Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tân dược trên địa bàn 

Chị Hồ Thị Như Huyền, phường An Đông, quận Thuận Hóa: Cú sốc của những bà mẹ

Nhà có con nhỏ, tôi rất lo lắng trước thông tin sữa giả. Gần 600 nhãn hiệu sữa là con số khủng khiếp. Tôi từng đưa con đi khám một vài phòng khám tư vì thể trạng cháu ốm yếu so với trẻ cùng tuổi. Hầu hết các bác sĩ đều kê đơn, gợi ý mua sữa bổ sung, cháu cũng đã uống một vài loại sữa... Người bệnh luôn đặt niềm tin vào bác sĩ, lo lắng cho con cái; dù khó khăn, bà mẹ nào cũng gắng dành cho con những gì tốt đẹp nhất.

Chuyện phát hiện sữa giả quy mô lớn là cú sốc đối với những bà mẹ. Sữa cho con uống những tưởng để con khỏe mạnh, ai ngờ lại trúng hàng giả. Không hiểu tại sao cơ quan chức năng để lọt hàng trăm loại sữa kém chất lượng tồn tại mấy năm qua. Mong hãy xử lý nghiêm, lập kỷ cương cho thị trường này. Giờ đây, các mẹ bàn nhau quay lại uống sữa tươi, sữa hạt tự chế biến để đảm bảo an toàn. Tôi cũng vậy.

PGS.TS.BS. Nguyễn Hữu Châu Đức, giảng viên cao cấp bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế: Không nên mua sữa công thức theo trào lưu

Nếu lo lắng về tình trạng dinh dưỡng, bà mẹ hãy đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám, đánh giá chính xác. Không nên chạy theo trào lưu thấy sữa tốt là mua về cho con mà phải xác định thể trạng, nhu cầu của trẻ.

Ngoài sữa mẹ, trong một số trường hợp, bổ sung sữa công thức là cần thiết cho trẻ như mẹ ít sữa, bé sinh non nhẹ cân, bé bị dị ứng đạm sữa bò, có vấn đề về tiêu hóa. Xác định trẻ thiếu dinh dưỡng căn cứ vào các yếu tố: Tăng cân chậm hoặc không tăng cân trong 2 tháng; bú ít, hay bỏ bú, mệt mỏi; da xanh xao, tóc rụng, chậm mọc răng; biếng ăn, hay quấy khóc…

Để quyết định việc bổ sung sữa công thức, cần theo dõi tăng trưởng bằng biểu đồ của tổ chức WHO đưa ra, đánh giá lượng sữa tiêu thụ hàng ngày, quan sát các dấu hiệu thiếu dinh dưỡng, như da nhợt nhạt, mệt mỏi, tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia trong lĩnh vực này. Dùng sữa công thức đúng là phải chọn loại sữa phù hợp, pha đúng hướng dẫn, cho bé uống từng ít một, theo dõi phản ứng sau uống…

Ông Phan Hùng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Huế: Thường xuyên giám sát, phát hiện sai phạm phải xử lý đúng luật

Thời gian qua, trên địa bàn chưa ghi nhận các vụ việc vi phạm lớn về kinh doanh sữa giả. Tuy nhiên, trước thông tin về tình trạng dược phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm; quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tính năng của sản phẩm và sữa giả xảy ra tại nhiều địa phương trong nước, Chi cục đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát thị trường, rà soát, xác minh thông tin triển khai các đợt kiểm tra, kiểm soát.

Quá trình kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh mặt hàng sữa tại các cơ sở phân phối, đại lý sữa, cửa hàng chuyên sữa, siêu thị, cửa hàng tạp hóa có kinh doanh sản phẩm sữa hết hạn sử dụng đã được phát hiện, xử lý kịp thời.

Chúng tôi tiếp tục triển khai Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn. Mục tiêu là ngăn chặn việc rao bán công khai hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc trên sàn thương mại điện tử; không còn tình trạng công khai sản xuất, buôn bán hàng giả ở địa phương...

DS.CKI Lê Viết Bắc - Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố: Thực phẩm chức năng không được kê vào đơn thuốc

Theo khoản 23, Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định: “Thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học”. TPCN không được kê vào đơn thuốc với bất kỳ các lý do và hình thức nào theo khoản 15, Điều 6 Luật Dược 2016 và khoản 10, Điều 4 Thông tư 52/2017/TT-BYT. Như vậy, cần khẳng định, bác sĩ không được kê TPCN vào đơn thuốc cho bệnh nhân.

Khi kê TPCN cho bệnh nhân sử dụng, bác sĩ cần tư vấn, giải thích rõ ràng các thành phần, tác dụng và lý do vì sao cần sử dụng và được sự đồng thuận của bệnh nhân bằng một hình thức kê đơn khác mà không phải là đơn thuốc. Có thể cân nhắc trong các trường hợp: Hỗ trợ điều trị các bệnh lý mạn tính; bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các trường hợp bị thiếu sắt, canxi, vitamin D, kẽm…; người có các nhu cầu đặc biệt cần bổ sung dinh dưỡng, vi chất (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người sau phẫu thuật); hỗ trợ tăng cường miễn dịch; làm đẹp và chống lão hóa.

TPCN không phải là thuốc, không có tác dụng chữa trị bệnh và không thay thế thuốc chữa bệnh nên chỉ có thể sử dụng với một số mục đích như trên. Tuy nhiên, việc sử dụng TPCN cũng phải có sự cân nhắc và không được lạm dụng, sử dụng đúng mục đích, đúng hướng dẫn: liều lượng, thời gian theo chỉ định của bác sĩ hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất.

Giang - Minh - Hương (thực hiện)

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/can-tai-lap-ky-cuong-thi-truong-duoc-thuc-pham-chuc-nang-152965.html