Tham gia thảo luận về dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, đây là dự thảo còn có rất nhiều ý kiến khác nhau. Nhìn chung dự thảo mới nhất đã có những điều chỉnh đáng ghi nhận dù chưa được như mong muốn của cá nhân đại biểu và cử tri.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại Quốc hội sáng 9/5 - Ảnh: CN
Về áp thuế tiêu thu đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ (ĐHNĐ), dự thảo lần này đã tiếp thu theo hướng quy định ĐHNĐ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB (không thu thuế với ĐHNĐ có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU), đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng nên bỏ quy định áp thuế đối với mặt hàng này.
Theo đại biểu, không đánh thuế với mặt hàng này là phù hợp với xu thế của thế giới, hiện tại không có quốc gia nào thu thuế TTĐB đối với ĐHNĐ. Hiện nay nhiều nước thu thuế đối với môi chất làm lạnh gây suy giảm tầng ozone và hiệu ứng nhà kính như CFC, HFC. Cách thu này của họ rất hợp lý vì điều này khuyến khích nhà sản xuất chuyển sang sử dụng môi chất làm lạnh thân thiện với môi trường vốn có chi phí cao hơn.
Còn Việt Nam thu thuế đối với ĐHNĐ lại không hợp lý vì ĐHNĐ không có hàng hoá thay thế trong khi thuế TTĐB phải là loại thuế định hướng tiêu dùng, tức là hạn chế tiêu dùng mặt hàng này thì phải có sự lựa chọn thay thế mặt hàng khác.
Mặt khác, Việt Nam cũng đã có quy định về quản lý chất gây suy giảm tầng ozone, chúng ta không thu thuế TTĐB với chất này là bởi vì chúng ta đã có hạn ngạch nhập khẩu được thiết kế theo hướng giảm dần theo từng năm, chính vì thế mà giá dung môi lạnh trên thị trường tăng đều đặn hàng năm, ở mức 10-15% mỗi năm, có tác động không khác gì thuế.
Riêng với mặt hàng xăng, đại biểu Hà Sỹ Đồng đồng tình với quan điểm nên đánh thuế đối với xăng, nhưng cần xem xét nên đánh loại thuế nào.
Hiện tại, xăng là mặt hàng duy nhất chịu cả hai loại thuế, TTĐB và bảo vệ môi trường, thậm chí mặt hàng tương tự như xăng là dầu cũng là nhiên liệu chạy xe hiện cũng chỉ phải chịu thuế bảo vệ môi trường, chứ không chịu thuế TTĐB.
Hai loại thuế này giống nhau về bản chất nhưng lại khác nhau về mục đích. Thuế bảo vệ môi trường thì đánh vào hàng hoá mà khi sử dụng gây ô nhiễm hoặc tác động xấu đến môi trường, còn thuế TTĐB thì gồm nhiều mục đích hơn, bao gồm cả hàng hoá không khuyến khích tiêu dùng vì các lý do đạo đức xã hội, lãng phí, xa xỉ, nguy cơ sức khoẻ, nguy cơ tai nạn.
Như vậy là cùng một mục đích đánh thuế là vì đốt xăng tạo ra khí thải gây ô nhiễm môi trường, chúng ta lại tạo ra hai sắc thuế khác nhau, và xăng phải chịu cả hai sắc thuế vì cùng một lý do.
Vì thế, đại biểu đề nghị bỏ thuế TTĐB đối với xăng và chuyển toàn bộ sang thuế bảo vệ môi trường.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại Quốc hội sáng 9/5 - Ảnh: CN
Tham gia ý kiến vào dự thảo luật này, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh nêu quan điểm của mình về việc áp thuế TTĐB đối với các mặt hàng bia và nước giải khát.
Về thuế suất đối với mặt hàng bia, đại biểu đồng tình cao việc Chính phủ giao Bộ Tài chính là cơ quan trực tiếp soạn thảo luật này đã tiếp thu, chỉnh lý trình kỳ họp Quốc hội lần này áp dụng theo phương án 1 với mức thuế hợp lý hơn. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp thu ý kiến của UBTVQH đề nghị áp dụng luật từ ngày 1/1/2027.
Về việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị xem xét chưa áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường khi chưa có đầy đủ các cơ sở khoa học cho rằng nó là nguyên nhân gây nên bệnh béo phì, thừa cân, tiểu đường.... cũng như chưa đánh giá tác động ảnh hưởng toàn diện, đầy đủ của chính sách thuế mới này.
Theo đại biểu, nước giải khát có đường cũng như các sản phẩm có đường khác không phải là nguyên nhân duy nhất có lỗi trong việc làm tăng tỉ lệ người thừa cân, béo phì như thuyết minh của dự án luật, mà nguyên nhân chính của bệnh này là do sử dụng nó quá mức, lạm dụng nó mà sinh ra.
Do vậy, chưa nên đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng này mà cần tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác tuyên truyền, truyền thông để nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi hành vi tiêu dùng mới là biện pháp căn cơ, đúng bản chất và hiệu quả. Cần có thời gian để nghiên cứu thấu đáo chính sách thuế này trước khi quyết định, tránh những hệ lụy ngoài mong muốn.
Cẩm Nhung - Nguyễn Lý
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-quang-tri-thao-luan-ve-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-193535.htm
Bình luận (0)