Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cảnh giác với bói toán trên mạng

Dịch vụ xem bói dự đoán tương lai “mở mã vận mệnh” theo thần số học qua thông tin cá nhân trên căn cước nổi lên rầm rộ, thu hút sự quan tâm của người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Song, đằng sau những lời "tiên tri" hứa hẹn đổi đời là nguy cơ sập bẫy lừa đảo công nghệ.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk09/05/2025

Thường xuyên lướt mạng xã hội, em N.T.H.T. (SN 2000, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn) bị thu hút bởi các buổi phát trực tiếp (livestream) trên TikTok về thần số học, “mở mã vận mệnh” với cam kết giải mã công danh, sự nghiệp, tình duyên… chỉ dựa vào họ tên, ngày, tháng, năm sinh trên căn cước công dân.

Tò mò, T. đã liên hệ với tài khoản có tên “Hoa may mắn”. Sau khi cung cấp thông tin cơ bản, T. được chủ tài khoản này nói về công việc, tình cảm... như “trúng tim” mình; song, muốn biết rõ hơn về bản thân, dự đoán tương lai thì T. phải xem dự đoán chuyên sâu với giá 250.000 đồng.

Không ngần ngại, T. nhanh chóng chuyển khoản và được hướng dẫn cài đặt ứng dụng Vitus để “mở bản đồ thần số học”. Hóa ra, mức phí 250.000 đồng chỉ để mở được bản đồ cá nhân năm 2025, muốn “giải mã vận mệnh” những năm sau thì T. phải tiếp tục đóng phí...

Nhóm Zalo "mở mã vận mệnh" qua thần số học của tài khoản "Hoa may mắn". (Ảnh chụp màn hình)

Sau đó, T. được chủ tài khoản này mời chào: "Em rất hữu duyên với nghề thần số học, có tiềm năng trở thành người chia sẻ!". Để giúp “gieo duyên”, “Hoa may mắn” đề nghị T. tham gia học thần số học online do mình đứng lớp, học phí 2,9 triệu đồng.

T. cho biết mình đang thất nghiệp, sống phụ thuộc gia đình, khó khăn về tài chính thì “Hoa may mắn” khuyến khích theo học với gói ưu đãi giảm giá, được hỗ trợ trả góp. Tin vào lời hứa hẹn về tương lai tươi sáng và cơ hội đổi đời, T. mượn bạn 1 triệu đồng đóng học phí, tham gia lớp học online.

Vào học, T. nhận thấy đa số thành viên của lớp học đều là những người đối mặt với áp lực cuộc sống, tài chính eo hẹp. Các buổi học thường trao đổi về cách livestream, làm video thu hút khách hàng, cách chốt đơn các gói xem bói chuyên sâu...

Không chỉ những người đang gặp khó khăn về việc làm như T., nhiều em học sinh cũng trở thành nạn nhân của trào lưu thần số học online. Như trường hợp em L.N.B.N. (học sinh lớp 12) ở TP. Buôn Ma Thuột.

N. tâm sự: "Từ tháng 10/2024, em gặp trục trặc tình cảm, cảm thấy bế tắc nên tìm kiếm lời giải đáp trên mạng. Thấy quảng cáo xem thần số học trên TikTok chỉ 100.000 đồng mà không cần gặp trực tiếp, em nhiều lần bỏ tiền xem “chuyên sâu” với giá từ 100.000 - 300.000 đồng/lần. Sau hơn 10 lần chi tiền, mối quan hệ của em vẫn không cải thiện".

 

"Nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, dụ dỗ người dân chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân với chiêu bài tâm linh. Nếu không tỉnh táo, hậu quả có thể bị chiếm đoạt tài sản, xâm phạm đời tư hay trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao” - Trung tá , Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh).

Câu chuyện của hai em T. và N. đều có chung kịch bản: các đối tượng lợi dụng sự lo lắng, tò mò, thiếu kinh nghiệm sống của người trẻ, người gặp khó khăn về việc làm, tài chính; sử dụng mạng xã hội làm kênh tiếp cận; đưa ra lời mời chào hấp dẫn với chi phí ban đầu thấp hoặc miễn phí để tạo niềm tin, sau đó bán thêm các gói dịch vụ đắt đỏ hơn, khóa đào tạo...

Theo Trung tá Nguyễn Huy Nam, Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), việc tạo ra các nhóm học online cho thấy khả năng đây là mô hình biến tướng, nơi những người đã sập bẫy được hướng dẫn cách bẫy người khác, tạo ra vòng lặp lợi dụng. Đến nay, chưa có chứng cứ khoa học công nhận thần số học hay bói toán tương lai dựa vào ngày sinh, họ tên trên căn cước.

Mất phí cho dịch vụ xem bói thời công nghệ không chỉ lãng phí tiền của mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như: nhận thông tin sai lệch, tiêu cực gây hoang mang; bị cuốn vào lời khuyên mù quáng dẫn đến quyết định sai lầm trong đời thực, tạo cơ hội cho kẻ lừa đảo lợi dụng lòng tin trục lợi.

Nguy hiểm hơn, việc kết bạn với người lạ trên mạng, cung cấp thông tin cá nhân từ căn cước công dân có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng.

Những thông tin này có thể bị sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như: mạo danh, lừa đảo hoặc bị khai thác thông qua việc dụ dỗ nạn nhân cài đặt các ứng dụng độc hại. Hậu quả là người dùng có thể bị lộ, lọt dữ liệu cá nhân, thậm chí bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác, chủ động cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng khi phát hiện trường hợp hành nghề mê tín dị đoan như xem bói, giải mã vận mệnh, đoán tương lai, đặc biệt là những hành vi xuất hiện qua mạng xã hội hay thông qua các ứng dụng trực tuyến để có biện pháp xử lý.

Hoàng Ân

Nguồn: https://baodaklak.vn/phap-luat/202505/canh-giac-voi-boi-toan-tren-mang-e361679/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm