Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chậm giải ngân đầu tư công: Điểm nghẽn tăng trưởng kinh tế

Đầu tư công đóng một vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công đang là căn bệnh trầm kha kéo dài nhiều năm nay, ảnh hưởng đáng kể tới đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Thời ĐạiThời Đại21/04/2025

Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước được Quốc hội và Chính phủ ưu tiên bố trí ở mức cao. Theo đó, Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu cho đầu tư công với tổng kế hoạch vốn lên tới gần 900.000 tỷ đồng, kỳ vọng tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/3, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 78.712 tỷ đồng, đạt 8,98% kế hoạch, đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng giao. Mức giải ngân này thấp hơn cùng kỳ năm 2024 - đạt 12,27% kế hoạch. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia ước giải ngân đạt 3.638,8 tỷ đồng, đạt 16,57% kế hoạch Thủ tướng giao.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Bộ Tài chính cho biết, trong 3 tháng năm nay, có 13/47 Bộ, cơ quan Trung ương và 36/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước.

Bên cạnh đó, vẫn còn 16 Bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương giải ngân rất thấp, dưới 5%, bao gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công thương, TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội, Bình Phước, Cà Mau, Quảng Ninh...

Đặc biệt, có tới 17 Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa giải ngân, bao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Kiểm toán nhà nước...

Lý giải nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, trước hết là những hạn chế, tồn tại trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định chưa phù hợp trong Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính đang khẩn trương rà soát, trình cơ quan thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo thuận lợi hơn cho việc triển khai thực tế.

Bên cạnh đó, những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, rà soát lại, có những dự án dù đã hoàn tất bước chuẩn bị, nhưng kiểm tra phát hiện không còn hiệu quả, buộc phải dừng triển khai.

Ngoài ra, do một số địa phương vẫn chưa phân bổ được nguồn thu ngân sách. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư công, trong khi năm 2025 đặt ra yêu cầu đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công, đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 7 Tổ công tác do 7 Phó Thủ tướng làm tổ trưởng, với nhiệm vụ trực tiếp làm việc với địa phương, bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc phát sinh. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các khó khăn, báo cáo tới các tổ công tác trong thời gian tới”, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư thông tin.

Tháo gỡ "điểm nghẽn" tạo nguồn lực cho tăng trưởng

Theo quy luật từ nhiều năm trong giải ngân vốn đầu tư công là “đầu năm thong thả”, nhưng "cuối năm vất vả". Tuy nhiên, năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ nhiều góc độ khác nhau.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (CIEM)
Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (CIEM). (Ảnh: VOV.VN)

Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (CIEM) tính toán, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06%, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

“Ngoài ra, nếu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế; trong đó tác động đến thanh khoản với nền kinh tế, đối với các tổ chức tín dụng, đối với tiếp cận vốn của doanh nghiệp”, bà Thảo nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo bà Thảo, để giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch đề ra là nhiệm vụ rất nặng nề trong bối cảnh nhiều dự án vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, nút thắt.

Về nguyên nhân chủ quan, theo bà Nguyễn Minh Thảo, cùng một thể chế có những bộ ngành và địa phương giải ngân tốt, có những bộ ngành và địa phương lại chậm. Điều này cho thấy yếu tố về tổ chức thực hiện là lý do có nơi thực hiện tốt, có nơi chưa đạt yêu cầu.

“Ở một số bộ ngành và địa phương có tâm lý sợ làm sai và khi sợ làm sai đối với một công trình dự án bao giờ cũng phải xin ý kiến nhiều nơi, kéo dài thời gian thực hiện. Vì vậy, cần chấn chỉnh hơn ở cấp thực thi khi mà có những thủ tục lấy ý kiến quá nhiều, nhiều khi không cần thiết, làm kéo dài dự án đầu tư công”, bà Thảo quan ngại.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay rất lớn. Nếu như không có sự đột phá về cơ chế, trách nhiệm cũng như nhận diện và xử lý các sai phạm thì khả năng hoàn thành còn thấp hơn năm 2024.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ và các nhà lập pháp cần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế với quan điểm đổi mới tư duy, tầm nhìn, tất cả vì lợi ích của dân tộc, kiên quyết xóa bỏ lợi ích ngành, lợi ích nhóm dưới mọi hình thức, ưu tiên rà soát toàn diện tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong hình thành, phân bổ và triển khai các dự án đầu tư.

Đối với dự án đầu tư cấp quốc gia, dự án vùng và các dự án lớn, Chính phủ và các địa phương cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ trung ương tới địa phương, từ các cấp sở ban ngành chứ không chỉ có chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu để tháo gỡ nhanh chóng các vướng mắc trong quá trình thực hiện; trình tự thủ tục cần đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện; tập trung nguồn lực, quan tâm chỉ đạo, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư; linh hoạt trong thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn nhà nước để cùng thời điểm có thể thực hiện nhiều dự án thành phần...

Tại công điện số 32/CĐ-TTg ngày 5/4 về việc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình 19 Bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương đến ngày 15/3 chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025 đã được giao; yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trên nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, Thủ tướng phê bình 30 Bộ, cơ quan Trung ương, 27 địa phương đến hết ngày 31/3 có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng việc Mỹ áp thuế hàng xuất khẩu của Việt Nam, kết quả giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên.

Theo VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/cham-giai-ngan-dau-tu-cong-diem-nghen-tang-truong-kinh-te-post1193099.vov

Nguồn: https://thoidai.com.vn/cham-giai-ngan-dau-tu-cong-diem-nghen-tang-truong-kinh-te-212817.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm