BHG - Thương hiệu rau của huyện Quản Bạ đã được xây dựng và khẳng định trong nhiều năm nay. Tuy nhiên trước tình trạng trồng cây Hoa hồng trong cùng các khu vực trồng rau chuyên canh của huyện đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm rau.
Khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu
Quản Bạ nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm khoảng 18 - 20 độ C; thổ nhưỡng đặc trưng với tầng đất dày, ít bị xói mòn, màu mỡ, là điều kiện lý tưởng cho phát triển trồng trọt, nhất là các loại rau màu.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quản Bạ Nguyễn Chiến Thuật cho biết: Xác định rõ tiềm năng phát triển cây rau màu, huyện định hướng người dân trồng thành các vùng chuyên canh rau, chuỗi liêt kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài tập trung sản xuất rau chính vụ (vụ Đông), bà con tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về khí hậu để mở rộng diện tích, thâm canh, luân canh tăng vụ và sản xuất rau trái vụ. Qua đó nâng cao giá trị canh tác trên mỗi diện tích đất trồng rau đạt bình quân trên 250 triệu đồng/ha (trên 2 vụ/năm), gấp khoảng 5 – 7 lần so với trồng lúa, ngô; cá biệt có những diện tích cho thu 500 – 700 triệu đồng/ha. Sản xuất rau màu đã trở thành nghề giúp giải quyết việc làm, đem lại thu nhập cao cho lao động ở nhiều địa phương trong huyện.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở các vườn hoa hồng gần khu vực trồng rau tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vùng rau. |
Thông tin từ UBND huyện Quản Bạ, năm 2024, tổng diện tích rau toàn huyện đạt trên 2.560 ha, trong đó có trên 180 ha sản xuất chuyên canh, vượt khoảng 130% chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Một số cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như cà chua, năng suất bình quân đạt 35 tấn/ha, giá bán bình quân tại vườn từ 10 – 15 nghìn đồng/kg, giá trị thu hoạch bình quân khoảng 400 triệu đồng/ha; cây dưa chuột năng suất đạt 35 tấn/ha, giá bán bình quân 8 nghìn đồng/kg, giá trị thu hoạch đạt gần 300 triệu đồng/ha. Mỗi năm, huyện Quản Bạ cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 10.000 tấn dưa chuột và cà chua cùng hàng chục nghìn tấn rau màu các loại. Hai loại cây này đem lại cho người trồng lãi bình quân trên 100 triệu đồng/ha.
Sau 5 năm triển khai Nghị quyết về phát triển rau – hoa trên địa bàn, diện tích, năng suất và giá trị thu được từ sản xuất rau – hoa đều tăng lên; trong đó, diện tích canh tác chuyên canh tăng gấp 3 lần so với năm 2020, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho trên 4.000 hộ dân, nhiều hộ có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, đời sống vật chất của người trồng rau ngày càng tốt hơn.
Cần quy hoạch vùng phát triển rau – hoa tách biệt
Dù có những kết quả đáng mừng về phát triển vùng rau Quản Bạ nhưng cũng còn nhiều lo ngại về ảnh hưởng môi trường do nhu cầu mở rộng diện tích hoa hồng. Đồng thời đến nay huyện chưa hình thành được các vùng sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ hoặc VietGAP và gần như chưa có sản phẩm được truy suất nguồn gốc, đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại… Điều này cho thấy phát triển thương hiệu rau Quản Bạ chưa thực sự bền vững.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Phạm Ngọc Pha chia sẻ: Việc quy hoạch vùng sản xuất rau – hoa đảm bảo không bị chồng chéo, xâm lấn vướng rất nhiều các quy định. Để người dân yên tâm sản xuất, năm 2021 huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn kiểm tra, xác định mẫu đất, nước khu vực trồng hoa và rau xen canh để đánh giá mức độ ô nhiễm các chỉ số. Kết quả đều không phát hiện các chất Asen (AS), Chì (Pb), Thủy ngân (Hg) hay Cadmin (Cd) trong 16 mẫu (8 mẫu đất và 8 mẫu nước), ở xã Quyết Tiến, Quản Bạ và thị trấn Tam Sơn. Đồng thời cũng không phát hiện chỉ tiêu dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong mẫu đất.
Kết quả kiểm tra đã rõ, người trồng hoa và rau đều thực hiện sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương châm 4 đúng (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp). Nhưng trực tiếp chứng kiến và thông tin phản ánh từ người dân sống trong khu vực trồng rau – hoa xen canh, xâm lấn nhau mới thấy có nhiều vấn đề cần sự quan tâm, vào cuộc của các ngành chức năng để vừa làm rõ có hay không sự ảnh hưởng và hướng giải quyết vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm rau – hoa trên địa bàn huyện Quản Bạ.
Chị Vi Thị Yến và anh Lù Dung Thắng, thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến Chia sẻ: Nhà tôi chỉ cách vườn trồng hoa hồng chưa đến 20 m. Mỗi lần nhân viên chăm sóc vườn hoa phun thuốc gia đình tôi phải đóng kín cửa nhưng mùi thuốc vẫn rất nặng. Có thời điểm mỗi tuần họ phun 3 - 4 lần khiến cả nhà đều cảm thấy đau đầu, chóng mặt. Ngoài ra, từ khi các hộ trồng hoa hồng trong thôn, gia đình tôi không dám sử dụng nguồn nước mặt để dùng cho nấu ăn mà phải khoan giếng để lấy nước.
Để hình thành vùng sản xuất rau đảm bảo các tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn, ngành chuyên môn của tỉnh cần hướng dẫn và hỗ trợ huyện Quản Bạ sớm thực hiện quy hoạch vùng sản xuất hoa và rau tách biệt. Huyện cần hỗ trợ kinh phí cho các xã, thị trấn và ngành chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm rau khi thu hoạch và xuất bán ra thị trường; có quy định yêu cầu các đơn vị liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm tự kiểm định các lô hàng khi thu hoạch, xuất bán nhằm đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định... Qua đó, thương hiệu rau Quản Bạ sẽ duy trì và ngày càng phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Lương Hà
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202505/can-co-giai-phap-phat-trien-ben-vung-thuong-hieu-rau-quan-ba-604373c/
Bình luận (0)