Tôn trọng nguyện vọng của cộng đồng dân cư
TPHCM sau hợp nhất đã trở thành siêu đô thị lớn nhất Việt Nam với quy mô dân số trên 20 triệu người. Sự thay đổi này tạo ra một thách thức quản lý rất lớn về hệ thống tên đường, khi các tuyến đường từng có tên giống nhau tại các huyện, thị xã, tỉnh, thành cũ, nay thuộc cùng một hệ thống hành chính của thành phố.
TPHCM trước hợp nhất đã có hiện tượng trùng tên cục bộ giữa các quận, huyện, như: đường Nguyễn Văn Cừ xuất hiện tại quận 1, quận 5, huyện Bình Chánh; đường Lê Văn Lương ở quận 7 và huyện Nhà Bè... Sau hợp nhất, tình trạng này dự báo gia tăng mạnh, các tên đường trùng phổ biến thường là tên danh nhân, lãnh tụ, anh hùng dân tộc. TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, phân tích: “Tại các địa phương sau hợp nhất, có thể thấy nhóm tên đường trùng nhau ở phường, xã liền kề là khá phổ biến. Như đường Nguyễn Văn Trỗi, xuất hiện ở phường thuộc TPHCM trước đây và phường liền kề thuộc tỉnh Bình Dương trước đây. Khoảng cách gần khiến dễ gây nhầm lẫn cho giao thông, giao nhận hàng hóa, cấp cứu, cứu hỏa và quản lý hành chính”.
Về bổ sung quy định quản lý tên đường trùng sau hợp nhất, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử và quản lý đô thị đồng quan điểm: Nhiều tên đường là nhân vật lịch sử nổi tiếng được các tỉnh thành chọn giống nhau có thể giữ nguyên sau hợp nhất, miễn là không cùng một phường/xã, do việc đổi rất tốn kém, chỉ đổi trong trường hợp các tên trùng nhau trong cùng một phường/xã. PGS-TS Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, chia sẻ: “Không nên đổi tên đường, mà thay vào đó, tên đường mới cần xác định vị trí tên phường rõ ràng, ví dụ như đường Lê Hồng Phong - phường Chợ Quán, đường Lê Hồng Phong - phường Vũng Tàu. Khi tên phường, thành phố chính xác thì việc xác định địa chỉ sẽ đơn giản, thuận lợi cho người dân. Chỉ nên đổi các tên đường trùng nhau nếu có cơ hội thuận tiện như khi mở đường mới, hay có những hoạt động chỉnh sửa, thay đổi đường cũ với quy mô lớn...".
“Việc thay đổi tên đường cần tham vấn cộng đồng thông qua khảo sát ý kiến, hội thảo nhân dân, trước khi quyết định. Công khai, minh bạch quy trình đổi tên, đảm bảo người dân hiểu rõ lý do, tránh gây bức xúc. Đặc biệt lưu ý các tuyến đường đã gắn bó lâu đời với cư dân địa phương, chỉ đổi tên nếu thực sự cần thiết và có phương án hỗ trợ giấy tờ pháp lý liên quan”, TS Nguyễn Minh Nhựt bày tỏ.
Lựa chọn tên đường cho đô thị di sản
Thực tế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (gọi tắt là Nghị định số 91), đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc như: tiêu chí lựa chọn tên để bổ sung Ngân hàng tên còn chung chung; điều kiện tuyến đường được xem xét để đặt tên không còn phù hợp với tình hình thực tế; tình trạng trùng tên đường chưa được quy định hướng dẫn giải quyết; tiêu chí để xác định công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng chưa được quy định cụ thể; thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp, các cơ quan đôi khi chưa rõ ràng…

Về vấn đề lựa chọn tên đường tránh trùng lặp, và tạo diện mạo cho đô thị, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, phân tích, Nghị định số 91 có xác định, đường phố được được đặt tên trên cơ sở lựa chọn trong các tên: tên địa danh nổi tiếng; danh từ có ý nghĩa tiêu biểu; tên di tích lịch sử - văn hóa có giá trị tiêu biểu; tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu; tên danh nhân, bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Bà Lê Tú Cẩm nhìn nhận: “Đến nay, nhìn lại, hẳn ai trong chúng ta cũng đều thấy, việc đặt tên đường theo tên danh nhân chiếm một tỷ lệ gần như áp đảo. Đặc biệt, trong tình hình cả nước đang sắp xếp lại, một số tỉnh, thành không còn tên, một số địa danh được đặt tên phường, nhưng cũng còn nhiều địa danh đã từng ghi dấu ấn trong tiến trình đấu tranh bảo vệ và dựng xây đất nước nay không còn. Đây chính là dư địa lớn cho quỹ tên đường theo tên địa danh, tên các di tích lịch sử - văn hóa. Nếu chúng ta khai thác đầy đủ các yếu tố nêu trên, việc đặt tên đường ở thành phố sẽ góp phần tích cực vào việc làm cho đại đô thị TPHCM mang màu sắc là đô thị di sản. Điều này, ví như mạng lưới di sản ngoài trời, bởi một con đường, một cái tên đều mang dấu ấn lịch sử, văn hóa”.
Cùng quan điểm này, TS Trương Hoàng Trương, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM, chia sẻ: “Việc lấy tên biển đảo, núi, sông, hồ… để đặt tên đường có nhiều lợi ích và ý nghĩa to lớn về giáo dục, về chính trị. Nước ta có khoảng hơn 2.700 đảo ven bờ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa với 41 đảo san hô, 331 rạn san hô và 16 bãi ngầm. Đặt tên đường theo tên các đảo, quần đảo không chỉ giúp trau dồi kiến thức về địa lý của Tổ quốc mà còn là lời nhắc nhở, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các hòn đảo ấy. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác, chúng ta cần được sự hỗ trợ đắc lực từ các nhà địa lý học, sử học...".
TS NGUYỄN MINH NHỰT, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM:
Ứng dụng công nghệ và tham vấn cộng đồng
Để giải quyết vấn đề trùng lặp tên đường, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu GIS (hệ thống thông tin địa lý) thống nhất tên đường toàn thành phố; đổi tên các tuyến đường trùng lặp gây nhầm lẫn nghiêm trọng theo nguyên tắc bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa và hạn chế tối đa xáo trộn; áp dụng đặt tên bổ sung có định danh địa lý; hoàn thiện quy trình thẩm định, phê duyệt tên đường minh bạch, khoa học; truyền thông rộng rãi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cập nhật giấy tờ pháp lý. Trong giai đoạn 2025-2030, TPHCM cần ban hành kế hoạch đổi tên đường có lộ trình phù hợp, kết hợp ứng dụng công nghệ GIS, tham vấn cộng đồng và học hỏi kinh nghiệm quốc tế, để xây dựng hệ thống tên đường duy nhất, hiện đại, khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - tài chính quốc gia và hội nhập toàn cầu.
Ông NGUYỄN MINH NHỰT, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM:
Xóa bỏ tên đường vô nghĩa hoặc tên tạm
Từ lâu, việc đặt tên đường tại TPHCM phản ánh hồn cốt đô thị, mỗi cái tên đều có ý nghĩa lịch sử, văn hóa riêng mà khi nhìn vào đó, người dân có thể thấy bản sắc nơi này. Trước mắt, Sở VH-TT TPHCM sẽ phối hợp các đơn vị liên quan, cơ quan chức năng để giải quyết nhanh chóng những tên đường đặt tạm và tên vô nghĩa. Mỗi tên đường được đặt hoặc đổi phải đảm bảo thật sự có nghĩa, phản ánh hồn cốt, bản sắc của đô thị, gần gũi và gắn bó với đời sống người dân để góp phần hình thành một đô thị di sản. Việc đặt đổi tên đường tại TPHCM hiện nay, nhất là sau khi hợp nhất, sẽ chú trọng lắng nghe ý kiến người dân, để tránh thay đổi, xáo trộn làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/chuyen-dat-ten-duong-o-tphcm-tu-ban-do-hanh-chinh-den-ban-sac-van-hoa-post803547.html
Bình luận (0)