Với tiềm lực đào tạo và nghiên cứu vượt trội, thành phố đứng trước cơ hội xây dựng một hệ sinh thái đại học toàn diện, phục vụ phát triển vùng và quốc gia. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm sao kết nối và phát huy sức mạnh liên kết giữa các trường để giải các bài toán lớn.
Tiềm lực dồi dào
Trước khi sáp nhập, TPHCM là 1 trong 2 trung tâm giáo dục đại học lớn nhất Việt Nam, với hơn 60 cơ sở giáo dục đại học, quy mô đào tạo khoảng 600.000 sinh viên, học viên.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải, VGU cho rằng, chính quyền thành phố cần tạo lập niềm tin và môi trường công bằng, công khai trong việc giao nhiệm vụ, đầu tư và hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học. Khi các trường được tin tưởng và được tạo điều kiện phát triển, đội ngũ nhà khoa học mới có thể chủ động cống hiến và đồng hành cùng thành phố trong tiến trình phát triển.
Các cơ sở giáo dục đại học tại TPHCM phân bố rộng khắp, từ trung tâm đến ngoại thành, bao gồm nhiều phân hiệu của các trường có trụ sở chính tại Hà Nội như Trường Đại học Ngoại Thương, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Thủy Lợi, Trường Đại học Lao động Xã hội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Hành chính và Quản lý công. Đại học Quốc gia TPHCM là đơn vị lớn nhất, với diện tích hơn 643 ha, gồm 8 trường thành viên.
Quy mô đào tạo của Đại học Quốc gia TPHCM đến cuối năm 2024 đạt hơn 100.000 người học, trong đó 97.000 sinh viên đại học chính quy. Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) là đơn vị lớn tiếp theo, với gần 40.000 người học.
Trước sáp nhập, Bình Dương sở hữu 5 trường đại học: Đại học Bình Dương, Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Việt Đức, Đại học Quốc tế Miền Đông, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, cùng cơ sở Trường Đại học Mở TPHCM và phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi. Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 trường: Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu và Đại học Dầu khí Việt Nam. Tổng quy mô đào tạo đại học của các trường đại học tại 2 địa phương này trước đây đạt khoảng 70.000 người học.
Như vậy, sau sáp nhập, vùng đô thị TPHCM mở rộng sở hữu hơn 70 cơ sở giáo dục đại học, khẳng định vị thế “siêu đô thị đại học”. Các trường đại học tại đây cung cấp các chương trình đào tạo đa ngành, phủ khắp các lĩnh vực, có thêm cơ hội góp sức nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Trường Đại học Việt Đức (VGU) là một minh chứng tiêu biểu. Được thành lập năm 2008, xây dựng theo hướng trường đại học xuất sắc, trên cơ sở quan hệ hợp tác giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam, Bộ Khoa học và Nghệ thuật Bang Hessen, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu của Cộng hòa Liên bang Đức, VGU đang hướng tới trở thành trường đại học nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực.
Trụ sở đặt tại tỉnh Bình Dương (cũ), song trong quá trình phát triển, VGU đã xây dựng được các nhóm nghiên cứu chuyên sâu có đóng góp thiết thực cho đô thị TPHCM. Trước thời điểm sáp nhập, nhà trường đã duy trì 2 nhóm nghiên cứu hoạt động trực tiếp tại TPHCM, cung cấp tư vấn và giải pháp chiến lược cho các vấn đề đô thị và giao thông. Không dừng lại ở đó, VGU còn tham gia vào việc đào tạo nhân lực và phát triển hệ sinh thái phục vụ trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam - một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế tri thức của TPHCM.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải VGU nhận định, việc sáp nhập các địa phương trở thành TPHCM mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường mở rộng hệ sinh thái hợp tác trong nghiên cứu, tư vấn chính sách và triển khai các dự án liên kết trực tiếp với chính quyền và doanh nghiệp. “Việc trở thành một phần trong TPHCM mới cho phép nhà trường đóng vai trò rõ nét hơn trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội và gia tăng ảnh hưởng học thuật của mình ở tầm vùng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Chính quyền “ra đề toán”
Trong kỷ nguyên mới, nơi tri thức đóng vai trò quan trọng và tiên quyết, các trường đại học không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực, mà phải đóng vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều đó, không thể tiếp tục phát triển theo mô hình đơn lẻ, manh mún. Điều kiện tiên quyết để tạo nên hệ thống đại học vững mạnh, có khả năng giải quyết những bài toán lớn, dài hạn của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chính là sự liên kết.
Theo TS Hồ Thanh Trí - Viện trưởng Viện Quốc tế, Trường Đại học Công Thương TPHCM, việc xây dựng “siêu đô thị” đại học không thể chỉ trông chờ vào phát triển tự phát của từng cơ sở đào tạo, mà đòi hỏi phải có sự phối hợp chiến lược giữa 2 chủ thể chính: Hệ thống các trường đại học và cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, việc tham khảo có chọn lọc các mô hình quốc tế, điều chỉnh phù hợp với bối cảnh Việt Nam là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của quá trình kiến tạo hệ sinh thái đại học vùng.
Muốn xây dựng thành công “siêu đô thị” đại học, theo TS Trí, trước hết cần có cái nhìn tổng thể từ phía cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương. Ông nhấn mạnh 4 yếu tố then chốt: Quy hoạch chiến lược, cơ chế đặc thù về tài chính và pháp lý, thiết lập đầu mối điều phối và hạ tầng kết nối thông minh.
Trong đó, ở khía cạnh cơ chế tài chính và pháp lý đặc thù, TS Trí đề xuất chính quyền thiết lập những giải pháp, chính sách linh hoạt. Cụ thể, cần thành lập quỹ phát triển đại học vùng; xây dựng chính sách ưu đãi về đất đai, thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); thí điểm mô hình đối tác công tư (PPP) trong giáo dục. Ông dẫn chứng kinh nghiệm từ Singapore, nơi chính phủ đóng vai trò điều phối mạnh mẽ trong việc tích hợp đại học vào chiến lược phát triển quốc gia.
Trong cơ chế điều phối hệ thống đại học của TPHCM, rất cần một đầu mối thống nhất. Chuyên gia này đề xuất thành lập Ban Điều phối vùng đại học Đông Nam Bộ, gồm đầu mối là các địa phương thuộc vùng. Cơ chế này tương tự mô hình “Triple Helix” - sự kết hợp giữa nhà nước, đại học và doanh nghiệp, đã được triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc với mô hình KAIST tại thành phố Daejeon.
Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải VGU, chính quyền TPHCM cần chủ động tích hợp các trường đại học vào chương trình phát triển hạ tầng, công nghệ, kinh tế, tài chính của thành phố. “Không chỉ là nơi ban hành chính sách, chính quyền thành phố cần đóng vai trò như người đặt ra bài toán cụ thể cho các trường đại học, đồng thời thiết lập cơ chế đầu tư, tài trợ nghiên cứu để các trường có thể tham gia giải quyết những vấn đề thực tiễn”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng khẳng định, sự hợp tác giữa “3 nhà” với Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp là then chốt trong việc phát huy năng lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ của các trường đại học. Đây không chỉ là mối quan hệ phối hợp mà cần được nâng tầm thành cơ chế phối hợp chiến lược, nơi các trường đại học trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị sáng tạo và giải quyết các bài toán phát triển đô thị.
Tại hội thảo khoa học “Tầm nhìn quy hoạch và các động lực phát triển kinh tế của TPHCM” diễn ra giữa tháng 6/2025 tại Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đặt vấn đề về sự cấp thiết của mô hình đồng sáng tạo giữa Nhà nước - trường đại học/viện nghiên cứu - doanh nghiệp - cộng đồng khi TPHCM sau sáp nhập đi vào vận hành. Mô hình này được xem là chìa khóa để kết nối các nguồn lực tri thức, tài chính, công nghệ và sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển bền vững vùng đô thị TPHCM mới.
Theo GS.TS Sử Đình Thành - Giám đốc UEH, “TPHCM mới” không chỉ có diện mạo không gian và địa giới mới, mà còn đòi hỏi mô hình phát triển mới, tầm nhìn chiến lược mới và cách tiếp cận các động lực tăng trưởng hoàn toàn khác biệt.
Để hiện thực hóa tầm nhìn ấy, theo GS Thành, cần chiến lược quy hoạch bài bản, dài hạn và nhất quán. Bên cạnh vai trò điều phối và kiến tạo chính sách của Nhà nước, sự đồng hành của giới chuyên gia, học thuật và cộng đồng là yếu tố then chốt trong việc chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, đồng kiến tạo các giải pháp đột phá.

Trường đại học không thể là “ốc đảo”
Trong bối cảnh TPHCM hướng đến trở thành trung tâm tri thức và đổi mới sáng tạo, sự liên kết chặt chẽ giữa các trường là điều kiện tiên quyết để tạo ra sức mạnh tổng hợp, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn của đô thị. Các trường đại học không thể tiếp tục phát triển theo mô hình đơn lẻ như những “ốc đảo tri thức” tách biệt khỏi nhau.
Theo TS Hồ Thanh Trí, về phía các trường đại học, một trong những yếu tố cốt lõi là liên kết vùng và hình thành mạng lưới đại học chuyên ngành. Các trường đại học cần chuyển đổi từ mô hình hoạt động đơn lẻ sang hình thức liên kết cụm, trải rộng khắp TPHCM. Việc thành lập các liên minh đại học vùng, tương tự như mô hình COMUE tại Pháp (Paris-Saclay) sẽ giúp huy động sức mạnh tổng hợp, chia sẻ nguồn lực đào tạo - nghiên cứu - đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, việc phát triển nền tảng học liệu số liên vùng là bước đi không thể thiếu. Nền tảng này sẽ cho phép các trường chia sẻ tín chỉ, phối hợp giảng dạy, triển khai các chương trình đào tạo song bằng, sử dụng chung phòng thí nghiệm và tài nguyên học thuật. Bài học từ Đại học Aalto (Phần Lan) cho thấy mô hình này giúp tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản trị đại học.
Cũng theo TS Trí, một điểm nhấn khác trong chiến lược phát triển siêu đô thị đại học là đầu tư vào nghiên cứu - đổi mới sáng tạo. Các trường đại học cần xây dựng những trung tâm R&D liên ngành, vườn ươm khởi nghiệp và các mô hình doanh nghiệp khởi nguồn từ nghiên cứu (spin-off).
Việc kết nối chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu và nhu cầu của doanh nghiệp, vùng sẽ giúp nâng cao tính ứng dụng của tri thức đại học, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế. Mô hình High Tech Campus gắn với Đại học Công nghệ Eindhoven (Hà Lan) là ví dụ điển hình cho sự thành công của giải pháp này.
Ngoài ra, không dừng lại ở việc đào tạo theo khung chương trình chuẩn, các trường đại học trong vùng TPHCM mở rộng cần tích cực địa phương hóa chương trình học, gắn với đặc thù phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, cảng biển và kinh tế số.
Theo TS Trí, kinh nghiệm từ Đại học Tsukuba (Nhật Bản) cho thấy khi giáo dục gắn với giải quyết vấn đề địa phương, sinh viên không chỉ học kiến thức mà còn phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và năng lực hành động trong cộng đồng.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải, VGU có quan điểm khá tương đồng như trên khi cho rằng, không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực đơn lẻ của một vài trường đại học nhất định, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường thông qua mô hình liên kết học thuật.

Cụ thể, các trường cần chủ động thành lập các trung tâm nghiên cứu liên ngành, nơi quy tụ các giáo sư, chuyên gia đầu ngành đến từ nhiều lĩnh vực và đơn vị khác nhau, cùng nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho các vấn đề phức tạp như giao thông, đô thị thông minh, phát triển bền vững hay biến đổi khí hậu.
Việc huy động sức mạnh liên ngành sẽ giúp các trường khai thác hiệu quả tiềm lực khoa học công nghệ, đồng thời tạo ra các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao, gắn với thực tiễn địa phương. Ông Tuấn nhấn mạnh, những vấn đề của TPHCM, từ quy hoạch giao thông, phát triển kinh tế số đến hạ tầng đô thị, đều đòi hỏi cách tiếp cận tổng thể, đa ngành, có sự tham gia của nhiều bên.
Tại hội thảo khoa học “Tầm nhìn quy hoạch và các động lực phát triển kinh tế của TPHCM”, các chuyên gia đã bàn luận về mô hình “Đại học trong thành phố - City University”. Đây là xu hướng phát triển thực tiễn, trong đó đại học trở thành phần thiết yếu của cấu trúc và động lực đô thị: Đại học không đứng ngoài xã hội, mà cùng hành động với thành phố trong quy hoạch, cải cách thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/de-sieu-do-thi-dai-hoc-vuon-tam-post740203.html
Bình luận (0)