Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Canh tác hốc đá

Cao nguyên đá Đồng Văn có địa hình khắc nghiệt với những dãy núi đá tai mèo, núi đất trải dài trên toàn bộ diện tích của 23 xã thuộc tỉnh Tuyên Quang. Đây là nơi sinh sống của hơn 280 nghìn người, trong đó dân tộc H’Mông chiếm hơn 70%.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân04/07/2025

Người dân trên Cao nguyên đá Đồng Văn làm đất để trồng ngô chính vụ.
Người dân trên Cao nguyên đá Đồng Văn làm đất để trồng ngô chính vụ.

Nhằm thích ứng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, người dân nơi đây đã sáng tạo nên nhiều kỹ năng trong cuộc sống, sản xuất; nổi bật là tri thức canh tác hốc đá.

Dân tộc H’Mông bắt đầu di cư đến vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn từ vài trăm năm trước. Thời kỳ đó, vùng đất này chỉ toàn rừng già với thảm thực vật dày đặc, đất đai phì nhiêu. Đến với vùng đất mới, dân tộc H’Mông sinh sống bằng cách phá rừng để làm rẫy, trồng ngô. Cứ thế, sau vài vụ gieo trồng, đất trở nên bạc màu khiến người dân phải đi đến những cánh rừng mới để phát nương làm rẫy. Kéo dài qua nhiều thập kỷ, cuộc sống du canh, du cư dẫn đến hệ quả là diện tích rừng thu hẹp, đất sản xuất khan hiếm, trong khi dân số không ngừng tăng lên.

Khi không còn nơi để phát nương, đồng bào H’Mông định cư và buộc phải học cách canh tác trên những sườn núi đá. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển đổi tập quán canh tác. Người dân tạo dựng những mảnh nương nhỏ bé nằm xen giữa những triền đá tai mèo, tận dụng từng hốc đất quý giá để trồng ngô. Quá trình ấy là sự khởi đầu của kỹ thuật thổ canh hốc đá, một sáng tạo nông nghiệp độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Theo ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Trưởng ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết, thổ canh hốc đá là hình thức canh tác trên địa hình có xen lẫn đá và đất, người dân vừa trồng trọt, vừa bảo vệ và cải tạo đất. Trên thực tế, nương hốc đá được hình thành bằng cách xếp những tảng đá mồ côi thành các bờ đá nhỏ, có tác dụng chống xói mòn, giữ nước, hạn chế đất bị rửa trôi khi mưa lớn.

Đối với những nơi không có sẵn đất, đồng bào dùng gùi gánh từng bao đất đổ vào hốc đá, từng chút một, trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để thành những nương rộng lớn. Từ những hốc đá hoang sơ, sau thời gian dài kiên trì đã hình thành được nương canh tác lớn. Đó là công sức, là minh chứng cho ý chí “sống trên đá” của người dân nơi địa đầu Tổ quốc.

Nhờ sự ra đời của kỹ thuật thổ canh hốc đá, đồng bào người H’Mông và nhiều dân tộc khác đã từng bước ổn định cuộc sống, hình thành các bản làng tập trung. Khi mùa vụ mới bắt đầu, người dân lại cùng nhau tu sửa những mảnh nương cũ, đồng thời gùi đất lấp thêm vào những hốc đá để mở rộng diện tích sản xuất. Do diện tích đất canh tác xen lẫn với đá cho nên người dân khéo léo sử dụng những công cụ lao động phù hợp điều kiện địa hình.

Kỹ thuật thổ canh hốc đá nay đã được hoàn thiện, phát triển về quy mô, chiều sâu. Trước kia, nương trên đá chỉ trồng ngô thì hiện nay, đồng bào đã biết xen canh, trồng thêm các loại cây hoa màu khác như rau cải, bí đỏ, đậu, khoai. Bên cạnh đó, người dân vùng cao cũng ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, trồng giống mới tăng năng suất và sản lượng cây trồng.

Những sườn núi tai mèo sắc nhọn lại phủ một mầu xanh mướt của cây ngô, cây rau đậu và các giống cỏ được trồng để phục vụ chăn nuôi gia súc. Sau khi thu hoạch ngô chính vụ, người dân nơi đây lại bắt đầu gieo hạt hoa tam giác mạch. Loài hoa nở rộ khắp các sườn núi đá, khoác lên Cao nguyên đá Đồng Văn sắc tím mộng mơ. Mùa hoa tam giác mạch không chỉ tô điểm cho cảnh sắc vùng cao mà còn là sản phẩm du lịch đặc sắc.

Hằng năm, cứ vào dịp cuối thu, đầu đông, hàng trăm nghìn du khách đổ về cao nguyên đá để chiêm ngưỡng mùa hoa, mang lại nguồn thu nhập đáng kể từ dịch vụ lưu trú, ẩm thực và sản phẩm thủ công truyền thống. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn đổi thay tích cực, hạn chế tình trạng di cư tự do.

Nguồn: https://nhandan.vn/canh-tac-hoc-da-post891768.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm