Quang cảnh chương trình giới thiệu cuốn sách “Đại đội 915 - Còn mãi với nước non” (tập 2). |
Tác phẩm đầu tiên viết về Đại đội TNXP 915 và Đội 91 phải kể đến là cuốn truyện dài "Nhật ký cô văn thư" (Nhà Xuất bản Thanh niên năm 2003, tái bản năm 2011) của nhà văn Ngọc Thị Kẹo, một cựu thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Đội 91.
"Nhật ký cô văn thư" được viết một cách công phu, đi sâu vào từng chi tiết, từng nét nội tâm của các chiến sĩ, đặc biệt là chiến sĩ nữ TNXP Đại đội 915 và Đội 91. Truyện dài "Nhật ký cô văn Thư" tuy viết theo lối kể chuyện đơn thuần nhưng khá chân thực, từ chính người trong cuộc nên được sự tiếp nhận của độc giả.
Tiếp theo là tiểu thuyết "Những người mở đường" của Nhà văn Hồ Thủy Giang, xuất bản năm 2016 do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, đã đoạt giải thưởng trong cuộc sáng tác của Hội Nhà văn và Bộ Giao thông - Vận tải. Tiểu thuyết "Những người mở đường" đã tái hiện cuộc sống lao động của các chiến sĩ Đại đội 915 và những cựu TNXP Đại đội 915 trong và sau chiến tranh. Hình ảnh các nhân vật trong tác phẩm hiện lên với vẻ đẹp trong đau thương.
Tiểu thuyết "Những người mở đường" không chỉ hình tượng hóa những con người trong cuộc chiến mà còn ca ngợi tinh thần TNXP bất diệt trong mọi hoàn cảnh, mọi thời gian.
Đặc biệt, vào đầu năm 2018, khi Tỉnh ủy Thái Nguyên chủ trương thực hiện trùng tu, tôn tạo, mở rộng diện tích Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 tại Phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên (di tích được xếp hạng Quốc gia năm 2009), thì các cuốn sách, các tác phẩm văn học đã ra đời với một số lượng lớn cùng chất lượng đáng biểu dương.
Trước hết phải điểm đến cuốn "Đại đội TNXP 915 Khúc tráng ca bất tử" do Tỉnh ủy Thái Nguyên xuất bản năm 2018 đã như sự chỉ dẫn, gợi mở cảm xúc cho các cây bút trong sáng tạo.
Cũng vào năm 2018, một hội thảo khoa học lớn được tập hợp đầy đủ trong kỷ yếu "Đại đội TNXP 915 Anh hùng- chiến công và sự hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc" với nhiều tham luận quan trọng có sức hút với người đọc.
Cùng với việc Nhà tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915 được khai mở, xây dựng, tinh thần tri ân các liệt sĩ TNXP đã trở thành một hiện tượng xã hội thì các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài này dường như đã đủ độ chín. Hàng trăm tác phẩm văn học như tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, hồi ký, ghi chép, kịch bản phim, thơ, trường ca… viết về Đại đội 915 được dịp nở rộ.
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học, THCS 915 Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915. Ảnh: T.L |
Theo chủ trương của Tỉnh ủy, cuối năm 2018, cuốn sách "Đại đội 915 còn mãi với nước non" (Tập 1 - Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên năm 2018) và "Đại đội 915 còn mãi với nước non" (Tập 2 - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2022) do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tập hợp và biên soạn ra mắt độc giả, như một dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc, đặc biệt là các cựu TNXP.
Trong giai đoạn sáng tác này, nhiều tác phẩm nổi trội cả về dung lượng lẫn chất lượng đã ra đời. Nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng trong Cuộc vận động sáng tác về đề tài Đại đội TNXP 915 Anh hùng do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phát động trong năm 2019.
Có thể kể đến trường ca "Ngọc trong núi" của nhà văn Minh Hằng (Giải B), Trường ca "Đời này có một chữ yêu" của Đoàn Hữu Nam, nhà văn của tỉnh Lào Cai (Giải C), Kịch bản phim truyện điện ảnh "Đại đội màu áo nắng" của nhóm tác giả Hồ Thủy Giang, Phan Thái, Đào Nguyên Hải (giải A)…
Ngoài ra, cũng có sự xuất hiện các bài thơ để lại những dấu ấn không thể phai mờ như "Hồn tổ quốc" của tác giả Phạm Xuân Đương, "Hoa nắng tượng đài" của Phan Thái… đã được phổ nhạc.
Điều đáng trân trọng hơn, trong dư vang tinh thần bất diệt của Đại đội 915 Anh hùng, nhiều năm sau đó, các tác giả vẫn tiếp tục hướng về đề tài quan trọng này. Nhiều truyện ngắn, kí vẫn tiếp tục xuất hiện trên báo chí trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, hai cuốn tiểu thuyết "Nắng phía sau mặt trời" (Phan Thái), "Những bông hoa núi" (Hồ Thủy Giang) và tập truyện và kí "Núi thiêng hoa vẫn tím" (Minh Hằng, Phan Thái) đã được các nhà xuất bản ở Trung ương xuất bản, phát hành với số lượng lớn, có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Có thể nói, chưa một thời kỳ văn học nào ở tỉnh Thái Nguyên có được sức sống mãnh liệt và hào hứng như thời kỳ các văn nghệ sĩ hướng ngòi bút về Đại đội 915. Điều này cũng thật dễ hiểu. Chính lòng quả cảm hy sinh của các chiến sĩ trẻ Đại đội 915 đã như một động lực, một niềm tin, một niềm cảm hứng bất tận để các văn nghệ sĩ làm nên những tác phẩm văn chương cho đời sau.
Chúng ta có quyền hy vọng, hôm nay và đến tận mai sau, các tác phẩm viết về Đại đội TNXP 915 anh hùng sẽ mãi mãi cháy sáng trong mỗi trái tim người.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202505/dai-doi-915-moi-con-nguoi-la-mot-bai-ca-10809eb/
Bình luận (0)