Thầm lặng yêu thương
Thời con gái, chị Hà Thị Hoa (SN 1973, quê xã Đông Thành, huyện Yên Thành cũ) từng được nhiều người ngưỡng mộ bởi vẻ ngoài xinh xắn, dịu dàng và nết na. Giữa bao người theo đuổi, trái tim chị lại chọn về phía anh Vương Trung Úy – chàng trai gầy gò, nhỏ nhắn, nhưng cần mẫn, giàu tình cảm và hiếu thảo. Tình yêu mộc mạc, chân thành ấy đã đưa họ về chung một mái nhà, cùng nhau vun đắp giấc mơ bình dị về một tổ ấm đong đầy yêu thương.

Hôn nhân khởi đầu bằng muôn vàn gian khó. Họ dựng căn nhà đầu tiên nơi heo hút, quanh năm vắng bóng người, không một hàng xóm láng giềng. Anh Úy khi ấy là Bí thư Chi đoàn xóm, sau là Phó Bí thư Đoàn xã. Thu nhập ít ỏi, anh chị vừa lo việc làng, vừa tay cuốc, tay xây nhà, dựng bếp, đào ao, làm chuồng. Chị Hoa nhớ lại: “Những đêm làm nhà, cho con ngủ xong là hai vợ chồng lại ra thắp đèn dầu để xây. Thiếu đủ thứ, nhưng thuận vợ thuận chồng nên vẫn thấy vui”.
Cuộc sống khi ấy gắn liền với hàng tá công việc: làm đậu phụ, nấu rượu, nuôi lợn, cày cấy 7 sào ruộng. Đều đặn mỗi ngày, 2 giờ sáng chị Hoa dậy nấu rượu, 5 giờ mang đậu ra chợ, rồi 23 giờ đêm lại cặm cụi xay đậu sau khi kèm con học bài. Suốt bao năm trời, chị chưa một lần than thở, chỉ âm thầm chịu đựng và nỗ lực vì chồng vì con.

Siêng năng, nỗ lực, nhưng những bữa cơm gia đình khi ấy vẫn đạm bạc đến nao lòng. “Nói cô đừng cười, gia đình làm đậu phụ nhưng cả nhà không bao giờ được ăn nguyên miếng. "Món tủ" của cả nhà là thịt mỡ băm trộn cháy đậu phụ, rang mặn lên. Chúng tôi để cho các con ăn trước, còn bao nhiêu thì trộn với cơm cháy đáy nồi để 2 vợ chồng cùng ăn. Hôm nào mua được mớ cá con thì cũng lấy phần thịt cho các con, rồi đầu và đuôi thì phần bố mẹ…”, chị Hoa kể lại với nụ cười trên môi nhưng đôi mắt đỏ hoe.
Năm 1998, một quyết định thay đổi cuộc đời cả gia đình: anh Úy – khi ấy là Bí thư Đoàn xã – tình nguyện lên đường nhận nhiệm vụ tại lực lượng Thanh niên thanh niên xung phong ở huyện Kỳ Sơn (cũ), cách nhà 200 km. Lúc đó, chị Hoa mới 26 tuổi, một mình gồng gánh chăm sóc 3 con thơ: đứa lớn 6 tuổi, đứa út mới chỉ 2 tuổi.
.jpg)
Vắng bóng chồng, chị càng thêm tất bật. Một mình làm ruộng, nuôi lợn, ủ giá, muối mùng, bán hàng, nấu rượu – việc gì cũng đến tay. Những ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng, những đêm âm thầm lục cục một mình trong căn nhà trống vắng đã thành thói quen.
Mỗi năm anh chỉ về một đôi lần, vội vã ở lại được một ngày rồi lại quay đi. Những cuộc điện thoại ngắn ngủi gọi về từ hợp tác xã cũng đủ làm chị rơi nước mắt vì mừng tủi. Chị giấu nỗi nhớ, giấu nỗi vất vả vào lòng để chồng yên tâm cống hiến. “Bố đi làm nhiệm vụ”, chị luôn nói với các con như thế, để các cháu hiểu, ngoan và biết chờ đợi. “Tôi không dám khóc, không dám yếu lòng, bởi tôi biết, anh còn có sứ mệnh lớn hơn là gia đình. Tôi phải gánh vác phần việc của anh ở nhà để anh yên tâm mà đi trọn hành trình của mình”, chị Hoa chia sẻ.
Hạnh phúc xứng đáng
Sau bao năm lặng thầm, gia đình nhỏ của anh Úy – chị Hoa đã bước sang một trang đời mới. Nhờ sự nỗ lực và cống hiến không ngơi nghỉ, anh Úy lần lượt được bổ nhiệm Phó Tổng đội trưởng, rồi Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 9.
Với những cống hiến, đóng góp xuất sắc của mình, anh Úy được thăng chức Phó Tổng Đội trưởng rồi Tổng Đội trưởng Tổng đội TNXP 9. Ở nhà, chị Hoa tích cóp được chút vốn, mở rộng công việc kinh doanh. Ngôi nhà đơn sơ năm xưa giờ đã được thay thế bằng căn nhà khang trang, đẹp đẽ.

Điều khiến vợ chồng anh Úy, chị Hoa tự hào nhất chính là sự trưởng thành của 3 người con. Từ nhỏ, các cháu đã ý thức được hoàn cảnh gia đình nên rất tự lập và chăm chỉ. Lên lớp 6, các cháu đã biết tự nấu ăn, giặt giũ quần áo để bố mẹ yên tâm làm việc, ai cũng khen ngoan ngoãn và hiếu thảo. “Từ khó khăn, thiếu thốn, chúng tôi đã rút ra bài học từ bố mẹ rằng, phải chăm chỉ, tiết kiệm và yêu lao động. Chính bố mẹ đã trở thành động lực để chúng tôi phấn đấu, nỗ lực cho một cuộc sống ý nghĩa, có lý tưởng, có hoài bão”, chị Vương Anh Hồng, con gái út, chia sẻ.
Hiện nay, cả ba người con của vợ chồng anh Úy – chị Hoa đều có công việc ổn định, học vấn cao. Đặc biệt, hai người con và hai dâu rể đều là bác sĩ, công tác tại những bệnh viện uy tín. Với họ, đó là phần thưởng xứng đáng cho chặng đường dài gian khổ và đầy hy sinh.

Nhìn lại hành trình đã qua, anh Úy không khỏi xúc động: "Tôi may mắn khi có được sự đồng hành của vợ trong chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Nếu không có vợ cảm thông và các con ngoan ngoãn, hiểu chuyện, tôi đã không thể yên tâm hoàn thành nhiệm vụ và cống hiến cho Tổ quốc".
Câu chuyện về gia đình anh Vương Trung Úy và chị Hà Thị Hoa không chỉ là câu chuyện về một gia đình vượt khó, mà còn là bức tranh về lòng yêu nước thầm lặng, về sự hy sinh cao cả của những người phụ nữ Việt Nam. Họ là những "hậu phương" không tên nhưng lại là điểm tựa vững chắc, là nguồn động lực vô bờ bến để những thanh niên xung phong như anh Úy yên tâm cống hiến cho Tổ quốc. Họ đã cùng nhau dựng xây không chỉ một tổ ấm, mà còn là một tấm gương sáng về một gia đình Việt Nam truyền thống, nơi tình yêu thương và sự hy sinh luôn là nguồn năng lượng bất tận, vun đắp nên những giá trị bền vững. Những câu chuyện như thế sẽ mãi là ngọn lửa ấm áp, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ.
Nguồn: https://baonghean.vn/chuyen-it-biet-sau-nhung-thanh-tich-cua-mot-thanh-nien-xung-phong-o-nghe-an-10302198.html
Bình luận (0)