Các đơn vị, địa phương tham gia tập huấn về chuyển đổi số. Ảnh: THỦY TIÊN |
Tại Phú Yên, cả hai yếu tố này đều đang bị thiếu và yếu, dẫn tới quá trình chuyển đổi số diễn ra chậm và chưa hiệu quả, đòi hỏi phải được quan tâm, đầu tư mạnh hơn nữa.
Thiếu và yếu
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chuyển đổi số (CĐS) nhưng công tác này tại huyện Sông Hinh vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Trong các trụ cột thực hiện nhiệm vụ CĐS, Sông Hinh gặp khó khăn lớn nhất về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ, đặc biệt là ở cấp xã. Những năm gần đây, mặc dù huyện được đầu tư hệ thống họp trực tuyến kết nối thông suốt với các xã; mua sắm thêm máy tính và các thiết bị phục vụ CĐS... nhưng vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu cho công tác CĐS. Cùng với đó, thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn về CNTT phục vụ công tác CĐS cũng là khó khăn lớn hiện nay của địa phương.
Ông Nguyễn Như Đông, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin, Phó Trưởng ban Chỉ đạo CĐS huyện Sông Hinh cho hay: Hiện nay, toàn huyện chưa có cán bộ chuyên trách CĐS, tất cả đều là kiêm nhiệm. Ở cấp xã, công chức phụ trách văn hóa thông tin sẽ kiêm nhiệm các nhiệm vụ mới phục vụ CĐS. Trong khi đó, hầu hết cán bộ ở lĩnh vực này khi tuyển dụng có chuyên môn ở lĩnh vực văn hóa xã hội, nên kiến thức, kỹ năng CNTT còn hạn chế...
Hiện nay, thiếu nguồn nhân lực được đào tạo về CNTT phục vụ công tác CĐS là khó khăn chung của toàn tỉnh. Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác CĐS nói chung và an toàn an ninh mạng nói riêng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt ở cấp cơ sở. Đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác CĐS nói chung và an toàn an ninh mạng nói riêng của các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo thống kê trong toàn tỉnh, ở các địa phương chỉ có hơn 30 cán bộ có trình độ, chuyên môn về CNTT, với con số còn rất hạn chế này thì chúng ta chưa thể nói đến việc nâng cao hiệu quả công tác CĐS ở cấp huyện được.
Tiếp tục quan tâm đầu tư
Để đáp ứng yêu cầu về CĐS, tỉnh đã đầu tư nhiều nguồn lực cho việc nâng cấp hạ tầng CNTT. Hiện tỉnh đã thiết lập hệ thống CNTT đồng bộ, thống nhất sử dụng chung; hình thành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu tỉnh kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của trung ương; đã có một số ứng dụng CNTT kết nối đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở như Hệ thống quản lý văn bản và điều hành liên thông qua Trục liên thông văn bản điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử được xây dựng tập trung, thống nhất liên thông từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia... Ngoài ra, tỉnh còn có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến cấp huyện và kết nối trung ương, tích hợp phần mềm MS Teams đến cấp xã và hỗ trợ trực tuyến mở rộng đến cá nhân, tổ chức; hệ thống phòng họp không giấy đã triển khai tại HĐND tỉnh, UBND tỉnh; hệ thống IOC TP Tuy Hòa, hệ thống camera giám sát trên địa bàn đã đi vào hoạt động và hỗ trợ cho công tác quản lý, điều hành đô thị…
Qua đánh giá, rà soát thì hạ tầng CNTT để phục vụ CĐS của Phú Yên hiện nay còn rất yếu so với các tỉnh khác. Vì vậy, tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc này, đáp ứng yêu cầu để chúng ta vận hành, triển khai CĐS hiệu quả hơn trong thời gian tới. Tỉnh cũng sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác công tư trong phát triển CĐS…
Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo CĐS tỉnh
Theo Sở KH&CN, trong giai đoạn tới, tỉnh đã nâng mức đầu tư cho lĩnh vực thông tin và truyền thông trong tổng chi ngân sách của địa phương với mục tiêu đảm bảo kết nối internet tốc độ cao và ổn định trên toàn địa bàn, kể cả ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; xây dựng hệ thống truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước và hạ tầng mạng chuyên biệt cho các dịch vụ công; chuyển từ mô hình hạ tầng công nghệ cũ sang sử dụng các dịch vụ ảo hóa trên nền tảng điện toán đám mây, giúp giảm chi phí đầu tư hạ tầng vật lý và tăng khả năng mở rộng, linh hoạt; sử dụng IoT trong các lĩnh vực quản lý đô thị, môi trường, y tế, giáo dục, giao thông...
Đồng thời, tỉnh cũng tập trung cho công tác bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ CĐS với việc triển khai Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về CĐS. Hằng năm, tỉnh còn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về CNTT và chính quyền điện tử cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách và cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, đảm bảo đáp ứng nhu cầu và sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin.
Nguồn: https://baophuyen.vn/kinh-te/202505/dau-tu-nhan-luc-ha-tang-cong-nghe-de-thuc-day-chuyen-doi-so-185368f/
Bình luận (0)