Nhiều người sống với tình trạng lượng đường trong máu cao trong nhiều năm mà không nhận ra vì các triệu chứng ban đầu thường nhẹ, không rõ ràng, theo trang sức khỏe Verywell Health.
Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt, tăng đường huyết có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến mắt, tim, thận, thần kinh và cả bàn chân.
Bà Barbie Cervoni, chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại Mỹ, đã chỉ ra những dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu tăng cao.
Nhiều người sống với tình trạng lượng đường trong máu cao trong nhiều năm mà không nhận ra vì các triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng
Ảnh: AI
Khát nước và đi tiểu nhiều
Khi lượng đường trong máu quá cao, thận sẽ cố gắng lọc và đào thải phần dư thừa này qua nước tiểu. Quá trình này rút nước từ các mô trong cơ thể, dẫn đến mất nước. Khi đó, dù đã uống nhiều nước, miệng vẫn khô, cổ vẫn khát.
Cùng lúc, người bệnh thường xuyên phải đi tiểu, đặc biệt vào ban đêm. Đây là 2 dấu hiệu sớm và rõ ràng nhất khi đường huyết tăng.
Đói và mệt mỏi
Khi cơ thể không sử dụng được đường trong máu để chuyển hóa thành năng lượng, tế bào bị đói năng lượng.
Người bệnh sẽ thấy đói bất thường, ăn nhiều hơn nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, đặc biệt sau khi ăn nhiều tinh bột.
Mờ mắt
Đường huyết tăng khiến cơ thể rút nước từ thủy tinh thể trong mắt, gây rối loạn khả năng điều tiết. Tình trạng này khiến người bệnh cảm thấy mắt nhìn mờ, khó tập trung.
Dễ nhiễm trùng
Đường huyết cao ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, nấm và các tác nhân gây bệnh khác.
Môi trường đường cao trong cơ thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển. Đồng thời, vết thương trên da lâu lành, da khô, ngứa cũng là những biểu hiện dễ nhận thấy.
Da đổi màu và xuất hiện mảng sẫm
Một biểu hiện điển hình của tình trạng kháng insulin là sự xuất hiện của các mảng da sẫm màu, dày, mềm như nhung, thường gặp ở vùng cổ, nách hoặc bẹn.
Thay đổi cảm xúc
Đường huyết cao có thể làm thay đổi cảm xúc. Người bệnh có thể trở nên dễ cáu gắt, buồn bã hơn, đặc biệt sau bữa ăn.
Đường huyết cao có thể làm thay đổi cảm xúc
Ảnh minh họa: AI
Đau bụng
Tăng đường huyết kéo dài có thể gây tổn thương hệ thần kinh điều khiển dạ dày, khiến quá trình tiêu hóa bị chậm lại. Người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn, chướng bụng, đau nhẹ vùng thượng vị.
Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể là nhiễm toan ceton. Đây là một biến chứng nguy hiểm, cần được cấp cứu ngay.
Sụt cân không rõ nguyên nhân
Trẻ em mắc tiểu đường loại 1 thường có biểu hiện uống nhiều nước, đi tiểu nhiều, ăn nhiều nhưng lại sụt cân nhanh chóng.
Tê tay chân
Đường huyết cao kéo dài sẽ làm tổn thương các dây thần kinh ở ngoại vi, đặc biệt ở tay, chân. Người bệnh sẽ cảm thấy tê bì, châm chích, đau hoặc mất cảm giác. Đây là biến chứng phổ biến ở người có đường huyết không được kiểm soát tốt trong thời gian dài.
Tăng đường huyết mạn tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương mắt (võng mạc), thận (suy thận), thần kinh (mất cảm giác ở tay, chân, rối loạn tiêu hóa), bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dau-hieu-cho-thay-luong-duong-trong-mau-cao-185250717220051075.htm
Bình luận (0)