Tự doanh là hoạt động công ty chứng khoán dùng tiền của chính mình để mua bán chứng khoán vì mục đích kiếm lời - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau giai đoạn điều chỉnh mạnh bởi cú sốc thuế quan Mỹ đầu quý 2-2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ, nhiều công ty trong lĩnh vực này báo lãi lớn.
Ngành chứng khoán lãi kỷ lục
Thống kê của Tuổi Trẻ Online từ gần 40 công ty chứng khoán lớn nhỏ, tổng doanh thu hoạt động quý 2-2025 đã đạt khoảng 23.800 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế ước tính xấp xỉ 7.700 tỉ đồng. Đây đều là những con số kỷ lục mới của ngành chứng khoán.
Dữ liệu: BCTC
Một điểm đáng chú ý là phí giao dịch môi giới đã bắt đầu tăng trưởng trở lại sau nhiều quý liên tiếp suy giảm.
Dữ liệu: BCTC
Theo ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam - phí thu mảng môi giới có sự cải thiện tốt hơn nhưng nhiều công ty vẫn đang gần như không có lãi và thậm chí chịu lỗ.
Trong khi đó, lãi suất mảng cho vay margin đã có sự cải thiện tốt hơn so với các quý trước. Nhà đầu tư cá nhân trở lại chính là động lực thúc đẩy lãi suất cho vay margin.
Thực tế, tốc độ tăng trưởng từ lãi cho vay đã tốt hơn tốc độ tăng trưởng của dư nợ trong quý vừa qua. "Nhà đầu tư cá nhân, chứ không phải các deal tổ chức, mới là động lực tăng trưởng dư nợ", ông Minh nhận định.
Nếu như margin deal thường gắn với các tổ chức lớn, các "tay to" với khả năng mặc cả lãi suất thấp, thì việc tỉ trọng này giảm có thể suy luận do hoạt động cho vay nhóm nhà đầu tư cá nhân tăng mạnh. Ưu điểm cho vay với nhóm này, biên lợi nhuận sẽ tốt hơn.
Phí môi giới và lãi từ cho vay tăng trưởng tích cực, nhưng có tỉ trọng đóng góp vào doanh thu hoạt động đã giảm mạnh trong quý 2-2025.
Dù có sự phục hồi nhưng áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các công ty chứng khoán vẫn còn lớn. Và nhiều nơi buộc phải tìm đến hướng đi để bảo toàn hiệu quả hoạt động.
Tự doanh trở thành mũi nhọn sinh lời
Trong quý 2-2025, Chứng khoán HSC đã có một quý "bắt đáy" ấn tượng khi giải ngân hàng nghìn tỉ đồng vào các mã như TCB, MWG, HPG… ngay giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh và đang có lãi nhẹ.
Danh mục tự doanh cổ phiếu của HSC đã tăng thêm khoảng 1.400 tỉ đồng, nâng tổng giá trị lên hơn 3.545 tỉ đồng.
Trong bối cảnh dư nợ cho vay bị giới hạn quanh 20.000 tỉ đồng do chưa hoàn tất đợt tăng vốn, chiến lược đẩy mạnh tự doanh giúp HSC duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Nổi bật nhất trong danh mục là cổ phiếu TCB, được HSC mua gần 1.200 tỉ đồng, nâng tổng giá trị nắm giữ lên 1.211 tỉ đồng. FPT, cổ phiếu từng được bán ra phần lớn trong quý 1, cũng được mua lại hơn 870 tỉ đồng trong quý 2.
Một số mã bluechips khác như MWG, STB và HPG cũng được gia tăng tỉ trọng trong danh mục tự doanh cổ phiếu, với giá trị đầu tư bổ sung lần lượt 367 tỉ đồng, 358 tỉ đồng và 240 tỉ đồng. Hầu hết các vị thế tự doanh này đều đang có lãi nhẹ tính đến cuối quý 2-2025.
Song nói đến tự doanh, Chứng khoán VIX mới là ví dụ tiêu biểu nhất. Trong quý 2, công ty này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.300 tỉ đồng, tăng 951% so với cùng kỳ, và lần đầu tiên lợi nhuận 1.000 tỉ đồng.
Trong đó riêng lãi từ hoạt động tự doanh (FVTPL) đã đạt trên 1.700 tỉ đồng, chiếm hơn 80% doanh thu hoạt động, với biên lợi nhuận gộp ấn tượng hơn 1.400 tỉ đồng.
Sự đột biến của danh mục tự doanh đã giúp cho VIX báo lãi xấp xỉ Chứng khoán TCBS trong khi vượt qua cả SSI, VPS.
Còn Chứng khoán CTS cũng tăng trưởng lợi nhuận gấp hơn 8 lần nhờ đóng góp lớn của hoạt động tự doanh đến từ các cổ phiếu như VSC, EIB, VPB, VIX...
Tuy nhiên việc chuyển dịch sang tự doanh không phải là "cây đũa thần". Việc nắm giữ dài hạn có thể buộc công ty chứng khoán phải hạch toán lỗ như trường hợp của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) với gần 7 tỉ đồng trong quý 2 này.
Trở lại chủ đề
Học Khiêm
Nguồn: https://tuoitre.vn/cong-ty-chung-khoan-rot-ngan-ti-mua-co-phieu-lo-dien-loat-3-chu-cai-hut-dong-tien-2025072512380525.htm
Bình luận (0)