Từ lợi thế bản địa đến tư duy toàn cầu
Vùng đất Cần Thơ với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và sở hữu nguồn lục bình dồi dào. Nhận thấy tiềm năng từ nguồn nguyên liệu sẵn có và nắm bắt xu hướng tiêu dùng xanh trên toàn cầu, anh Hà Anh Trường (37 tuổi, phường Long Mỹ, TP Cần Thơ) đã mạnh dạn khởi nghiệp vào năm 2018.
Đến năm 2022, anh chính thức thành lập công ty chuyên sản xuất và thương mại các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình, cói, tre, mây. Danh mục sản phẩm đa dạng, từ đồ trang trí nhà cửa, phụ kiện bàn ăn đến các sản phẩm thời trang tinh tế như nón, túi xách.
Chàng kỹ sư Hà Anh Trường (Cần Thơ) đầu tư nhà kính hiện đại để phơi lục bình. Ảnh: Tạ Quang
Anh Trường chia sẻ về triết lý kinh doanh của mình: “Để chinh phục các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ hay Canada, chúng ta không thể chỉ dựa vào tay nghề truyền thống. Cần phải có sự đầu tư bài bản về mẫu mã, chất lượng và đặc biệt là tính thân thiện môi trường”.
Chính nhờ tư duy nhạy bén này, từ một cơ sở nhỏ ban đầu chỉ với 10-20 lao động, giờ đây công ty của anh Trường đã phát triển thành nhà xưởng quy mô 6.500 m2 với hơn 600 lao động. Công ty đã nghiên cứu và sản xuất ra hơn 300 mẫu sản phẩm đa dạng, đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn “xanh” - yếu tố then chốt để có thể xuất khẩu.
Hiện tại, mỗi tháng, công ty của anh Trường xuất khẩu từ 6.000 đến 30.000 sản phẩm, với giá trị từ vài chục nghìn đến hơn 1 triệu đồng mỗi sản phẩm. Những sản phẩm này đã có mặt tại nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Pháp và Canada… Nhờ đó, công ty đạt doanh thu hơn 1 triệu đô la Mỹ mỗi năm.
Công ty sản xuất hơn 300 mẫu sản phẩm đa dạng. Ảnh: Tạ Quang
Không chỉ kinh doanh, anh Trường còn tích cực đóng góp cho cộng đồng. Nhiều dự án ý nghĩa đã được anh thực hiện tại các làng nghề lục bình địa phương, bao gồm tặng học bổng, mở lớp tin học văn phòng miễn phí cho trẻ em, và xây dựng nhà tình thương cho người lao động, góp phần cải thiện đời sống cho bà con.
Khát vọng vươn xa
Một trong những yếu tố cốt lõi làm nên thành công của công ty anh Trường (thương hiệu Ecoka) là việc xây dựng hệ thống sản xuất theo chuỗi liên kết khép kín hiệu quả. Hiện tại, công ty đang hợp tác với hơn 10 làng nghề và hợp tác xã (HTX) trên cả nước, trong đó có 12 HTX đang hoạt động hiệu quả.
Mô hình này không chỉ giúp công ty chủ động về nguồn cung mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đa số lao động là nông dân có thể tranh thủ thời gian nông nhàn để đan lục bình, mỗi tháng kiếm thêm từ 4 - 6 triệu đồng, góp phần cải thiện đời sống gia đình ở nông thôn.
Anh Trường đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới HTX trong tương lai. Ảnh: Tạ Quang
Không dừng lại ở việc sản xuất hàng thủ công truyền thống, công ty của anh Trường luôn chủ động cá nhân hóa sản phẩm theo yêu cầu đối tác. Đặc biệt là việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, chất lượng, môi trường và khả năng phân hủy sinh học. Đây là những “chìa khóa” để từng bước chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới.
Trong tương lai, anh Trường đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới HTX, đầu tư thiết kế sáng tạo và phát triển thương hiệu mạnh mẽ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế, tiếp tục nâng tầm giá trị thủ công Việt.
Nguồn:https://laodong.vn/kinh-doanh/chang-ky-su-it-khoac-ao-moi-cho-luc-binh-doanh-thu-trieu-do-moi-nam-1538338.ldo
Bình luận (0)