Tuyên truyền các chính sách của Luật BHXH 2024 đến với người lao động

Trước đây, các chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc nhóm tham gia BHXH bắt buộc, nên chỉ có thể tham gia BHXH tự nguyện với những quyền lợi hạn chế. Bà Lê Thị Diệu Trang, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Happy English (phường Phú Thượng, quận Thuận Hóa) chia sẻ: “Tôi từng không được hưởng chế độ thai sản khi sinh con do chỉ tham gia BHXH tự nguyện. Nay được đưa vào diện bắt buộc, tôi rất vui vì điều này giúp đảm bảo an sinh lâu dài, đồng thời tạo động lực cho tôi nỗ lực gắn bó với công việc”.

Không chỉ dừng lại ở việc mở rộng đối tượng, Luật BHXH 2024 còn điều chỉnh điều kiện để người lao động được hưởng lương hưu theo hướng có lợi hơn. Cụ thể, thời gian tham gia BHXH tối thiểu được rút ngắn từ 20 năm xuống còn 15 năm, tạo điều kiện thuận lợi hơn để người lao động tiếp cận chế độ hưu trí. Anh Nguyễn Văn Ty, chủ hộ kinh doanh tại phường Đông Ba, quận Phú Xuân cho biết: “Được tham gia BHXH bắt buộc là động lực rất lớn để tôi gắn bó với công việc và yên tâm làm ăn lâu dài, vì sau này còn có lương hưu”.

Theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP, ngày 4/1/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, thì hộ kinh doanh là tổ chức do cá nhân hoặc thành viên hộ gia đình đứng tên đăng ký. Với chính sách mới, chủ hộ sẽ được lựa chọn mức lương làm căn cứ đóng BHXH, nhưng không thấp hơn mức tham chiếu (hiện là 2.340.000 đồng/tháng) và không vượt quá 20 lần mức này. Mức đóng tối thiểu tương ứng là 25% mức lương, tức khoảng 585.000 đồng/tháng. Đây được xem là cách tiếp cận hợp lý, vừa tạo điều kiện cho người lao động tự do chủ động tài chính, vừa đảm bảo sự ổn định của quỹ BHXH trong dài hạn.

Tại bộ phận “Một cửa” của BHXH thành phố Huế, mỗi ngày đều có hàng chục người dân đến tìm hiểu về chính sách BHXH, trong đó không ít là các chủ hộ kinh doanh. Bà Bùi Thị Thu Lý, Phó Giám đốc BHXH thành phố Huế cho biết, ngành BHXH đang tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm rõ các điểm mới của luật. Các hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng như tổ chức hội nghị, hội thi, truyền thông tại bộ phận “Một cửa”, trung tâm dịch vụ việc làm, mạng xã hội và cổng thông tin điện tử của cơ quan BHXH…

Tính đến tháng 3/2025, toàn thành phố Huế có gần 19.000 hộ kinh doanh đang hoạt động, một lực lượng lao động đông đảo đang được tiếp cận với chính sách an sinh lần đầu tiên mang tính bắt buộc.

Cùng với chủ hộ kinh doanh cá thể, Luật BHXH 2024 còn mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; người lao động làm việc không trọn thời gian; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên...

Luật BHXH 2024 giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Quy định này tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác phù hợp với sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người lao động trong tương lai.

Những thay đổi này cho thấy quyết tâm của Nhà nước trong việc từng bước hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng toàn dân, toàn diện và công bằng hơn.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/co-hoi-an-sinh-cho-ho-kinh-doanh-ca-the-154045.html