Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương thống nhất, đánh giá rất cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan. Dự thảo luật cơ bản hoàn thiện, góp phần khắc phục hạn chế, bất cập, tạo hành lang pháp lý, tạo cơ chế ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số.
Liên quan đến việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số (Điều 15), dự thảo luật đã kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 57- NQ/TW, với nhiều cơ chế ưu đãi, như: Ưu đãi vượt trội cho những dự án đặc biệt; khuyến khích nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo công nghệ số; ưu đãi thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số nhằm chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam…
Bên cạnh những cơ chế, chính sách đã đề cập, đại biểu Trần Thị Thanh Hương kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, giao Chính phủ nghiên cứu quy định để có thêm những chính sách ưu đãi vượt trội hơn, như: Đối với cơ sở giáo dục, đào tạo trong hoạt động đào tạo về công nghệ số, đảm bảo tính khả thi và thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, nghiên cứu. Cần có cơ chế phù hợp, tăng cường hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư tốt hơn nữa trong việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo khởi nghiệp trong phát triển và áp dụng công nghệ số.
Dự thảo luật dành riêng mục 8 trong Chương II để quy định những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, thể hiện rõ sự quan tâm đối với tầm quan trọng của vấn đề này. Theo đó, dự thảo đã xác định phát triển công nghiệp công nghệ số phải hướng đến việc tái sử dụng; tái chế, tái sản xuất, bảo đảm tiết kiệm nguồn tài nguyên; phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thân thiện môi trường; tân trang sản phẩm đã qua sử dụng để góp phần giảm thiểu rác thải công nghiệp, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình ô nhiễm môi trường của Việt Nam hiện nay, trước xu thế của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung, hoặc giao Chính phủ bổ sung thêm những chính sách vượt trội hơn. Qua đó, góp phần giảm thiểu một cách tốt nhất, hiệu quả hơn những tác động ô nhiễm môi trường. Song song với những chế tài phù hợp, cần tăng cường khuyến khích đầu tư, cơ chế đặc thù, vượt trội hơn, nhằm kịp thời thu hồi, xử lý sản phẩm công nghệ số sau khi hết thời hạn sử dụng. Có chính sách vượt trội nhằm thúc đẩy, tăng tốc phát triển công nghiệp công nghệ số bền vững; khuyến khích đầu tư hướng đến tiêu chuẩn xanh, tiết kiệm năng lượng theo mô hình kinh tế tuần hoàn…
GIA KHÁNH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/dai-bieu-tran-thi-thanh-huong-dong-gop-du-thao-luat-cong-nghiep-cong-nghe-so-a420475.html
Bình luận (0)