trong thời điểm thu hoạch sẽ ảnh hưởng lớn tới năng suất cuối vụ.
Nhiều cánh đồng lúa ở Hương Khê ngập băng. Theo số liệu thống kê ban đầu, hơn 700 ha lúa bị ngập sâu tập trung tại các xã Điền Mỹ, Hà Linh, Hương Thủy.
Tình trạng ngập úng kéo dài sẽ khiến lúa bị hư hại nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của bà con nông dân. Huyện Hương Khê đang khẩn trương đánh giá mức độ thiệt hại và lên phương án hỗ trợ người dân sớm khắc phục.
Tại huyện Hương Sơn, hơn 40 ha lúa tại cánh đồng xã Kim Hoa bị ngâm sâu trong nước. UBND huyện đã chỉ đạo địa phương kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại ngay khi ngừng mưa để hạn chế thiệt hại.
Bà Nguyễn Thị Nhàn (thôn Xuân Thủy, xã Kim Hoa, Hương Sơn) chia sẻ: "Vụ này, gia đình tôi làm hơn 1 ha lúa, đến nay mới thu hoạch được một nửa, diện tích còn lại đã bị ngập sâu hoàn toàn. Bao công sức, tiền của đổ xuống giờ không biết thế nào, chỉ mong trời ngừng mưa, nước sớm rút".
Tại huyện Cẩm Xuyên - một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn tỉnh, theo thống kê sơ bộ ban đầu, mưa lớn đã khiến hơn 500 ha lúa vụ xuân bị ngập sâu. Cùng với đó, một số diện tích được thu hoạch về nhà của bà con nông dân chưa kịp xử lý bị ướt mưa, nguy cơ hư hỏng cao và rất khó phục hồi. (Trong ảnh: Cánh đồng lúa xã Cẩm Mỹ ngập sâu).
Cánh đồng lúa ở xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên) ngập sâu trong nước lũ.
Vụ xuân năm nay, địa phương sản xuất trên diện tích hơn 9.000 ha, hiện đã thu hoạch được gần một nửa. Các diện tích lúa bị ngập sâu sẽ ảnh hưởng tới năng suất cuối vụ. Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện đã khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã khẩn trương kiểm tra, đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại để có biện pháp ứng cứu kịp thời. (Trong ảnh: Cánh đồng lúa ở thị trấn Cẩm Xuyên bị đổ ngã, ngập sâu).
Theo đánh giá chung từ các địa phương, lúa xuân năm nay sinh trưởng khá đồng đều, trổ bông tập trung và đang bước vào giai đoạn thu hoạch tập trung. Tuy nhiên, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, đặc biệt là hiện tượng mưa lớn kèm dông lốc vào cuối vụ, đang đe dọa nghiêm trọng đến năng suất lúa của bà con nông dân. Điển hình là trận mưa lớn diễn ra trong chiều tối 24/5 đến rạng sáng 25/5 làm hàng nghìn ha lúa bị ngập. Điều đáng nói lo ngại là sau khi nước lũ rút thì những diện tích lúa này rất dễ bị nảy mầm tại đồng ruộng, ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Tại huyện Kỳ Anh, gần 200 ha lúa cũng bị ngập úng, chủ yếu tập trung tại các xã Kỳ Văn, Kỳ Thọ, Kỳ Giang, Kỳ Phong...
Các diện tích lúa tại cánh đồng thôn Đại Long (xã Thạch Ngọc, Thạch Hà) chìm trong biển nước.
Tại TP Hà Tĩnh, khoảng 170 ha bị đổ ngã, ngập sâu, tập trung tại Đồng Môn, Tân Lâm Hương. (Trong ảnh: Các diện tích lúa ở Đồng Môn bị đổ ngã do mưa lớn gây ra).
Các địa phương ở TP Hà Tĩnh tập trung khơi thông hệ thống thủy lợi, giúp nước trong các chân ruộng được rút nhanh hơn, góp phần hạn chế thiệt hại.
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về năng suất và chất lượng đối với cây trồng vụ xuân, ngành chuyên môn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, đôn đốc người dân thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời.
Đối với diện tích lúa bị ngập úng, cần khẩn trương huy động mọi nguồn lực để tiêu thoát nước, khơi thông dòng chảy, không để tình trạng ngập kéo dài. Đồng thời, tiến hành phân loại cụ thể các khu vực bị ảnh hưởng để có giải pháp khắc phục phù hợp.
Riêng đối với lúa đã thu hoạch nhưng bị ướt do mưa, nếu không xử lý kịp thời sẽ dễ phát sinh nấm mốc, làm giảm chất lượng gạo, thậm chí có nguy cơ mất hoàn toàn giá trị thương phẩm. Vì vậy, cần chỉ đạo các xã, hợp tác xã, đoàn thể huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu gom, vận chuyển lúa ra khỏi khu vực bị ngập. Cùng với đó, các địa phương cần kịp thời nắm bắt số liệu, kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở xay xát, hợp tác xã có máy sấy để hỗ trợ sấy hoặc tiêu thụ lượng lúa ướt cho người dân.
Bình luận (0)