Trước năm 2015, 29 hộ dân thuộc làng chài Sê San (thôn 7, xã Ia Tơi, tỉnh Quảng Ngãi) sống tạm bợ, không hộ khẩu, lênh đênh trên lòng hồ Thủy điện Sê San 4 - nằm giữa hai tỉnh Quảng Ngãi và Gia Lai. Thế nhưng những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp, làng chài Sê San đã đổi thay mạnh mẽ.
Người dân được hỗ trợ cư trú hợp pháp, Sê San trở thành hình mẫu trong công cuộc giảm nghèo bền vững gắn với phát triển kinh tế vùng lòng hồ.
Công dân chính thức của xã Ia Tơi
Trước năm 2015, cuộc sống của người dân ở làng chài Sê San gặp rất nhiều khó khăn do không có hộ khẩu, không được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước, trẻ em không được đến trường, cuộc sống bấp bênh giữa sóng nước. Nhận thấy thực trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum (cũ) chủ trương cho phép chính quyền địa phương công nhận và nhập khẩu 29 hộ dân làng chài, đưa họ vào diện quản lý chính thức. Những hộ dân này được tạm giao 400m² đất ở, hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để xây nhà, đưa trẻ đến trường, hưởng các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em được hỗ trợ học bổng, được tham gia bảo hiểm y tế...
“Sống không hộ khẩu, không giấy tờ... cảm giác luôn bất an! Từ khi được cấp hộ khẩu, có nhà, có đất, con cái được học hành, chúng tôi mừng khôn xiết, yên tâm lao động sản xuất...”, ông Nguyễn Văn Triều, cư dân làng chài chia sẻ.
Không chỉ dừng ở việc ổn định cư trú, chính quyền xã Ia Tơi còn hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững. Các mô hình nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch từng bước thay đổi diện mạo làng chài. Lòng hồ Thủy điện Sê San 4 có diện tích mặt nước rộng, chất lượng nước tốt, là điều kiện lý tưởng để phát triển nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2018, từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chính quyền nơi đây chủ động phối hợp các cơ quan chức năng triển khai 15 mô hình hỗ trợ giống, thức ăn để người dân nuôi cá lồng. Trong số đó, mô hình nuôi cá hô trong lồng bè do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum (cũ) phối hợp Trường đại học Cần Thơ triển khai mang lại hiệu quả cao.
“Mỗi lồng cá hô sau 12-14 tháng có thể cho thu lãi từ 20- 30 triệu đồng, nguồn tiêu thụ ổn định nhờ có doanh nghiệp bao tiêu”, ông Đặng Văn Thuộc, một hộ dân tham gia mô hình, cho biết. Bên cạnh nuôi cá hô, mô hình nuôi cá chình hoa (còn gọi là cá chình bông) cũng thành công nhờ tận dụng hiệu quả mặt nước lòng hồ, lao động nhàn rỗi trong gia đình. Đây là loại cá có giá trị thương phẩm cao, ít bệnh, thích nghi tốt với môi trường.
Phát triển du lịch lòng hồ
Sự thành công bước đầu của hai mô hình nuôi cá lồng không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, giúp giảm nghèo nhanh, đồng thời, cư dân làng chài bắt đầu hình thành chuỗi sản phẩm đặc trưng vùng lòng hồ, phát triển du lịch cộng đồng. Đến đây, du khách được trải nghiệm các hoạt động, như: câu cá, chèo thuyền, xem người dân đánh bắt cá cơm bằng phương pháp truyền thống, thưởng thức các món ăn dân dã được chế biến từ cá... Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP từ cá nước ngọt như cá cơm khô, bánh tráng cá cơm, mắm cá cơm, khô cá lóc... đã trở thành đặc sản được du khách ưa chuộng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Triều là một trong những hộ dân mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình nhà hàng thủy sản, tổ chức các tour trải nghiệm nhỏ, cung cấp dịch vụ ăn uống và nghỉ ngơi cho du khách. “Chúng tôi tập trung làm du lịch gắn với nghề cá truyền thống, tạo điểm nhấn riêng. Du khách thích không gian yên bình trên hồ và các món cá tươi chế biến tại chỗ, nhất là vào mùa khô và dịp lễ”, ông Triều chia sẻ. Với hơn 2.000 lượt khách mỗi năm, làng chài đang nổi lên như một điểm du lịch sinh thái cộng đồng tiềm năng của xã Ia Tơi.
Thời gian tới, xã Ia Tơi định hướng quy hoạch du lịch cộng đồng gắn với các tua du lịch khám phá rừng nguyên sinh, lòng hồ Sê San, kết nối các điểm du lịch sinh thái khác trong vùng. Chính quyền địa phương phối hợp các phòng, ban chuyên môn tập huấn kỹ năng du lịch, hướng dẫn viên, chế biến món ăn; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư cơ sở vật chất. Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước sạch, nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ du lịch... Các ngành chức năng tiếp tục nhân rộng những mô hình nuôi cá có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản; tăng cường quảng bá hình ảnh làng chài như một điểm đến du lịch sinh tháivăn hóa đặc sắc của khu vực Tây Nguyên...
Nguồn: https://baolamdong.vn/cuoc-song-moi-tren-lang-chai-se-san-383591.html
Bình luận (0)