Khuyến khích sinh viên học
Tại hội thảo phát triển nhân lực ngành bán dẫn thông qua liên kết giáo dục và doanh nghiệp, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ FPT cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong cuộc cách mạng bán dẫn toàn cầu, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt quy mô 1.000 tỉ USD vào năm 2030, Việt Nam cần đào tạo 50.000 - 100.000 kĩ sư để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Chia sẻ tầm nhìn trong xây dựng hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh, từ thiết kế đến Nghiên cứu và Phát triển (R&D), ông Vũ Anh Tú cho biết, FPT đang đẩy mạnh đào tạo thông qua sự hợp tác với hơn 20 đại học toàn cầu; mới đây khai trương trung tâm R&D tại Đà Nẵng, hướng đến trở thành “Silicon Bay” của khu vực.
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong phòng nghiên cứu. Ảnh: Anh Thư |
Theo ông Vũ Anh Tú, để Việt Nam làm chủ công nghệ, điều kiện tiên quyết là làm chủ được ngành bán dẫn. Ông khẳng định, đào tạo gắn với thực tế doanh nghiệp là cách tốt nhất để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thị trường lao động.
Ông Đỗ Đức Dũng, Giám đốc bộ phận Giải pháp Phần mềm Samsung Vietnam cho biết, từ những ngày đầu, Samsung R&D Center đã xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Trung tâm luôn đồng hành với các trường đại học hàng đầu của Việt Nam thông qua các hoạt động như cấp học bổng, tài trợ nghiên cứu và tuyển dụng. Những hoạt động này không chỉ đóng góp vào sự phát triển của nhà trường mà còn giúp sinh viên chuẩn bị sẵn sàng cho những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Thời điểm vàng để bứt phá
Theo Quyết định phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên. Còn số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia cho thấy, đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 5.500 kĩ sư thiết kế chip. Nhu cầu nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 -10.000 kĩ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.
Thống kê của Bộ GD&ĐT hiện có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là điểm nghẽn lớn của việc thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam. Bên cạnh định hướng rõ nét, nguồn lực hỗ trợ tương xứng và công cụ điều phối hiệu quả của Nhà nước, cần sự chủ động vào cuộc của các cơ sở giáo dục đại học, kết hợp cùng các tập đoàn, doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước.
“Chúng ta không thể mãi đi sau. Đây là thời điểm vàng để bứt tốc và nếu không tận dụng, cơ hội sẽ trôi qua như nhiều lần trước...”. Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC)
Theo ông Sơn, cần có giải pháp để thu hút sinh viên đang học các ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa học sinh phổ thông đăng kí vào học những ngành, chuyên ngành này. Đồng thời, xây dựng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp sử dụng nhân lực thuộc lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
TS Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam đang là quốc gia có tiềm năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất chip toàn cầu. Đây là cơ hội giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chuyển giao và hợp tác chiến lược với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Amkor, Samsung, Nvidia...
Theo ông Thịnh, để hiện thực hóa tiềm năng này, Việt Nam cần xây dựng hướng đi riêng. Điều đó đòi hỏi từ chính sách Nhà nước đến chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực cần có sự đầu tư bài bản, đồng bộ và dài hạn. “Chúng ta nên thúc đẩy đào tạo trong nước, sau đó cử sinh viên đi học ở các quốc gia công nghệ phát triển, tích lũy kinh nghiệm thực chiến, rồi quay về để phát triển đất nước”, ông Thịnh nêu quan điểm.
Ông khẳng định, Việt Nam không thể đi một mình trong hành trình phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn. Vì vậy, việc kết nối với các quốc gia đã phát triển ngành bán dẫn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan (Trung Quốc)… là cần thiết để học hỏi, chuyển giao công nghệ, tiếp cận nguồn lực tài chính và hạ tầng. Đồng thời, tham gia sâu vào ngành bán dẫn không chỉ là cơ hội về công nghệ, mà còn tạo đòn bẩy cho xuất khẩu, tăng trưởng GDP và thu hút vốn FDI chất lượng cao.
Ông cho hay, trong ngành chip bán dẫn, Việt Nam đang tập trung phát triển nhân lực vì chưa có nhà máy sản xuất. Chính phủ rất ủng hộ việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành này với nhiều giải pháp như hỗ trợ đầu tư 18 phòng thí nghiệm trọng điểm; kết nối các nền kinh tế lớn về sản xuất chíp; hỗ trợ đầu tư các thiết bị, công nghệ đắt đỏ mà các trường đại học không đủ khả năng mua…
Nghiêm Huê
Nguồn: https://tienphong.vn/dao-tao-nhan-luc-nganh-ban-dan-khong-the-mai-di-sau-post1735475.tpo
Bình luận (0)