Khách du lịch trong nước và quốc tế tham quan, nghỉ dưỡng tại đảo Cát Bà, TP Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Thành phố của những dòng sông
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, thành phố có mạng lưới sông ngòi dày đặc, mật độ sông lớn nhất Miền Bắc, sông bao quanh từng khu phố, xóm làng. Bởi vậy, Hải Phòng được gọi là thành phố của những dòng sông, thành phố của những cây cầu. Những dòng sông này không chỉ mang theo nhiều giá trị văn hóa, lịch sử mà còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trên địa bàn có hơn 50 con sông lớn nhỏ, trong đó có 16 sông chính, nổi tiếng nhất là sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc và sông Thái Bình.
Những dòng sông ở Hải Phòng từ lâu đã trở thành những “chứng nhân” của lịch sử. Từ ngàn xưa, nữ tướng Lê Chân đã lựa chọn vùng đất bồi màu mỡ ven bờ sông Cấm để khai hoang lập trang An Biên, tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay. Sông Cấm là biểu tượng của sự hòa quyện giữa quá khứ, hiện tại và tương lai xán lạn của thành phố. Ba hành lang cảnh quan sông: sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc sẽ là hành lang phát triển kinh tế, dịch vụ, đồng thời cũng là trọng điểm của phát triển du lịch đường sông Hải Phòng.
Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ, hiện nay chưa có tour du lịch đường sông mà mới chỉ có vận tải khách bằng đường sông và một số hoạt động du lịch mang tính tự phát. Nguyên nhân chính cản trở sự phát triển du lịch đường sông Hải Phòng là hạ tầng giao thông đường thủy còn kém. Đây là rào cản lớn nhất đối với phát triển du lịch đường sông. Các cảng, bến tàu của Hải Phòng là cảng tổng hợp và hàng hóa, không có bến du thuyền quốc tế, không có cảng tàu du lịch, tại nhiều điểm đến không có bến tàu. Hiện, Vingroup đã đầu tư bến du thuyền Vũ Yên song quy mô còn nhỏ và chủ yếu phục vụ cư dân Vinhomes. Một số luồng tuyến chưa được nạo vét thường xuyên, dẫn đến tình trạng bồi lắng, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện du lịch. Bởi vậy, không thể phát triển du lịch đường sông với hiện trạng hạ tầng giao thông thủy như hiện tại.
Tiếp đó, thành phố chưa có chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch đường sông một cách đồng bộ. Phát triển du lịch đường sông ở Hải Phòng chưa được coi trọng; chưa có đề án, dự án phát triển loại hình du lịch này. Các hoạt động du lịch đường sông hiện nay rất nhỏ, lẻ, mang tính tự phát, manh mún, dẫn đến việc khai thác không hiệu quả, dịch vụ nghèo nàn, không tạo sức hút đối với du khách.
Một nguyên nhân khác, cảnh quan sông để phát triển du lịch chưa được thành phố đầu tư đúng mức. Chưa có hệ thống chiếu sáng nghệ thuật ven sông, còn nhiều rác, bèo trên sông, cảnh quan ven sông đôi chỗ còn nhếch nhác, bụi bẩn. Chưa phát triển các điểm trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng, sinh thái, vui chơi giải trí ven sông. Du lịch sông không chỉ diễn ra trên sông mà còn diễn ra ven sông, việc quy hoạch, phát triển các điểm khám phá, trải nghiệm sẽ tạo sức hút với du khách.
Cơ hội khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và những giá trị văn hóa
Nhiều chuyên gia về lĩnh vực du lịch và doanh nghiệp lữ hành thành phố đều có chung nhận định, để phát huy tối đa tiềm năng du lịch đường sông, Hải Phòng có thể tập trung vào một số hướng đi, trong đó thành phố xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, thiết kế các tuyến du lịch kết hợp tham quan di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, trải nghiệm ẩm thực ven sông để thu hút du khách.
Thành phố cải thiện hạ tầng và phương tiện giao thông đường thủy, đầu tư vào bến thuyền, tàu du lịch chất lượng cao, đảm bảo an toàn và tiện nghi cho du khách. Đồng thời, tập trung quảng bá và liên kết du lịch, đẩy mạnh truyền thông về du lịch đường sông trên nhiều nền tảng, kết hợp với các tỉnh, thành lân cận để tạo thành chuỗi du lịch hấp dẫn.
Bên cạnh đó, thành phố cần bảo tồn cảnh quan và môi trường, giữ gìn vệ sinh sông ngòi, bảo vệ hệ sinh thái ven sông nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch và bền vững; tăng cường hoạt động văn hóa, sự kiện, tổ chức các lễ hội ven sông, trình diễn nghệ thuật trên thuyền hoặc khu vực bến sông để mang lại trải nghiệm độc đáo.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giải pháp V24 cho rằng, trên thế giới, du lịch đường sông đã trở thành một loại hình phổ biến và thành công tại nhiều đô thị như Bangkok (Thái Lan), Paris (Pháp), Amsterdam (Hà Lan) hay tuyến du lịch dọc sông Nil (Ai Cập).
Tại Việt Nam, dù có hệ thống sông ngòi dày đặc và gắn bó chặt chẽ với đời sống dân cư, du lịch đường sông vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả. Trong đó, Hải Phòng - thành phố cảng biển lớn của miền Bắc với hệ thống sông nội đô và liên tỉnh phong phú, có thể đóng vai trò trung tâm cho phát triển loại hình này nếu có cơ chế hợp tác phù hợp, đặc biệt là mô hình hợp tác công - tư (PPP: Public - Private Partnership).
Theo ông Hoàng Tuấn Anh, giải pháp phát triển du lịch đường sông Hải Phòng theo mô hình hợp tác công - tư, trong đó giai đoạn ngắn hạn (2025 - 2030) thành phố cần điều tra, khảo sát tiềm năng sông ngòi, nhu cầu khách du lịch; tổ chức các hội nghị, hội thảo về giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh của du lịch đường sông Hải Phòng và các dịch vụ du lịch trên sông; quy hoạch tổng thể du lịch đường sông Hải Phòng (gắn với quy hoạch đô thị ven sông); ban hành khung pháp lý hỗ trợ đầu tư PPP trong phát triển hạ tầng bến tàu, điểm dừng, dịch vụ du lịch ven sông. Thành phố thí điểm các tuyến nội đô như tuyến sông Cấm (cảng Hải Phòng - đảo Vũ Yên - Bạch Đằng Giang) để rút kinh nghiệm và nhân rộng; thí điểm đầu tư phát triển mô hình dịch vụ vui chơi giải trí (bar, nhà hàng nổi, đảo sinh thái nổi) trên các sông Cấm, Tam Bạc, Lạch Tray... Tầm nhìn đến 2045, thành phố mở rộng kết nối liên vùng qua hệ thống sông liên tỉnh; đồng thời, khảo sát, quy hoạch tuyến; phát triển hạ tầng hỗ trợ; xây dựng sản phẩm và thương hiệu du lịch; hợp tác liên vùng - liên tỉnh; xây dựng thương hiệu “Du lịch xanh sông nước miền Bắc” và áp dụng công nghệ số, du lịch thông minh, hệ thống vé điện tử, bản đồ hành trình.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để khai thác hiệu quả tiềm năng này và phát triển bền vững, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đặc thù của ngành là yếu tố then chốt. Theo bà, việc triển khai đồng bộ các giải pháp từ đổi mới chương trình, nâng cao năng lực giảng viên, tăng cường hợp tác doanh nghiệp đến đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần cung ứng đủ và tốt nguồn nhân lực cho sự phát triển bứt phá của du lịch đường sông thành phố trong thời gian tới.
Sở hữu lợi thế hiếm có cùng với sự đầu tư bài bản từ hạ tầng giao thông thủy đến các hoạt động trải nghiệm, kỳ vọng du lịch đường sông không chỉ giúp Hải Phòng khai thác giá trị cảnh quan và văn hóa độc đáo mà còn tạo động lực lớn cho ngành công nghiệp không khói của thành phố Cảng.
Năm 2025, thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách du lịch, trong đó 1,5 triệu lượt khách quốc tế, đạt tổng doanh thu 12.400 tỷ đồng. Quý I/2025, du lịch Hải Phòng đón trên 1,8 triệu lượt khách.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/co-hoi-kham-pha-ve-dep-thien-nhien-va-gia-tri-van-hoa-lau-doi-thanh-pho-cang-a419719.html
Bình luận (0)