Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Pan đã ký kết biên bản hợp tác tại hội thảo - Ảnh: C. TUỆ
Ngày 9-5, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn Pan tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu.
Phải hướng tới công nghệ chỉnh sửa gene
GS.VS Trần Đình Long - chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam - cho biết ngành giống cây trồng đặt mục tiêu đến năm 2035 lưu giữ và khai thác hiệu quả 20.000 - 25.000 nguồn gene.
Đồng thời tập trung nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu với sâu và bệnh hại, đáp ứng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường.
Đối với giống lúa, tập trung vào nghiên cứu, chọn tạo giống lúa năng suất, thương phẩm, giống lúa chịu hạn, mặn, chống chịu sâu bệnh hại, giống lúa dược liệu, phòng chống ung thư.
"Về giống hoa, chúng ta phải đầu tư nghiên cứu, chọn tạo giống nhiều hơn nữa để phát triển. Hà Lan chỉ mỗi giống hoa tulip thôi mà họ phát triển thành công nghiệp về hoa, còn Việt Nam giống hoa rất phong phú nhưng chúng ta chưa phát triển" - ông Long nói.
Theo ông Long, để chọn tạo giống chất lượng cao, ngoài việc làm chủ công nghệ tế bào thực vật và công nghệ ưu thế lai, lai xa thì cần phải hướng tới công nghệ cao như chỉnh sửa gene.
"Có những giống cây ăn quả mấy chục năm mới chọn tạo được, nếu sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene, chúng ta sẽ rút ngắn được thời gian chọn tạo giống rất nhiều" - ông Long nói và kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét đưa vào Luật Trồng trọt cho phép sử dụng công nghệ này để thúc đẩy công nghiệp sản xuất giống.
Giống lúa được trưng bày bên lề hội thảo - Ảnh: C. TUỆ
Giống cây trồng là điểm khởi đầu của mọi chuỗi giá trị
Bà Nguyễn Thị Trà My - tổng giám đốc Tập đoàn Pan - cho rằng chọn tạo giống cây trồng là nền tảng của nông nghiệp, đây chính là điểm khởi đầu của mọi chuỗi giá trị.
"Việc kết nối và chia sẻ tri thức giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong các lĩnh vực như quản lý, khai thác nguồn gene, phát triển công nghệ chọn tạo giống mới trong nghiên cứu và chọn tạo giống cây trồng. Từ đó giải quyết những thách thức đang gặp phải trong lĩnh vực chọn tạo giống" - bà My nói.
Theo ông Nguyễn Đình Trung - phó tổng giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, doanh nghiệp có nhiều lợi thế về tài chính, cơ sở vật chất hiện đại, khả năng định hướng nghiên cứu linh hoạt theo nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít thách thức như thiếu nguồn gene quý, hạn chế nhân lực có trình độ chuyên sâu, thời gian nghiên cứu dài, chi phí cao.
"Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất Nhà nước cần xây dựng hệ thống chính sách như hỗ trợ đào tạo nhân lực, thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP), đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ và nguồn gene tiên tiến để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ giống cây trồng.
Những chính sách này không chỉ giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu giống mới mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam" - ông Trung nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dau-tu-cong-nghe-chon-tao-giong-de-nganh-hoa-viet-nam-phat-trien-nhu-ha-lan-20250509184756135.htm
Bình luận (0)