Người dân xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) chăm sóc cây chanh leo. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Ngoài 4 sản phẩm trên, đã có 8 mặt hàng được hai bên ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật và động vật, gồm: dừa, dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, sầu riêng đông lạnh, chuối tươi và khoai lang. Có 6 loại trái cây là mặt hàng truyền thống như thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn và mít đang được xuất khẩu nhưng chưa được chuẩn hóa bằng Nghị định thư.
Là một trong 12 doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp mã xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Thế Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Hải Yến Nha Trang cho biết: So với các quốc gia như Malaysia hay Indonesia - vốn đã có vị thế vững chắc và kinh nghiệm lâu năm tại thị trường này, Việt Nam là "người đến sau". Đây vẫn là một thị trường còn khá mới mẻ với sản phẩm yến Việt Nam, nên việc thâm nhập sâu gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó, sau đại dịch COVID-19, sức mua tại Trung Quốc đã sụt giảm do tác động của suy thoái kinh tế.
Nhưng, việc Việt Nam ký kết Nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu tổ yến thô đã mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp. Hiện tại, chỉ có Malaysia là quốc gia đã được xuất khẩu tổ yến thô vào Trung Quốc, trong khi các nước khác chỉ mới được phép xuất khẩu yến tinh chế. Đây là lợi thế để Việt Nam khai thác và tăng khả năng cạnh tranh.
Để nắm bắt được cơ hội nay, ông Nguyễn Thế Hòa cho rằng, doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ với các hộ nuôi yến nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào. Trước đây, nhiều người nuôi thường chú trọng vào số lượng - làm sao dẫn dụ yến làm tổ nhiều, nhưng chất lượng tổ chưa đảm bảo. Giờ đây, xu hướng thị trường buộc người nuôi phải thay đổi tư duy, đầu tư vào môi trường nhà yến sạch sẽ, thông thoáng, đảm bảo điều kiện sinh học để nâng cao chất lượng tổ yến.
“Chất lượng tổ yến thô phụ thuộc rất lớn vào khâu nuôi. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, doanh nghiệp bắt buộc phải liên kết và đồng hành cùng người nuôi trong suốt quá trình sản xuất”, ông Nguyễn Thế Hòa nhấn mạnh.
Ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết, Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, chiếm tới 80% sản lượng toàn cầu, với quy mô thị trường ước tính lên tới 8 tỷ USD mỗi năm. Đây cũng là thị trường có yêu cầu rất cao về chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm.
Tuy nhiên, tổ yến Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 0,8% thị phần xuất khẩu vào Trung Quốc. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành yến Việt Nam còn rất lớn, nhưng cũng đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh không nhỏ.
Theo ông Lê Thành Đại, để thâm nhập và giữ vững vị thế tại Trung Quốc, sản phẩm Việt Nam không chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, mà còn phải bảo tồn và phát huy được hương vị đặc trưng riêng có của tổ yến Việt Nam.
Trước nhiều hạn chế của ngành hàng, ông Nguyễn Thế Hòa mong muốn cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ tích cực hơn trong các khâu liên quan đến quy định của Nghị định thư như: kiểm nghiệm nhà nuôi, lấy mẫu xét nghiệm… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng tốc đưa sản phẩm ra thị trường.
Còn với ớt và chanh leo, trước đây xuất khẩu chỉ ở giai đoạn thí điểm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do hạn chế cửa, số lượng đơn vị được phép xuất nhập khẩu ít và thủ tục kiểm dịch phức tạp. Việc chuyển sang chính ngạch giúp có nhiều cửa khẩu tham gia, tăng tính linh hoạt và thu hút thêm nhiều đối tác từ phía Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Chủ tịch Việt Phúc Group chia sẻ: Trong giai đoạn thí điểm, việc xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ được thực hiện qua hai cửa khẩu và chỉ có hai đơn vị của Trung Quốc được cấp phép nhập khẩu. Điều này hạn chế rất nhiều về quy mô và số lượng giao dịch.
Khi đã ký kết Nghị định thư, các cửa khẩu được xuất khẩu và tất cả doanh nghiệp hai bên đều có thể tham gia. Nhờ vậy, lượng doanh nghiệp nhập khẩu từ phía Trung Quốc sẽ cũng gia tăng, tạo cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường này.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương cũng chia sẻ thêm, trong thời gian xuất khẩu thí điểm, các quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm giữa hai nước đã được áp dụng nghiêm túc. Vì vậy, việc ký kết Nghị định thư là bước đi tiếp theo để thúc đẩy sản xuất trong nước và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Trung Quốc đang siết chặt hơn các quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm, tiệm cận với các thị trường khó tính như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Do đó, các doanh nghiệp cần sản xuất và kinh doanh một cách bài bản, chuyên nghiệp, để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến toàn ngành hàng.
Theo các doanh nghiệp, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ớt tại Trung Quốc rất lớn. Việt Nam đang là một trong những nhà cung cấp chủ lực loại nông sản này sang thị trường này. Với đặc điểm là cây trồng ngắn ngày, ớt mang lại nhiều tiềm năng để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng và duy trì thị trường bền vững, người trồng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và quy trình sản xuất an toàn.
Do vậy, việc tuân thủ nghiêm các yêu cầu trong Nghị định thư như mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, kiểm nghiệm định kỳ… là điều kiện bắt buộc. Đồng thời, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với người sản xuất để tạo ra chuỗi cung ứng minh bạch, bền vững.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, để nắm cơ hội và giữ vững thị trường, nông sản Việt Nam cần tiếp tục khắc phục điểm yếu về sự đồng đều và sự ổn định về chất lượng, sản lượng. Doanh nghiệp và người sản xuất buộc phải thay đổi tư duy, nâng cấp sản xuất và đảm bảo chất lượng toàn chuỗi.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/co-hoi-lon-cho-nong-san-viet-nam-vao-thi-truong-ty-dan-153213.html
Bình luận (0)