Sáng 24/7 tại Hà Nội, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm “Đưa công nghệ vũ trụ trở thành động lực phát triển mới” với sự tham gia của các khách mời là những chuyên gia quốc tế và trong nước, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong ngành công nghệ vũ trụ.
Tại toạ đàm, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về những cơ hội và thách thức trong phát triển công nghệ vũ trụ tại Việt Nam, đề xuất các cơ chế chính sách, mô hình hợp tác hiệu quả, thông qua đó mong muốn góp phần thúc đẩy hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia có sự tham gia mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ vũ trụ.
'Thời điểm vàng' để phát triển công nghệ vũ trụ
Phát biểu mở đầu tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng biên tập báo Tiền Phong cho rằng, trong thế kỷ XXI, công nghệ vũ trụ không còn là lĩnh vực giới hạn trong các chương trình khám phá không gian của một số ít quốc gia. Thay vào đó, ngành công nghệ này đã trở thành một trụ cột chiến lược của nhiều nền kinh tế hiện đại, với các ứng dụng thiết thực trong đời sống như dự báo thời tiết, phòng chống thiên tai, viễn thông, nông nghiệp thông minh, giám sát môi trường, quy hoạch đô thị, logistics, cũng như trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng.

Tại Việt Nam, mặc dù công nghệ vũ trụ còn ở giai đoạn đầu phát triển nhưng chúng ta đã có những bước đi quan trọng. Ông Sưởng nhấn mạnh, chúng ta đang đứng trước một thời điểm hết sức quan trọng. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, xác định rõ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Trong đó, công nghệ vũ trụ là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển để phục vụ chiến lược an ninh-quốc phòng và phát triển bền vững đất nước.
Chính phủ cũng đang từng bước xây dựng chính sách hỗ trợ hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành vũ trụ cất cánh, hướng tới hình thành nền công nghiệp vũ trụ Việt Nam trong tương lai.
Tại Toạ đàm, Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, công nghệ vũ trụ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Các quốc gia lớn sẽ không đạt được mục tiêu của họ nếu thiếu các thiết bị công nghệ vũ trụ. Nếu chúng ta tự lực được công nghệ làm chủ, phần nào đó làm chủ được không gian vũ trụ thiết yếu thì Việt Nam mới có cơ hội làm chủ công nghệ này và ứng dụng vào phát triển kinh tế-xã hội.

Những năm qua, Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này, bằng chứng là dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ở Hòa Lạc, một dự án lớn nhất về khoa học công nghệ từ trước đến nay. Ngoài ra, tỉnh Bình Định cũng đã xây dựng một Trung tâm Khám phá Khoa học, nơi có nhiều hạng mục liên quan đến công nghệ vũ trụ, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, trong thời gian tới, Việt Nam cần có sự quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong việc đầu tư cho công nghệ vũ trụ. Cần có một hội thảo quốc gia về lĩnh vực này để khởi động lại chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ Việt Nam, vốn đã ban hành từ lâu và cần được cập nhật. Công nghệ vũ trụ không chỉ là một công nghệ chiến lược mà còn phải là một công nghệ hàng đầu, cùng với các lĩnh vực như vi mạch bán dẫn hay năng lượng hạt nhân.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, việc thu hút sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước là rất quan trọng để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 57, đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
"Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải đầu tư sâu hơn, nhiều hơn cho công nghệ vũ trụ, vì nhu cầu an ninh quốc phòng đang đặt ra vấn đề mà các nhà khoa học Việt Nam phải quan tâm. Chúng ta không thể bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền không gian, nếu chúng ta không có những nhà khoa học giỏi về công nghệ vũ trụ," Tiến sĩ Nguyễn Quân cho biết.
Hoàn thiện thể chế, đầu tư đủ lớn để phát triển công nghệ vũ trụ
Tại tọa đàm, ông Lý Hoàng Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định rằng phát triển công nghệ vũ trụ là yêu cầu tất yếu để bảo đảm chủ quyền quốc gia, nâng cao nội lực khoa học công nghệ và khẳng định vị thế Việt Nam trong khu vực. Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy lĩnh vực này, điển hình là Quyết định 1131/QĐ-TTg ngày 12/6/2025 đưa công nghệ hàng không, vũ trụ vào danh sách 11 công nghệ chiến lược được ưu tiên đầu tư phát triển.
Các sản phẩm công nghệ vũ trụ cũng nằm trong danh mục ưu tiên, gồm: vệ tinh viễn thám và viễn thông tầm thấp, trạm mặt đất và hệ thống điều khiển vệ tinh, thiết bị bay không người lái.
Trong số 21 bài toán lớn mà Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, có hai bài toán đang được nhiều tổ chức nghiên cứu quan tâm gồm: nghiên cứu, sản xuất vệ tinh tầm thấp và xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên rừng quốc gia bằng nền tảng số và công nghệ viễn thám.

Ông Tùng cho biết, Việt Nam đã có khả năng thiết kế, chế tạo hệ thống vệ tinh nhỏ, UAV, khinh khí cầu,... Tuy nhiên, việc thương mại hóa các sản phẩm vẫn là thách thức lớn do năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Quân lại nhấn mạnh việc cần hoàn thiện thể chế, kiện toàn Uỷ ban Vũ trụ Việt Nam - cơ quan phối hợp liên ngành để điều phối hiệu quả giữa các bộ, ngành và tổ chức nghiên cứu. Đồng thời, cần xem xét lại chiến lược đầu tư, lựa chọn công nghệ nền phù hợp và tránh dàn trải, tập trung phát triển vệ tinh tầm thấp, vệ tinh nhỏ và các hệ thống mặt đất.
Ông đề xuất thành lập một chương trình quốc gia về công nghệ vũ trụ do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, Ủy ban Vũ trụ Việt Nam điều hành. Chương trình này cần cụ thể hóa các quan điểm trong Nghị quyết 57, 193 và Quyết định 1131, với trọng tâm là xây dựng dự án công nghệ lớn và giao cho một 'tổng công trình sư' người chịu trách nhiệm kỹ thuật cao nhất, có quyền tự chủ và được miễn trừ rủi ro.
Cũng theo ông Quân, Việt Nam không thể trông chờ vào sự chuyển giao công nghệ từ bên ngoài do yếu tố an ninh quốc phòng. Do đó, cần một khoản đầu tư đủ lớn của Nhà nước để phát triển lĩnh vực 'quý tộc' này, chấp nhận đầu tư mạo hiểm, văn hóa thất bại và rủi ro trong khoa học công nghệ.
Ngoài cơ chế tài chính, ông nhấn mạnh đến chính sách đào tạo và thu hút nhân tài, đặc biệt là giới trẻ. Theo ông, Nhà nước nên đặt hàng đào tạo như thời bao cấp, để tạo ra thế hệ nhà khoa học kế cận có năng lực nghiên cứu cơ bản vững vàng.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền - Chuyên gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) bày tỏ sự đồng tình với đề xuất về cơ chế thí điểm và môi trường tự chủ cho các nhà khoa học, cho rằng nếu giải quyết được vấn đề cơ chế, Việt Nam sẽ tiến xa hơn rất nhiều trong lĩnh vực không gian.
Ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thông tin thêm rằng đơn vị này đã xây dựng được một trung tâm khám phá vũ trụ với các nội dung khoa học, công nghệ và thiên văn học. Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm đã đào tạo được đội ngũ kỹ sư trẻ có thể điều khiển vệ tinh - một nền tảng quan trọng để bứt phá.

Ông cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW là cơ sở chính trị lần đầu tiên xác định rõ công nghệ vũ trụ là động lực tăng trưởng kinh tế. Không gian vũ trụ cần được xem là một trong 5 không gian chiến lược của Việt Nam, bên cạnh không gian đất, biển, trời và không gian mạng. Ông đề xuất đưa nội dung này vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần tới để tạo bước tiến dài hạn cho ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Lương Quang - Chuyên gia từ Viện năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế (CEA Paris Saclay của Pháp) cho rằng ngoài đào tạo chính quy, cần có các trường chuyên đề và mô hình vườn ươm khởi nghiệp về công nghệ vũ trụ. Ông đề xuất đồng thời đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp tư nhân, mở dữ liệu và đào tạo thế hệ kế tiếp. Đây là các yếu tố thiết yếu để hình thành một hệ sinh thái vững mạnh./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/da-den-luc-can-dau-tu-sau-hon-cho-nganh-cong-nghe-vu-tru-post1051552.vnp
Bình luận (0)