Ca sản xuất của công nhân Công ty TNHH Hoa Thăng Thanh Hóa, đóng trên địa bàn huyện Triệu Sơn.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Thực hiện chương trình CĐS quốc gia, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS, kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh, doanh nghiệp CĐS chiếm 50% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 10 doanh nghiệp công nghệ số phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trọng điểm.
Để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND ngày 13/4/2022 về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026. Ngay khi nghị quyết có hiệu lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp CĐS. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính), thí điểm xây dựng bản đồ số các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá hoạt động xúc tiến đầu tư. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc gửi nhận văn bản giữa các cơ quan Nhà nước với các doanh nghiệp, sở đã khai báo tài khoản gửi nhận văn bản của các doanh nghiệp trên nền tảng dùng chung TD Office giúp các doanh nghiệp gửi/nhận văn bản hoàn toàn qua môi trường mạng, giảm thiểu thời gian và chi phí.
Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các khóa học, chương trình trao đổi về CĐS. Các chương trình này tập trung vào xu thế và tính tất yếu của CĐS trong doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng dữ liệu mở để phát triển doanh nghiệp trong thời đại số và chia sẻ kinh nghiệm từ những doanh nghiệp thành công trong CĐS.
Kết quả và định hướng phát triển
Đến nay, tỉnh đã tổ chức 8 hội nghị với hơn 1.200 doanh nghiệp tham dự. Thông qua các hội nghị này, việc phát triển kinh tế số đã thay đổi cơ bản nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trung tâm thương mại, siêu thị và 54.620 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo, với hơn 342,78 triệu hóa đơn. Từ năm 2022-2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số thực hiện hỗ trợ miễn phí chữ ký số trong năm đầu hoạt động cho 4.498 doanh nghiệp.
Về công tác đào tạo, tỉnh đã tổ chức 77 lớp bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp cho 3.850 học viên; 13 khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cho 195 học viên; tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho 300 học viên là các chủ cơ sở, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ đưa 513 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và sản phẩm đặc trưng của các địa phương lên các sàn thương mại điện tử. 100% doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, 6.500 doanh nghiệp (đạt 40,62%, tăng 14,82% so với năm 2023) đạt mức độ CĐS theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ). Toàn tỉnh hiện có 5.550 doanh nghiệp được tham gia khảo sát, đánh giá mức độ hoàn thành CĐS, tổng số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn đạt 615 doanh nghiệp (gấp 1,86 lần so với năm 2023).
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, song trong quá trình CĐS của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, như: Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về tài chính khi đầu tư vào hạ tầng công nghệ; chiến lược và kế hoạch của các doanh nghiệp chưa rõ ràng cũng là rào cản lớn khiến việc triển khai CĐS thiếu đồng bộ, không đạt hiệu quả; người lao động khi phải thay đổi thói quen làm việc và thiếu đội ngũ nhân sự có chuyên môn về công nghệ số là những vấn đề mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Ngoài ra, liên kết để tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp, nhất là giữa doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ còn hạn chế.
Để thúc đẩy quá trình CĐS trong các doanh nghiệp, tỉnh đang tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp theo Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND. Đồng thời, tỉnh sẽ triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền các cấp cùng tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh ta đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những địa phương tiên phong trong CĐS, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Bài và ảnh: Ngân Hà
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/chuyen-doi-so-trong-doanh-nghiep-nbsp-tu-chinh-sach-den-thuc-tien-246945.htm
Bình luận (0)