Bí thư Trung ương Đảng Hồng Hà (giữa), ông Bùi Văn Chương (ngoài cùng bên trái) và ông Bùi Thế Giang (ngoài cùng bên phải) trong chuyến đi Mỹ tháng 8-1995
Nhân kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, ông Bùi Thế Giang - người trực tiếp tham gia chuyến đi lịch sử này - lần đầu chia sẻ những hình ảnh và chi tiết về hành trình "thầm lặng" nhưng có ý nghĩa quan trọng.
Với tư cách chuyến thăm công khai đầu tiên của lãnh đạo Đảng tới Mỹ, đây thực sự là cánh cửa mở rộng hiểu biết, giới thiệu Việt Nam mới và đặt những viên gạch đầu tiên cho quan hệ song phương.
Ở thời điểm quan trọng như năm 1995, những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của Bí thư Trung ương Đảng Hồng Hà trong suốt chuyến thăm là rất thuyết phục và hiệu quả, và tôi tin chắc đã có tác động rất đáng kể đối với phía Mỹ, cho dù - xin nhắc lại và nhấn mạnh - đó không phải là một chuyến thăm chính thức.
Ông BÙI THẾ GIANG
Bối cảnh lịch sử đặc biệt
Tháng 7-1995 đánh dấu ba cột mốc lịch sử quan trọng của đối ngoại Việt Nam trong một tháng: gia nhập ASEAN, ký Hiệp định khung về hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu và thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, hay "bình thường hóa quan hệ" theo cách gọi của Mỹ.
Theo ông Bùi Thế Giang, đây là kết quả của quá trình Đổi mới nói chung và Đổi mới về đối ngoại nói riêng, trong đó Việt Nam từng bước mở quan hệ đối ngoại với thế giới, với ưu tiên là láng giềng chung biên giới, láng giềng trong khu vực, các nước lớn và các tổ chức quốc tế.
Ông Hồng Hà và ông Bùi Thế Giang trong chuyến thăm đến Đài CNN - Ảnh: NVCC
Trong bối cảnh chung đó và nhất là việc Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và Tổng thống Mỹ Bill Clinton vừa thông báo thiết lập quan hệ ngoại giao trước đó một tháng, quyết định đi Mỹ tháng 8-1995 của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hồng Hà thể hiện tầm nhìn chiến lược và tinh thần quyết đoán của lãnh đạo Đảng trong đường lối đối ngoại nói chung và trong quan hệ song phương với Mỹ nói riêng.
Không được công bố cũng không được báo chí hai nước đưa tin dẫu chuyến đi là công khai, đoàn công tác chỉ gồm ba thành viên: ông Hồng Hà, ông Phạm Văn Chương (khi đó là phó trưởng ban thường trực Ban Đối ngoại Trung ương) và ông Bùi Thế Giang (khi đó là vụ trưởng Vụ Quốc tế nhân dân Ban Đối ngoại Trung ương).
Một trong những điều làm nên tính đặc biệt của chuyến đi là cách Việt Nam đã thực hiện hoạt động này "qua tay người Mỹ": Chuyến đi do Trung tâm Trao đổi giáo dục với Việt Nam (CEEVN) - đứng đầu là bà Minh Kauffman, một Việt kiều tại Mỹ - tổ chức và do Quỹ Ford (Ford Foundation) - một tổ chức phi chính phủ của Mỹ - tài trợ.
Ông Hồng Hà (thứ hai từ phải qua) và ông Bùi Thế Giang (ngoài cùng bên phải) gặp ông Desaix Anderson (ngoài cùng bên trái) - đại biện lâm thời đầu tiên của sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Trong ảnh có Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng (giữa) - Ảnh: NVCC
Hành trình khám phá toàn diện
Trong vỏn vẹn khoảng chục ngày từ 12-8-1995, ông Hồng Hà cùng đoàn đã rong ruổi từ bờ đông sang bờ tây và cả miền trung nước Mỹ. Đoàn công tác đã gặp một số quan chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Quốc hội Mỹ, gặp gỡ, tọa đàm với nhiều tập đoàn kinh tế - thương mại lớn, tọa đàm với đông đảo học giả, giáo sư tại ĐH Stanford và thăm Trung tâm Carter - nơi lưu giữ tư liệu về cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter.
Từng là người làm báo, ông Hồng Hà còn đến thăm trụ sở đài CNN để tìm hiểu và mục sở thị công tác truyền thông. Ông cũng dành thời gian gặp gỡ và tìm hiểu cách thức hoạt động của một số tổ chức phi chính phủ Mỹ như Habitat, CARE.
Ông và đoàn còn đi xem một trận bóng chày - môn thể thao quốc dân của Mỹ và đến thăm cầu Golden Gate - một trong những công trình biểu tượng với mục đích hiểu thêm văn hóa Mỹ một cách trực tiếp.
Ông Hồng Hà và đoàn đến thăm trụ sở Liên hợp quốc tại Mỹ. Trong ảnh có Đại sứ, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Ngô Quang Xuân - Ảnh: NVCC
Đặc biệt tại Atlanta, đoàn đã khiến phía Mỹ hết sức bất ngờ và ngạc nhiên khi yêu cầu được đến thăm trung tâm và khu tưởng niệm Martin Luther King Jr. Khi thấy chủ nhà Mỹ lúng túng nhìn nhau, đoàn đã giải thích: Năm 1971, ba năm sau khi bị ám sát, tiến sĩ King được truy tặng giải Grammy cho bản ghi phát biểu hay nhất vì ông đã từng có một bài phát biểu dưới tiêu đề "Vì sao tôi phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam". Ông Giang thuật lại lời của phía Mỹ: "Người Việt Nam vẫn nhớ những điều mà nhiều người Mỹ rất nhanh quên".
Trong các cuộc tiếp xúc của đoàn, đáng chú ý là chuyến ông Hồng Hà và đoàn đến thăm ông Desaix Anderson tại nhà riêng ở khu Logan Circle, Washington D.C, chỉ một ngày trước khi ông Anderson sang Việt Nam nhận nhiệm vụ đại biện lâm thời đầu tiên của Đại sứ quán Mỹ. Cùng đi còn có vợ chồng ông Lê Văn Bàng, đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ.
Việc một bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tới thăm và trò chuyện thân mật, cởi mở tại nhà riêng của nhà ngoại giao Mỹ đã để lại ấn tượng tích cực không chỉ với ông Anderson mà còn với cả thế hệ các quan chức ngoại giao Mỹ khi ấy.
Ngoài ra đoàn còn tới thăm trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, tìm hiểu về cơ chế vận hành của LHQ, quan hệ LHQ - Việt Nam và gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ. Dù không hề dễ dàng, đoàn cũng đã có cuộc gặp với một nhóm Việt kiều tại Mỹ.
Ông Hồng Hà và ông Bùi Thế Giang đến thăm Carter Center - nơi lưu giữ tư liệu về cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter - Ảnh: NVCC
Mục tiêu và ý nghĩa sâu xa
Thăm Mỹ chỉ một tháng sau khi hai cựu thù bình thường hóa quan hệ, theo ông Bùi Thế Giang, chuyến đi này đặt ra và đạt được hai mục tiêu lớn: Thứ nhất, giúp Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan Đảng, hiểu rõ hơn về nước Mỹ.
Thứ hai, trong bối cảnh phần lớn chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ Mỹ vẫn nhìn Việt Nam qua lăng kính chiến tranh, đoàn đã tranh thủ giới thiệu hình ảnh một Việt Nam mới, 20 năm sau chiến tranh.
Ở thời điểm đất nước bắt đầu mở cửa, ông Hồng Hà cũng nêu với phía Mỹ những nhu cầu cấp thiết của Việt Nam như học ngoại ngữ, nói "tiếng Anh - Mỹ xịn".
Và khi gặp lãnh đạo Hội đồng các tổ chức học thuật Mỹ, ông còn quan tâm tìm hiểu về lĩnh vực khoa học - công nghệ, hỏi han tỉ mỉ về việc sử dụng máy vi tính và kết nối Internet, mà theo ông Giang, "đây là chuyện cực kỳ lạ ở một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng vào thời điểm ấy".
Ông Hồng Hà và ông Bùi Thế Giang khi đến thăm tổ chức phi chính phủ Habitat for Humanity - Ảnh: NVCC
Cũng cần nói thêm rằng dù chuyến thăm của đoàn không phải là chính thức, phía Mỹ vẫn dành cho đoàn quy chế an ninh ngoại giao (chỉ dưới cấp độ an ninh nhà nước dành cho nguyên thủ quốc gia).
Ông Giang kể trong thời gian chuẩn bị cho đoàn lên đường, trưởng văn phòng liên lạc của Mỹ tại Việt Nam (khi đó chưa mở đại sứ quán) Jim Hall đã gặp ông và hỏi "Bí thư Trung ương Đảng là thế nào, tương đương với cấp nào bên Nhà nước" để chuẩn bị lễ tân và an ninh chu đáo nhất.
Theo ông Giang, một chuyến đi như vậy dĩ nhiên không thể tạo ra cú hích lớn hay bước ngoặt trong quan hệ Việt - Mỹ, cũng như trong đường lối của Việt Nam với Mỹ. Tuy vậy có thể khẳng định chuyến đi đã mang lại nhiều điều đáng suy ngẫm cho ông Hồng Hà, cho đoàn và cho Ban Đối ngoại Trung ương, cơ quan tham mưu đối ngoại của Đảng trong quan hệ với Mỹ.
Đây là cơ sở quan trọng để nhìn nhận nước Mỹ không chỉ là cựu thù vừa bình thường hóa quan hệ, mà còn là một nền kinh tế lớn, quốc gia có khoa học - công nghệ tiên tiến, xã hội đa dạng và phong phú, cũng như một thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng với Việt Nam.
Ông Hồng Hà và ông Bùi Thế Giang đến thăm khu vực cầu Golden Gate - công trình biểu tượng của Mỹ - Ảnh: NVCC
Chuyến thăm Mỹ của ông Hồng Hà không phải quyết định đột ngột. Năm 1993, khi ông Bùi Thế Giang chuẩn bị đi Mỹ học thạc sĩ tại Trường SAIS thuộc Đại học Johns Hopkins, ông Hồng Hà đã trực tiếp gặp để dặn dò hai việc: "Phải cầm được bằng thạc sĩ về và cố gắng kéo Mỹ xuống thang, bình thường hóa quan hệ".
Trong 8 tháng ở Mỹ (1993-1994), ngoài học tập, ông Giang được giao nhiệm vụ tìm hiểu khả năng lãnh đạo Đảng thăm Mỹ. "Năm 1993 khi Mỹ chưa dỡ bao vây cấm vận, việc Bí thư Trung ương Đảng dặn dò như vậy khiến tôi thực sự bất ngờ", ông Giang nhớ lại.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/chuyen-di-gop-phan-mo-loi-quan-he-viet-my-2025071023584877.htm#content-1
Bình luận (0)