Những năm gần đây, khái niệm VUCA gồm: Volatility (biến động), uncertainty (không chắc chắn), complexity (phức tạp) và ambiguity (mơ hồ) được nhiều chuyên gia giáo dục quốc tế sử dụng để mô tả sự biến động khó lường của thị trường lao động trong làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Để thích ứng những yêu cầu mới này, các cơ sở giáo dục đại học dần chuyển dịch sang mở các ngành đào tạo liên ngành, xuyên ngành hoặc chuyên ngành “lai”, thay vì chỉ phát triển ngành học hoàn toàn mới. Với những ngành khoa học cơ bản có nguy cơ thu hẹp nguồn tuyển, nhiều trường đã chủ động lồng ghép vào ngành khoa học ứng dụng, tạo ra mã ngành mới nhằm duy trì tuyển sinh, tăng sức hút với thí sinh và mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.
Các trường thuộc khối kinh tế đẩy mạnh tích hợp công nghệ thông tin vào chương trình đào tạo; ngược lại, nhiều cơ sở đào tạo kỹ thuật, công nghệ thông tin, y sinh lại chú trọng phát triển thêm ngành học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Chẳng hạn, Trường Đại học Y Hà Nội mở thêm ngành Công tác xã hội, Tâm lý học; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh bổ sung các ngành Tâm lý học giáo dục, Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm...
Trong thời gian dài, mô hình giáo dục đại học tại Việt Nam chủ yếu theo định hướng đào tạo ngành hẹp và chuyên sâu. Các chuyên gia giáo dục nhìn nhận, mô hình này mang lại lợi thế về đào tạo chuyên môn.
Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và tự động hóa đã làm thay đổi sâu sắc cấu trúc thị trường lao động. Nhu cầu nhân lực không chỉ lệ thuộc vào các xu hướng kinh tế, mà còn bị chi phối bởi biến động xã hội và công nghệ. Các kỹ năng truyền thống sinh viên được trang bị trước đây không đủ để thích ứng với môi trường việc làm mới.
Nhiều công việc truyền thống đang dần bị thay thế bởi vị trí đòi hỏi kỹ năng số như lập trình, phân tích dữ liệu hay quản lý hệ thống. Thực tế này cho thấy, người lao động tương lai cần sở hữu kiến thức rộng, có khả năng nhận diện vấn đề và giải quyết tình huống linh hoạt hơn là chỉ am hiểu chuyên sâu một lĩnh vực - điều mà trí tuệ nhân tạo (AI) hoàn toàn có thể đảm nhiệm. Lao động thời đại 4.0 cần được đào tạo theo hướng đa ngành, liên lĩnh vực và trang bị kỹ năng tích hợp, thay vì chỉ tập trung vào chuyên môn đơn lẻ.
Đào tạo liên ngành và xuyên ngành mang lại lợi thế bao quát kiến thức, tích hợp các lĩnh vực chuyên môn vào một chương trình đào tạo thống nhất, giúp người học chủ động thích nghi với thị trường lao động biến động. Ưu điểm lớn của mô hình này còn nằm ở việc mở rộng tổ hợp xét tuyển và đa dạng hóa khối ngành lựa chọn cho thí sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, các trường đại học cần xây dựng khung chương trình học có dung lượng kiến thức và tính kết nối giữa các chuyên ngành.
Theo khuyến nghị của ông Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, chương trình đào tạo cần được thiết kế linh hoạt, có học phần bắt buộc nhằm cung cấp nền tảng kiến thức chuyên sâu vững chắc.
Những học phần này tuy khác nhau giữa các ngành nhưng phải tích hợp các môn về công nghệ số và kỹ năng mềm. Đồng thời, sinh viên cần được lựa chọn học phần tự chọn từ những lĩnh vực liên quan để mở rộng kiến thức liên ngành, từ đó có góc nhìn đa chiều và khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn.
Người học cũng được khuyến khích tham gia các học phần về quản trị kinh doanh, kỹ thuật, khoa học dữ liệu hay truyền thông để sẵn sàng làm việc trong môi trường tích hợp và linh hoạt hơn.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-lien-nganh-xuyen-nganh-moi-va-khac-post738833.html
Bình luận (0)