Theo thầy N.T.D, việc ra đề thi hiện nay phụ thuộc quá lớn vào cảm tính và kinh nghiệm cá nhân. Dù là những giáo viên giỏi chuyên môn, nhiều người trong đội ngũ ra đề lại thiếu vắng chuyên môn hóa về khảo thí, thậm chí không biết gì về các phương pháp thống kê cơ bản để đánh giá độ khó của một câu hỏi hay hiệu quả của các phương án nhiễu. Điều này biến quá trình ra đề thành công việc thủ công, thiếu tính khoa học; gây tranh cãi về mức độ khó, dễ, ngắn, dài và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
![]() |
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT môn Toán, môn tiếng Anh than khó. Ảnh: Như Ý |
Hệ quả của việc này là độ khó “cảm tính”: Một câu hỏi được cho là “khó” hay “dễ” thường dựa trên cảm nhận chủ quan của người ra đề, hoặc kinh nghiệm từ những năm trước. Tuy nhiên, cảm nhận này có thể sai lệch hoàn toàn so với thực tế khi áp dụng cho hàng chục ngàn thí sinh. Không có các chỉ số như chỉ số độ khó (p-value) được tính toán từ dữ liệu thực tế, chúng ta không thể biết chính xác câu hỏi đó “khó” hay “dễ” so với tổng thể năng lực thí sinh.
Phương án nhiễu vô dụng. Khi thiếu phân tích thống kê về hiệu quả của phương án nhiễu (distractor analysis), các lựa chọn sai có thể trở nên quá hiển nhiên, hoặc ngược lại, quá đánh lừa và không phản ánh đúng năng lực. Điều này khiến câu hỏi mất đi khả năng phân biệt, biến nó thành câu hỏi may rủi hoặc chỉ đơn thuần kiểm tra trí nhớ.
Câu hỏi thiếu khả năng phân biệt. Nếu không có chỉ số này, chúng ta không thể biết liệu một câu hỏi có đang thực sự làm tốt nhiệm vụ chọn lọc hay không. Có thể, một câu hỏi quá dễ khiến ai cũng làm được, hoặc quá khó khiến không ai làm được, đều là những câu hỏi có khả năng phân biệt kém.
Khi ra đề dựa vào kinh nghiệm cá nhân, người ra đề có thể vô tình đưa vào những câu hỏi thiên về một khía cạnh kiến thức nào đó mà họ quen thuộc, hoặc sử dụng cách diễn đạt mà chỉ một nhóm thí sinh nhất định dễ tiếp cận. Điều này làm mất đi tính công bằng của kì thi và mang tính rủi ro cao.
Giải pháp cho vấn đề này, theo thầy N.T.D, cần cuộc cách mạng trong cách tiếp cận việc ra đề thi, hướng tới sự chuyên nghiệp hóa và ứng dụng khoa học. Trong đó, đào tạo chuyên sâu về khảo thí; xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa; quy trình ra đề chuyên nghiệp; sự tham gia của chuyên gia thống kê.
Việc thoát li khỏi cảm tính và kinh nghiệm để hướng tới một quy trình ra đề thi chuyên nghiệp, dựa trên dữ liệu thống kê không chỉ nâng cao chất lượng đề thi mà còn củng cố niềm tin của xã hội vào tính công bằng và minh bạch của các kì thi tuyển sinh.
"Mổ xẻ" 4 nguyên nhân
TS Trần Nam Hà, một chuyên gia về khảo thí đã phân tích nguyên nhân vì sao đề thi một số môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 khó một cách “tuyệt đối”.
Theo TS Nam Hà, nguyên nhân đầu tiên là lệch pha giữa mục tiêu kỳ thi và cấu trúc đề. Số lượng câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao chiếm tỉ trọng lớn, trong khi các câu nhận biết - thông hiểu, vốn là “điểm tựa” cho học sinh trung bình, lại giảm mạnh. Sự thiên lệch này cho thấy đề thi đang nhắm vào mục tiêu phân loại thay vì xét tốt nghiệp.
Đáng nói hơn, cách đặt câu hỏi và lựa chọn ngữ liệu ở nhiều môn mang tính học thuật sâu, dài dòng, thiếu thân thuộc - đặc biệt ở môn Văn và Tiếng Anh - khiến học sinh mất nhiều thời gian đọc hiểu, không còn đủ năng lượng để giải quyết yêu cầu trọng tâm.
Thứ hai là sai lệch trong hiểu và vận dụng ma trận đề thi. Ma trận đề thi, lẽ ra là công cụ bảo đảm sự cân đối về nội dung và cấp độ nhận thức, đã bị hiểu và vận dụng sai lệch. Nhiều đơn vị coi ma trận chỉ là bảng phân phối số lượng câu hỏi, từ đó dùng phần mềm rút ngẫu nhiên mà bỏ qua đặc tả chi tiết cho từng câu.
Thiếu sự kiểm soát về năng lực cần đánh giá, độ khó và độ phân biệt, đề thi trở thành một “sản phẩm xổ số” thay vì công cụ đánh giá khoa học. Đáng lo hơn, việc nhầm lẫn giữa ma trận và đặc tả đề thi đã khiến quá trình xây dựng đề tách rời hoàn toàn khỏi yêu cầu của chương trình giáo dục 2018.
Thứ ba, một điểm yếu cốt lõi khác là sự thiếu vắng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa cấp quốc gia. Việc ra đề hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chuyên gia mà không có dữ liệu thực nghiệm về độ khó hay độ phân biệt. Điều này khiến chất lượng đề phụ thuộc vào cảm tính và kinh nghiệm cá nhân, dẫn đến sự dao động mạnh giữa các năm và giữa các mã đề.
Hệ quả là học sinh phổ thông trung bình, đối tượng chủ yếu của kỳ thi tốt nghiệp - không còn cơ hội tiếp cận đề thi một cách công bằng.
Nguyên nhân cuối cùng là bất nhất trong truyền thông chính sách và quy trình kĩ thuật. Tháng 2, đại diện Bộ GD&ĐT công bố việc xây dựng ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi theo chương trình mới.
Nhưng chỉ vài tháng sau, tại buổi họp báo (sau kỳ thi), một lãnh đạo lại phát biểu rằng năm đầu tiên “không dùng ngân hàng đề thi”. Sự bất nhất trong truyền thông chính sách không chỉ làm giảm niềm tin xã hội mà còn khiến giáo viên và học sinh chuẩn bị sai hướng.
Nguồn: https://tienphong.vn/de-thi-kho-nong-bong-cac-dien-dan-quy-trinh-ra-de-thi-can-duoc-chuyen-nghiep-hoa-post1756576.tpo
Bình luận (0)