Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, phát thải thấp: 'Cuộc cách mạng' trên đồng ruộng: Hình thành những cánh đồng kiểu mới (Bài 2)

Trong bối cảnh ngành Nông nghiệp đối diện với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản, tỉnh Long An là một trong những địa phương tiên phong trong thực hiện “cuộc cách mạng” trên đồng ruộng. Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 không chỉ là một chương trình canh tác mà còn thay đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất lúa gạo từ cách làm truyền thống sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại.

Báo Long AnBáo Long An28/05/2025

Bài 2: Hình thành những cánh đồng kiểu mới

Sau hơn 1 năm triển khai Đề án (ĐA) Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, những cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh dần khoác lên mình “chiếc áo” mới hiện đại, đồng bộ và xanh bền vững. Không chỉ là sự thay đổi trong cách canh tác, ĐA còn mang lại sự chuyển mình toàn diện về diện mạo, hạ tầng và môi trường sinh thái ở các vùng sản xuất lúa trọng điểm.

Cảm biến đo mực nước tự động được lắp đặt tại cánh đồng thực hiện Đề án

Cánh đồng xanh hơn, sạch hơn

Trên nhiều thửa ruộng giờ không còn cảnh phun xịt thuốc tràn lan hay bón phân theo cảm tính. Nhờ áp dụng quy trình canh tác thông minh như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, lượng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể, từ đó giúp bảo vệ đất, nước và không khí.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Phát (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng) - Võ Văn Cọp cho biết: “Vụ Hè Thu 2025, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp huyện chọn HTX làm điểm triển khai ĐA với diện tích 25ha, có 7 thành viên tham gia. Hiện nay, trà lúa được 40 ngày tuổi, phát triển tốt, chỉ xuất hiện bệnh đạo ôn nhưng tỷ lệ thấp. Đến thời điểm này, tất cả diện tích tham gia ĐA giảm được 3 lần phun xịt thuốc và giảm 50kg phân bón/ha so với ngoài mô hình. Nông dân tham gia ĐA rất phấn khởi vì hứa hẹn một vụ mùa bội thu”.

Trước đây, nông dân mạnh ai nấy làm, không phối hợp chặt chẽ. Còn khi tham gia ĐA, nông dân cùng nhau bàn bạc ngày bơm rút nước ra vào để đồng loạt áp dụng mô hình tưới ngập - khô xen kẽ. Qua đó, tiết kiệm 20-30% lượng nước tưới, hạn chế phát thải khí mê-tan - một loại khí nhà kính có sức nóng gấp hàng chục lần CO₂. Đồng ruộng trở nên “sạch” hơn, vi sinh vật trong đất phục hồi, các loài côn trùng có lợi cũng dần quay trở lại.

Ông Nguyễn Văn Anh - thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Phát, chia sẻ: “Bơm nước đồng loạt giúp tiết kiệm chi phí, giảm công lao động. Nước không rò rỉ ra các ruộng khác, ốc bươu vàng được kiểm soát. Gieo sạ đồng loạt cũng hạn chế chuột cắn phá lúa”.

Máy móc, thiết bị hiện đại hiện diện khắp cánh đồng. Cảnh nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thưa dần bởi đồng ruộng được cơ giới hóa gần như hoàn toàn các khâu canh tác. Máy cấy, máy sạ hàng, máy bay không người lái phun thuốc, máy gặt đập liên hợp,... ngày càng trở nên phổ biến. Sử dụng các thiết bị thông minh không chỉ giúp giảm công lao động mà còn tăng năng suất, bảo đảm sự đồng đều về chất lượng lúa. Đáng chú ý, nhiều vùng còn thí điểm sử dụng cảm biến, trạm đo thời tiết, phần mềm quản lý sản xuất để tối ưu hóa quy trình canh tác.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Phước Vẹn thông tin: “Hiện nay, toàn huyện triển khai 9 mô hình với tổng diện tích hơn 100ha tại 9 xã tham gia ĐA Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Những diện tích tham gia ĐA đều được cơ giới hóa 100%. Đặc biệt, nông dân còn ghi nhật ký đồng ruộng, chủ động tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật,đi học tập kinh nghiệm các mô hình của ĐA. Điều này cho thấy ĐA đang mang lại hiệu ứng tích cực, tạo sức lan tỏa lớn cho cộng đồng. Huyện phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 2.640ha lúa tham gia ĐA”.

Hình thành hệ sinh thái sản xuất xanh

Một trong những đổi thay đáng chú ý là tận dụng phế phụ phẩm sau thu hoạch. Rơm rạ không còn đốt bỏ mà được thu gom để ủ phân bón hữu cơ, trồng nấm hoặc bán cho doanh nghiệp sản xuất năng lượng sinh khối, góp phần giảm ô nhiễm không khí và tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Trước đây, rơm rạ sau thu hoạch thường bị đốt bỏ, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm không khí. Khi tham gia ĐA, nông dân dần thay đổi nhận thức. Trong vụ Đông Xuân vừa qua, nông dân trong huyện thu gom gần 60% lượng rơm sau thu hoạch. Thời gian tới, huyện phối hợp các HTX nhân rộng mô hình thu gom, xử lý phụ phẩm, hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn, phát thải thấp”.

Các mô hình sản xuất cũng dần gắn với chuỗi giá trị: Lúa được truy xuất nguồn gốc từ khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch đến chế biến, tiêu thụ. Nhờ đó, cánh đồng không chỉ là nơi gieo trồng mà còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MTK Hữu Thành - Trương Thành Trung cho biết: “Tại Long An, Cty hỗ trợ máy sạ hàng hiệu ứng đường biên kết hợp bón vùi phân cho 8 mô hình điểm của tỉnh. Trong thời gian này, công ty sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, cam kết cung cấp giải pháp dinh dưỡng tối ưu, phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng từng vùng và bảo đảm sự phát triển ổn định của cây trồng”.

Từ trên cao nhìn xuống, những cánh đồng lúa trong vùng ĐA như một tấm thảm xanh đồng đều, có trật tự và sức sống. Đó không chỉ là sự thay đổi về cảnh quan mà là kết quả của một quá trình chuyển hóa từ nhận thức, cách làm đến tổ chức sản xuất. ĐA “1 triệu hécta” đang biến những cánh đồng truyền thống thành “cánh đồng kiểu mới” - nơi hội tụ công nghệ, quản lý hiện đại và sinh thái nông nghiệp bền vững. Đây chính là nền tảng để ngành lúa gạo Việt Nam vươn mình mạnh mẽ hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu./.

  Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, phát thải thấp: 'Cuộc cách mạng' trên đồng ruộng: Cánh đồng cũ, tư duy mới (Bài 1)

Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, phát thải thấp: 'Cuộc cách mạng' trên đồng ruộng: Cánh đồng cũ, tư duy mới (Bài 1) 

Ngành Nông nghiệp đối diện với những thách thức từ biến đổi khí hậu và yêu cầu chất lượng nông sản ngày càng cao, Long An là một trong những địa phương tiên phong trong thực hiện “cuộc cách mạng” trên đồng ruộng.

 

(còn tiếp)

Bùi Tùng - Lê Ngọc

Bài 3: Những trợ thủ đắc lực của nhà nông

Nguồn: https://baolongan.vn/de-an-1-trieu-hecta-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-cuoc-cach-mang-tren-dong-ruong-hinh-thanh-nhung-canh-dong-kieu-moi-bai-2--a196056.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm