Tăng tần suất quan trắc
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường), công tác quan trắc môi trường nước được đơn vị chủ trì phối hợp thực hiện định kỳ và đột xuất. Nhờ kinh phí phân bổ tăng lên, từ năm 2024, Chi cục thực hiện lấy mẫu định kỳ 1 lần/ tháng, mỗi lần khoảng 10 điểm tại các vùng nuôi tập trung trong ao, bằng lồng trên sông. Các thông số cơ bản khi quan trắc bao gồm 24 chỉ số về môi trường nước như nhiệt độ, độ pH, lượng ô xy hòa tan trong nước (DO), nồng độ nitơ, nhu cầu oxy hóa học (COD); tổng số chất rắn lơ lửng (TSS), hàm lượng sắt; định lượng vi khuẩn trong nước nuôi (Coliform, E.coli, Aeromonas…)... và 12 chỉ số trên mẫu thủy sản thu thập.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc lấy mẫu nước tại lồng nuôi cá trên sông thuộc phường Mão Điền. |
Từ đầu năm đến nay, Chi cục thực hiện 1 đợt lấy mẫu đột xuất và 5 đợt lấy mẫu định kỳ tại các vùng nuôi thủy sản tập trung trong ao ở phường Tân An, Việt Yên; các xã Tân Yên, Tân Chi, Trung Chính, Dũng Liệt,... và vùng nuôi cá lồng trên sông ở phường Mão Điền, xã Đại Lai, Trung Kênh, Chi Lăng... Tổng số mẫu phân tích chỉ tiêu môi trường là hơn 3,2 nghìn mẫu, gần 700 mẫu bệnh thủy sản. Qua đánh giá chung, về cơ bản chất lượng môi trường nước ở Bắc Ninh bảo đảm cho nuôi thủy sản. Tuy nhiên cục bộ vào những thời điểm nhất định, chất lượng nước kém đòi hỏi phải có biện pháp xử lý kịp thời.
Chẳng hạn, vào đợt quan trắc mới nhất, cơ quan này phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc lấy mẫu và cảnh báo chất lượng nguồn nước cấp tại các vùng nuôi cá thương phẩm thuộc các xã Lạc Vệ, Đại Lai thuộc mức kém; vùng nuôi tại xã Yên Trung rất kém. Khu vực nước sông nuôi cá lồng tại xã Đại Lai, Chi Lăng mức trung bình; khu vực nuôi trên sông Thái Bình thuộc xã Trung Kênh và xã Trung Chính kém. Về mẫu bệnh phẩm, kết quả soi tươi ký sinh trùng ở cá phát hiện thích bào tử trùng (Myxobolus sp) và vi khuẩn Aeromonas spp trên mẫu cá chép được thu ở khu vực nuôi cá lồng trên sông Thái Bình thuộc xã Trung Kênh; phát hiện vi khuẩn Streptococcus spp trên mẫu cá rô phi ở lồng nuôi cá trên sông Đuống thuộc xã Chi Lăng…
Chủ động các biện pháp chăm sóc phù hợp
Từ kết quả quan trắc, cơ quan quản lý đưa ra cảnh báo, giúp các cơ sở nuôi thủy sản chủ động biện pháp chăm sóc phù hợp. Ông Trần Văn Sơn, thôn An Động, xã Tân Chi chia sẻ: “Gia đình tôi có 12 nghìn m2 nuôi cá. Mặc dù tự trang bị máy đo kiểm tra chất lượng nước song chỉ được vài chỉ số cơ bản như độ pH, NH2, NO2... Sau khi được cán bộ lấy mẫu phân tích nguồn nước, cảnh báo ô xy hòa tan trong nước thấp, tôi bật ngay hệ thống sục khí, duy trì vận hành thường xuyên để cá không bị ngạt; sử dụng thêm hoạt chất trung hòa độ pH trong nước”.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Chi cục thực hiện 1 đợt lấy mẫu đột xuất và 5 đợt lấy mẫu định kỳ tại các vùng nuôi thủy sản tập trung. Tổng số mẫu phân tích chỉ tiêu môi trường là hơn 3,2 nghìn mẫu, gần 700 mẫu bệnh thủy sản. Qua đánh giá chung, về cơ bản chất lượng môi trường nước ở Bắc Ninh bảo đảm cho nuôi thủy sản. |
Còn hộ ông Đỗ Đăng Thức, tổ dân phố Thụy Mão, phường Mão Điền nuôi hơn 60 lồng cá trên sông cũng không khỏi lo lắng về môi trường nước, nhất là khi mưa bão xảy ra. Trên cơ sở kết quả phân tích mẫu môi trường, mẫu cá của cơ quan chức năng, được cán bộ khuyến cáo, ông đã sử dụng 1-2 túi vôi/lồng, mỗi túi 2-3 kg treo ở góc lồng phía đầu dòng chảy nhằm phòng ngừa dịch bệnh.
Dự báo, môi trường nuôi trồng thủy sản vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm do tình trạng xả thải thiếu kiểm soát nguồn nước thải sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp... Vì vậy, để bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tiếp tục đề xuất bổ sung kinh phí cho công tác quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường nuôi, hỗ trợ máy móc, thiết bị phân tích hiện đại; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân lực lấy mẫu, phân tích mẫu; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về kết quả các đợt, địa điểm quan trắc; thông tin nhanh nhất kết quả quan trắc và cảnh báo môi trường đến các cơ quan quản lý, người nuôi góp phần xây dựng kế hoạch sản xuất thủy sản phù hợp.
Trong điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, dòng chảy thường xuyên thay đổi do nước từ thượng nguồn đổ về, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khuyến cáo một số biện pháp phòng, trị bệnh. Đó là định kỳ vệ sinh môi trường khu vực ao, lồng nuôi, không bón phân hoặc chất thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của đàn cá, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cá. Tăng cường chạy quạt khí nhằm phá vỡ sự phân tầng nước, giải phóng khí độc và tránh tình trạng thiếu oxy. Việc theo dõi độ pH trong ao nuôi cần được chú trọng, đặc biệt sau mưa lớn có thể khiến độ pH giảm đột ngột. Tại các khu vực có cá nhiễm ký sinh trùng, nên sử dụng vôi bột để xử lý nước. Quản lý môi trường nuôi chặt chẽ, tránh gây stress cho cá; đồng thời cần theo dõi sát các thông tin quan trắc và kết quả thử nghiệm để có hướng xử lý kịp thời khi cần thiết.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/canh-bao-kip-thoi-bao-ve-thuy-san-postid422846.bbg
Bình luận (0)