Trong bối cảnh đó, giáo dục và đào tạo cần được tái định hình, thay đổi tư duy để đáp ứng yêu cầu của thời đại. Việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài sẽ hướng tới từng cá nhân, phát huy tư duy phản biện, khả năng sáng tạo và trang bị kỹ năng toàn cầu, nhằm thích ứng hiệu quả với một thế giới đầy biến động và khó lường.
Hai kỷ nguyên vẻ vang của dân tộc
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, từ năm 1930 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã trải qua hai kỷ nguyên vẻ vang. Kỷ nguyên thứ nhất là Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975), khởi đầu từ năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dẫn đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những chiến công vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược (1946 - 1975) cùng những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm 1954 - 1975.
Kỷ nguyên thứ hai là Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển (1975 - 2025), mở đầu bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội năm 1975, tạo tiền đề vững chắc để đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến hành công cuộc đổi mới bắt đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, tạo bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực.
Đến nay, Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà thời điểm mở đầu là Đại hội lần thứ XIV của Đảng, ghi dấu ấn 40 năm đổi mới (1986 - 2026). Kỷ nguyên vươn mình có hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin, tự chủ, tự cường, tự hào dân tộc để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng vươn tới một đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc song hành với kỷ nguyên số, đổi mới và sáng tạo mà tiếng nói chung của nhân loại là “không có gì là không thể”. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các công nghệ mới đang và sẽ làm đảo lộn phương cách suy nghĩ, sản xuất, sinh hoạt của các quốc gia, cộng đồng và của mỗi con người.
Thực tiễn và yêu cầu phát triển với tốc độ cao, bền vững của đất nước đòi hỏi chúng ta đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, tạo nhiều đột phá, đặc biệt về thể chế, khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, thu hút và phát huy nhân tài. Đứng trước vận hội này, giáo dục và đào tạo không thể đi sau thực tiễn, mà phải tiên phong dẫn đường, đi trước một bước, tạo đột phá để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, với trọng tâm theo hai hướng sau.

Phát triển toàn diện người học theo mỗi cá nhân
Đất nước bước vào Kỷ nguyên mới, đòi hỏi sự xuất hiện của những con người tài năng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mỗi con người đều là một cá thể riêng biệt, có khả năng và năng khiếu đặc trưng. Tuy nhiên, tài năng và năng khiếu của con người cũng giống như tài nguyên thiên nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận thấy. Chúng không nằm ngay trên mặt đất mà tiềm ẩn sâu trong lòng đất, lòng biển, đòi hỏi sự đầu tư về công sức, trí tuệ và công nghệ mới có thể khai phá được.
Vì vậy, để phát hiện ra những tiềm năng ẩn sâu bên trong mỗi con người, học sinh và sinh viên cần có sự tác động từ nhiều phương pháp, giải pháp đa chiều và đa hướng. Nhà trường và giáo viên cần tìm ra những cách thức phù hợp để nhận diện sự khác biệt ở học sinh, từ đó đáp ứng và phát huy tối đa khả năng và năng khiếu của mỗi em.
Trong giáo dục phổ thông, nền tảng toàn diện là giúp mỗi học sinh phát triển 5 phẩm chất cốt lõi: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Đồng thời, học sinh cần phát triển 10 năng lực, bao gồm 3 năng lực chung: Tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; và 7 năng lực đặc thù: Toán học, khoa học, ngôn ngữ, tin học, công nghệ, thể chất và thẩm mỹ. Điều này đặc biệt chú trọng đến tư duy phản biện, sáng tạo, khả năng chấp nhận thay đổi và học hỏi từ trí tuệ nhân tạo (AI).
Bên cạnh đó, cần tổ chức để học sinh tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, tham dự các sân chơi trí tuệ như các kỳ thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học, hoạt động nghệ thuật, thể dục thể thao, hùng biện tiếng Anh, và các cuộc thi như Đường lên đỉnh Olympia… Những hoạt động này giúp phát hiện ra khả năng và năng lực đặc biệt của học sinh. Đặc biệt, cần ngăn chặn, giảm dần và tiến tới chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, vì điều này ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đặc biệt là năng lực tự học, tự nghiên cứu và tự phát triển của học sinh.
Trong những năm gần đây, các trường tiểu học và trung học trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động, câu lạc bộ, nghiên cứu khoa học, cùng các sân chơi trí tuệ khác nhau nhằm phát hiện tài năng. Nhiều học sinh không chuyên, đặc biệt là ở các vùng khó khăn, vẫn đoạt giải cao tại các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, việc đào tạo ở các trường chuyên không chỉ tập trung vào việc nâng cao kiến thức và kỹ năng các môn chuyên, mà còn hướng đến sự phát triển toàn diện, chú trọng đến năng lực cá nhân trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Các hoạt động này bao gồm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, thi Đường lên đỉnh Olympia, hùng biện tiếng Anh, thực hiện các dự án thực tế, và tạo cơ hội thử thách sớm hơn cho học sinh. Nhờ vậy, học sinh Việt Nam không chỉ giành giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học, mà còn có được thành tích xuất sắc ở các cấp lớp dưới. Không chỉ học sinh lớp 12, mà cả học sinh lớp 10 và lớp 11 cũng đã xuất sắc giành giải.
Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, kiến thức hàn lâm không còn đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại. Các chương trình đào tạo cần chú trọng trang bị cho người học các kỹ năng của thế kỷ 21, như tư duy phản biện, sáng tạo, làm việc nhóm, khả năng thích ứng với sự thay đổi, tự học, tự nghiên cứu, tự tiến bộ và học tập suốt đời.
Để làm được điều này, sinh viên không chỉ học trên giảng đường mà còn cần học tập ở nhiều môi trường khác nhau, như thư viện, phòng thí nghiệm, trong thực tế, qua các kỳ thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp. Sinh viên cũng cần tham gia vào các cuộc thi quốc gia và quốc tế, cũng như được ươm mầm khởi nghiệp. Chính qua những trải nghiệm này, tài năng của người học mới có thể được phát hiện và phát huy tối đa.

Chú trọng đến thực dụng hóa giáo dục
Thực dụng hóa giáo dục không phải là đào tạo con người theo chủ nghĩa thực dụng hẹp hòi, mà đặc trưng này được thể hiện qua ba khía cạnh sau.
Thứ nhất, kiến thức, kỹ năng, năng lực và phẩm chất cần thực sự hữu ích đối với người học; tri thức học tập phải gắn liền với thực tiễn, giảm tối đa tính lý thuyết và xa rời thực tế. Chương trình GDPT 2018 đã đi theo hướng thực dụng này, giảm bớt kiến thức lý thuyết và tăng cường thực hành, trải nghiệm.
Mục tiêu của chương trình là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức và kỹ năng đã học vào đời sống, tự học suốt đời, có định hướng nghề nghiệp phù hợp, xây dựng và phát triển các mối quan hệ xã hội hài hòa, đồng thời phát triển cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.
Thứ hai, chương trình giáo dục cần gắn liền với kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, cũng như những vấn đề đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Thông qua các hoạt động thực tiễn hàng ngày, nghiên cứu khoa học và giải quyết vấn đề, học sinh trung học sẽ nghiên cứu và giải quyết những chủ đề thiết thực, liên quan đến cuộc sống ở địa phương, trong nước và trên thế giới, như biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, robot, và kết nối con người với công nghệ.
Thứ ba, giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu nhân lực của địa phương và quốc gia. Trong kỷ nguyên mới, nhân lực Việt Nam cần được đào tạo với trình độ cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ số, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, hạt nhân, cùng với các ngành khoa học xã hội và nhân văn gắn với công nghệ số.
Vì vậy, một mặt cần khuyến khích học sinh học và thi các môn khoa học tự nhiên như Toán, Công nghệ, để đảm bảo sự hài hòa nguồn nhân lực, tránh tình trạng học sinh chọn các môn khoa học xã hội vì dễ học và thi. TPHCM là địa phương đi đầu trong việc gắn kết giáo dục và đào tạo với nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương. Tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp môn khoa học tự nhiên để dự thi luôn cao hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước. Cụ thể, năm 2024, tỷ lệ này ở TPHCM là 60,85%, trong khi trung bình cả nước chỉ đạt 37%.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc song hành cùng kỷ nguyên số, đổi mới và sáng tạo. Vì vậy, các cơ sở giáo dục nói chung cần triển khai mạnh mẽ giáo dục thông minh (GDTM) với bốn vấn đề cốt lõi.
Thứ nhất, mục tiêu của GDTM là đào tạo lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Thứ hai, người học là trung tâm, được cung cấp dịch vụ học tập hiện đại, phù hợp với từng cá nhân. Thứ ba, tính chất thông minh bao gồm sự linh hoạt, thích ứng, hiện đại, phát triển liên tục và ứng dụng AI trong giảng dạy, học tập và quản lý. Thứ tư, công nghệ thông minh, bao gồm phần cứng, phần mềm và dữ liệu, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì môi trường GDTM. Giáo dục sử dụng dữ liệu lớn của quốc gia và nhân loại để học tập, đồng thời cũng là nơi tạo ra nguồn dữ liệu mới, đóng góp cho dữ liệu lớn của quốc gia và nhân loại.
Giáo dục thông minh và giáo dục số là chìa khóa để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó tạo ra sự đột phá trong khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Sự đột phá này sẽ tác động trở lại với giáo dục và đào tạo. Đây là hai lĩnh vực mà Đảng và Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu để đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển cao, giàu mạnh và hạnh phúc của dân tộc.
Ngày 8/4, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình thăm và làm việc tại Trường Đại học Việt Đức (Bình Dương, nay thuộc TPHCM). Tại đây, Phó Thủ tướng cho biết, bước vào kỷ nguyên mới, thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển, bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, chúng ta cần phải quan tâm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, gồm: Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo…
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-nhan-luc-cho-ky-nguyen-moi-phat-trien-toan-dien-theo-ca-nhan-va-thuc-dung-hoa-gd-post741555.html
Bình luận (0)