Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cửa ải trong mây trời

Hải Vân Quan, tên gọi của cửa quan (cửa ải) được xây dựng trên đỉnh núi Hải Vân (hay Ải Vân, Ngãi Lãnh) là một công trình quân sự ở vị trí trọng yếu trên con đường thiên lý Bắc - Nam xưa, bảo vệ cho kinh thành Huế ở phía Nam.

HeritageHeritage20/05/2025

1.jpg

Như tên gọi của nó, Hải Vân: biển và mây, hay Ải Vân: cửa ải trong mây trời, người xưa hàm ý rằng, cửa quan này nằm giữa biển và núi, hay nơi cửa ải này luôn có mây che phủ. Địa danh này gắn liền với câu ca dao phổ biến một thời của cư dân Việt miền Trung:

Đi bộ thì khiếp Hải Vân

Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơi.

Vào tháng 8/2024, sau một thời gian dài bị hư hoại bởi chiến tranh và thời tiết khắc nghiệt, di tích Hải Vân Quan đã được trùng tu nguyên trạng và đưa vào phục vụ du khách tham quan miễn phí. Cuộc trùng tu quy mô này là kết quả của cái bắt tay lịch sử giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, hai địa phương cùng sở hữu một di tích, bởi Hải Vân Quan tọa lạc trên ranh giới hành chính của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.

2.jpg

Dự án trùng tu di tích này bắt đầu từ năm 2021, sau 3 năm thực hiện, diện mạo Hải Vân Quan hiện nay là một quần thể hoàn chỉnh, nguyên trạng của cửa quan, nhà Trú sở (nơi ăn, nghỉ của quan trấn ải), nhà Vũ khố (nơi cất giữ vũ khí), tường thành, pháo nhãn, cổng phụ, chòi canh... mang đậm đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn.

3.jpg

Nằm ở độ cao gần 500m so với mực nước biển, khi du ngoạn ở Hải Vân Quan, du khách sẽ được hòa mình giữa biển trời bao la, cảm giác như đứng giữa tầng mây, trên một công trình kiến trúc quân sự, bao chứa nhiều giá trị lịch sử - văn hóa quan trọng dưới thời quân chủ; tận mắt nhìn ngắm Lăng Cô - một trong 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới, hoặc nhìn về Đà Nẵng - thành phố trẻ, năng động. Và hơn hết, khi đứng ở bất cứ phương vị nào ở Hải Vân Quan, bạn đều có thể trở thành một phần của bức tranh thủy mặc hay một tuyệt tác của thiên nhiên.

4.jpg

Dưới góc nhìn địa lý, Hải Vân là một phần của dãy núi Bạch Mã - một trong những “chiếc chân nghịch ngợm của sơn hệ Trường Sơn” chìa ra phía biển. Dãy Bạch Mã chính là bức tường thành ngăn cách về khí hậu giữa khu vực bắc với nam Trường Sơn.

Lần tìm sử liệu, từ năm 1306, sau cuộc hôn nhân của Huyền Trân, nàng công chúa nhà Trần với vua Champa Chế Mân (Jaya Simhavarman 3), vùng đất hai châu Ô, Lý trở thành miền biên viễn Phương Nam của Đại Việt dưới tên gọi Thuận Hóa.

6.jpg

Với vị trí hiểm yếu của mình, trên đỉnh Hải Vân đã sớm được xây dựng nơi đồn trú quân sự. Địa điểm này được kế thừa bởi triều đại nhà Hồ, Hậu Lê, đặc biệt là nhà Nguyễn về sau. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông trong một lần Nam chinh đã dừng lại nơi này vãn cảnh, cảm thán trước cảnh sắc hữu tình, cùng vị trí yết hầu trọng yếu, nhà vua đã ngự đề nơi này là Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Đến thời chúa Nguyễn Hoàng, năm 1602, trong một lần xem xét địa thế núi sông, mưu tính xây dựng cơ đồ vững bền cho dòng họ, đến Hải Vân, thấy một dải núi cao giăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển, Chúa khen nơi này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng.

7.jpg

Sau đó ngài vượt qua núi xem xét hình thế, cho dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (nay thuộc huyện Duy Xuyên - Quảng Nam), xây kho tàng, chứa lương thực... và sai công tử thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên trấn giữ.

Sau khi thống nhất non sông một dải từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, vua Gia Long cho xây dựng hệ thống nhà Trạm trên cung đường vượt núi Hải Vân, cắt đặt quan lại Thủ ngự Hải Vân Quan. Sang đến thời vua Minh Mạng, năm Minh Mạng 7 (1826), vào ngày lành tháng tốt, nhà vua cho khởi dựng Hải Vân Quan.

5.jpg

Sách Đại Nam thực lục chép rằng: xây đắp cửa Hải Vân ở đỉnh núi Hải Vân, phía trước phía sau đều đặt một cửa quan. Ngạch trước viết ba chữ Hải Vân quan, ngạch sau viết sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), lại cấp cho thiên lý kính để xem ngoài biển, phàm thuyền nước ngoài vào của biển Đà Nẵng thì phải báo trước cho cửa quan này. Cùng năm 1836, khi đúc Cửu đỉnh, nhà vua đã cho khắc hình tượng Hải Vân Quan vào Dụ đỉnh - chiếc đỉnh thứ 8 đặt trước sân Thế Miếu - Đại Nội Huế.

Tạp chí Heritage


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm