Hiện có 3 bộ SGK thuộc 3 nhà xuất bản (NXB Giáo dục Việt Nam, NXB ĐH Sư phạm Hà Nội, NXB ĐH Sư phạm TPHCM) đang được sử dụng để dạy học tại các trường từ lớp 1 đến lớp 12.
Ghi nhận của phóng viên, nhiều ngữ liệu trong sách giáo khoa cần thiết phải chỉnh sửa vì không còn phù hợp với thực tế sáp nhập thành 34 tỉnh thành từ ngày 1/7.
Chẳng hạn SGK lịch sử - địa lý lớp 8 (Kết nối tri thức với cuộc sống), trang 99, phần mở rộng đưa thông tin về động Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình cũ) không còn phù hợp thực tế hiện nay vì sau sáp nhập không còn tên tỉnh Quảng Bình.
Môn lịch sử - địa lý lớp 4, bộ sách Kết nối tri thức (NXB Giáo dục Việt Nam) gồm 6 chủ đề, gần như tất cả các bài học trong 6 chủ đề này đều phải chỉnh sửa hoặc số liệu, hoặc bản đồ, biểu đồ hoặc tên địa giới hành chính.
Hoặc biểu đồ số liệu, diện tích nhiều tỉnh thành sẽ phải thay đổi bởi sau sáp nhập tỉnh thành, số liệu ở bản đồ cũ không còn phù hợp, chẳng hạn TPHCM trên 2.000km2 nhưng sau khi sáp nhập, diện tích của TP này là gần 6.800km2; dân số từ trên 9 triệu người lên trên 14 triệu người.
Các địa danh Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang sẽ phải điều chỉnh theo tên địa giới hành chính mới sau khi sáp nhập.

Sau sáp nhập không còn tên tỉnh Bắc Giang, diện tích tỉnh Phú Thọ thay đổi (Ảnh: Mỹ Hà).
Trả lời phóng viên Dân trí ngày 1/7, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) cho biết, NXBGDVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức bản thảo và các Ban biên tập rà soát, thống kê nội dung về yêu cầu cần đạt, kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế xã hội, liên quan đến thay đổi địa giới hành chính và chính quyền hai cấp, báo cáo Bộ GD&ĐT xin ý kiến chỉ đạo để sửa chữa.
“Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành nội dung chỉnh sửa, cập nhật trong chương trình một số môn học như Bộ GD&ĐT đã thông báo ngày 14/6 vừa qua, NXBGDVN sẽ tiến hành sửa chữa SGK, trình Bộ GD&ĐT thẩm định thông qua theo đúng quy trình”, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho biết.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, nguyên tắc của việc sửa SGK phải bám sát, cập nhật các nội dung về yêu cầu cần đạt, về kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế xã hội…, trên nguyên tắc sao cho hạn chế thấp nhất việc sửa chữa nội dung của SGK.
“Trong thời gian chờ đợi SGK được sửa chữa cập nhật theo địa giới hành chính và chính quyền hai cấp, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, giáo viên và học sinh sẽ tiếp tục sử dụng SGK hiện hành.
Bộ GD&ĐT sẽ có chỉ đạo hướng dẫn cụ thể về việc này, tinh thần là các nhà trường, các thầy cô giáo sẽ chủ động trong việc điều chỉnh ngữ liệu, nội dung bài học, chủ đề dạy học trên cơ sở phù hợp với thực tiễn địa phương và chính quyền hai cấp.
Ở góc độ NXBGDVN, chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ nhà trường và giáo viên sử dụng SGK hiện hành theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT”, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng nói.
Đại diện NXBGDVN cho biết thêm, hiện SGK phục vụ cho năm học 2025-2026 đang được in và nhập kho để cung cấp cho các nhà trường. Dự kiến khoảng tháng 7 này, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu SGK cho học sinh và giáo viên trong năm học mới.

Sau sáp nhập không còn tên tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Mỹ Hà).
Trước đó, tối 14/6, Bộ GD&ĐT cho biết, chương trình học một số môn sẽ được chỉnh sửa, cập nhật yêu cầu cần đạt, kiến thức, địa danh, số liệu, bản đồ, biểu đồ và thông tin kinh tế – xã hội, là căn cứ sửa sách giáo khoa.
Bộ xác định một số môn học chịu tác động trực tiếp từ việc thay đổi địa giới hành chính gồm: lịch sử và địa lý (lớp 4, lớp 5, lớp 9); địa lý (lớp 12); Lịch sử (lớp 10); giáo dục kinh tế và pháp luật (lớp 10).
Chương trình học các môn này sẽ được chỉnh sửa, cập nhật yêu cầu cần đạt, kiến thức, địa danh, số liệu, bản đồ, biểu đồ và thông tin kinh tế – xã hội, là căn cứ sửa sách giáo khoa.
Theo Bộ GD&ĐT, SGK cụ thể hóa nội dung chương trình giáo dục phổ thông và được xác định là học liệu, tài liệu quan trọng để các nhà trường lựa chọn tổ chức dạy học.
Giáo viên, nhà trường được giao quyền chủ động để sắp xếp chủ đề học tập, cập nhật, bổ sung nội dung cho phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện tổ chức dạy học và điều kiện thực tiễn.
“Vì vậy, năm học 2025-2026, giáo viên và nhà trường tiếp tục sử dụng chương trình, sách giáo khoa hiện hành, đồng thời có trách nhiệm chủ động lựa chọn, điều chỉnh ngữ liệu, bài học, chủ đề giảng dạy phù hợp với thực tiễn địa phương và mô hình chính quyền hai cấp”, Bộ GD&ĐT hướng dẫn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/dang-dieu-chinh-chuong-trinh-sua-sgk-sau-sap-nhap-tinh-thanh-17-20250701115919133.htm
Bình luận (0)