Ngày 2-5, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Công ty Vietmode, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức khai mạc "Không gian trưng bày làng nghề truyền thống Ninh Bình" và Chương trình nghệ thuật thời trang "Di sản dành cho cuộc sống" tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (TP Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình tham quan không gian trưng bày làng nghề truyền thống. Ảnh: Minh Đường
Đây là các chương trình khởi động cho chuỗi sự kiện du lịch, văn hóa đặc sắc của "Tuần Du lịch Ninh Bình 2025".
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết Ninh Bình hiện đã vươn lên trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước, hàng năm đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế, được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế như Booking, Tripadvisor, Travelers đánh giá là điểm đến hấp dẫn, điểm đến thân thiện nhất thế giới.
Khu trưng bày gốm sứ tại không gian trưng bày làng nghề truyền thống
Tuy nhiên, thời gian lưu trú, chi tiêu của khách du lịch còn thấp do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là thiếu các sản phẩm, dịch vụ du lịch mang chiều sâu văn hóa, có giá trị gia tăng cao; mặt khác các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm của các làng nghề truyền thống còn nhiều hạn chế về mẫu mã, thiết kế, chất lượng sản phẩm, nên chưa làm cho du khách mua sắm…
Trước định hướng phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống; Sở Du lịch đã phối hợp với nhà thiết kế Minh Hạnh xây dựng thí điểm mô hình không gian làng nghề truyền thống Ninh Bình tại Khu di lịch Tam Cốc - Bích Động nhằm tôn vinh, bảo tồn và khai thác giá trị di sản, tinh hoa văn hóa nghề truyền thống để tạo nên các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc.
Khách du lịch tham quan Ninh Bình dịp lễ 30-4 và 1-5
Theo ông Mạnh, mô hình Không gian làng nghề truyền thống sẽ được vận hành như một sản phẩm du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống không chỉ của Ninh Bình mà của cả nước, kết hợp giữa trải nghiệm, tham quan du lịch với mua sắm, hoạt động trên nguyên tắc phi lợi nhuận.
"Các thành viên, hộ gia đình, nghệ nhân làng nghề tham gia trên tinh thần tự nguyện, tự giác, tự quản, cống hiến vì cộng đồng, vì sự bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của cha ông mình và tất nhiên sẽ được hưởng lợi từ chính thành quả làm việc, cống hiến của mình thông qua việc bán và quảng bá sản phẩm làng nghề của mình"- ông Mạnh chia sẻ.
Nón lá được xếp thành hình bản đồ Việt Nam. Ảnh: Minh Đường
Trước đó, ngày 1-5 đã diễn ra sự kiện "Nón lá - Việt Nam Festival 2025" tại khu vực cổng chào Tràng An, TP Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Sự kiện được diễn ra từ ngày 30-4 đến ngày 3-5. Điểm nhấn ấn tượng trong sự kiện "Nón lá - Việt Nam Festival 2025" tại tỉnh Ninh Bình chính là màn trình diễn độc đáo với hơn 1.000 chiếc nón lá được khéo léo sắp xếp thành hình bản đồ Việt Nam.
Không gian trưng bày làng nghề truyền thống Ninh Bình được thiết kế 5 cụm không gian nghệ thuật tương ứng với 5 làng nghề truyền thống nổi bật như thêu ren Văn Lâm, dệt cói Kim Sơn, gốm Bồ Bát, Tơ lụa... Du khách được trực tiếp trải nghiệm quy trình thêu, đan cói, làm gốm, ươm tơ dệt lụa cùng nghệ nhân và thưởng thức các sản phẩm trà, nước trái cây đặc trưng.
Nguồn: https://nld.com.vn/chuoi-su-kien-du-lich-van-hoa-dac-sac-cua-tuan-du-lich-ninh-binh-2025-196250502170106706.htm
Bình luận (0)