Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cóc Cọc gìn giữ nghề dệt vải truyền thống

BHG - Theo dòng chảy thời gian, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hoàng Su Phì cũng ngày càng mai một. Thế nhưng, bằng tình yêu với nghề dệt, nhiều phụ nữ ở thôn Cóc Cọc, xã Sán Sả Hồ vẫn miệt mài bên khung cửi, dệt nên những tấm vải nhuộm tràm truyền thống.

Báo Hà GiangBáo Hà Giang15/04/2025

BHG - Theo dòng chảy thời gian, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hoàng Su Phì cũng ngày càng mai một. Thế nhưng, bằng tình yêu với nghề dệt, nhiều phụ nữ ở thôn Cóc Cọc, xã Sán Sả Hồ vẫn miệt mài bên khung cửi, dệt nên những tấm vải nhuộm tràm truyền thống.

Thôn Cóc Cọc hiện lên yên bình với những nếp nhà sàn mang đậm bản sắc văn hóa của người Tày. Toàn thôn có 63 hộ với 234 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Trước đây, nghề dệt từng là hoạt động truyền thống gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt và văn hóa của người dân địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, số hộ còn gắn bó với nghề chỉ còn khoảng 35 hộ, cho thấy sự mai một đáng kể của một nét đẹp văn hóa lâu đời.

Bà Lù Thị Trưởng dệt vải trong thời gian nông nhàn.

Bà Lù Thị Trưởng dệt vải trong thời gian nông nhàn.

Bên chiếc khung cửi đã ngả màu thời gian, bà Lù Thị Trưởng, 53 tuổi, vừa liên tay dệt vải vừa nói chuyện với chúng tôi. Khi đó, vải vẫn còn rất hiếm, để mua được không hề dễ, chính vì vậy gia đình người Tày nào cũng có khung cửi. Con gái Tày 15, 16 tuổi đã biết dệt vải, không chỉ để may quần áo mà cả chăn, gối, rèm cửa... Học nghề dệt từ tuổi lên mười, cũng như bao cô gái Tày, bà Trưởng mặc áo váy chàm, mang theo của hồi môn với đầy đủ chăn, gối, đệm tự tay thêu, dệt về nhà chồng. Những lúc nông nhàn, bà lại đưa thoi dệt vải, cắt may quần áo cho chồng, con. Bà chia sẻ: “Người phụ nữ Tày thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ, chịu khó qua những thước vải tự tay dệt ra. Bởi vậy, 3 cô con gái của tôi đều được truyền dạy nghề dệt từ nhỏ. Mặc dù thu nhập từ việc bán các sản phẩm dệt, may truyền thống không quá lớn nhưng để nghề dệt của bà, của mẹ không bị mai một, tôi vẫn sẽ học hỏi, lưu giữ nghề để trao truyền cho con, cháu đời sau”.

Để tạo được 1 sản phẩm dệt thủ công hoàn chỉnh phải qua nhiều công đoạn như: Cán bông, bật bông, quấn bông, kéo sợi, hồ sợi, dàn sợi, quay sợi, mắc khung, dệt vải… Trước khi dệt vải phải kéo dàn sợi, công đoạn này cần nhiều người cùng tham gia. Số lượng sợi dàn nhiều hay ít tùy thuộc vào khổ vải rộng hay hẹp.Việc dàn sợi được thực hiện dưới gầm sàn, người Tày sử dụng các cột nhà làm nơi dàn sợi. Người ta lắp các ống chỉ vào khung dàn sợi, đầu chỉ từ các ống sợi buộc cố định ở một cột, ước tính độ dài của tấm vải mà chọn 3 - 5 cột nhà; cầm đầu sợi cuốn vòng quanh các cột đến khi đủ các sợi dọc cho một khổ vải định dệt mới dựng một thanh tre buộc ép chặt các sợi vào trục. Hai đầu sợi so le nhau buộc riêng thành 2 túm để sợi không bị lẫn và rối khi luồn vào lược nén sợi, sau đó tiến hành dệt.

Từ những dụng cụ thô sơ tự tạo, thông qua các thao tác thủ công cùng bàn tay khéo léo đã tạo ra những sản phẩm dệt chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, phản ánh phần nào lịch sử phát triển của người Tày. Trước đây, phần lớn các gia đình đều tự trồng bông, kéo sợi, dệt vải. Ngày nay, nghề này không còn nhiều, sợi bông được thay thế bằng sợi công nghiệp vì dễ dệt hơn, giá cả hợp lý, không tốn nhiều thời gian, người phụ nữ đỡ vất vả hơn. Trước đây, màu nhuộm sợi được tạo ra từ các cây vỏ cứng nhưng hiện nay một phần được thay thế bằng thuốc nhuộm công nghiệp hoặc sợi len màu bán sẵn ngoài thị trường.

Đồng chí Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Sán Sả Hồ cho biết: “Hiện nay, xã chỉ có một số người dân ở hai thôn Cóc Cọc và Trà Thượng là giữ được khung cửi. Xã luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho bà con giữ nghề truyền thống để làm phong phú hơn bản sắc văn hóa của đồng bào Tày. Việc này còn giúp ích cho phát triển du lịch khám phá văn hóa địa phương. Xã đang phối hợp với huyện khảo sát số người biết dệt để mở lớp truyền dạy tại một số thôn theo nhu cầu của người dân. khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy lại nghề cho thế hệ trẻ; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thủ công truyền thống”.

Bài, ảnh: Nguyễn Yếm


Nguồn: https://baohagiang.vn/van-hoa/202504/coc-coc-gin-giu-nghe-det-vai-truyen-thong-d42661e/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm